Cả năm “ở trọ” đủ rồi! Tết này hãy dành thời gian cho gia đình, những kết nối thật để nhận về yêu thương
Lại một mùa xuân nữa đang gần kề, trong cái không khí nô nức ấy, không ít người trẻ lại than “Tết sao nhạt quá!”. Phải chăng là do các bạn đang dành thời gian của mình sai cách?
Một nhà văn đã từng viết: “Con người là vậy, nhất là thời trẻ tuổi. Họ thích rời xa bến quê, đến một miền đất lạ, nơi xa xôi để tìm cái mới, cái đẹp, thậm chí cả những phù phiếm ở đời. Đến khi kiệt quệ, họ quay lưng lại, tìm đến những bóng hình người thương đã từng gần gũi mình…”
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ như thế này, câu nói đó lại càng làm thổn thức những con người xa xứ, tha phương cầu thực, những con người suốt một năm qua, phải “ở trọ thế gian”, chờ mong ngày được trở về đoàn viên bên gia đình.
Ấy vậy mà, đâu đó trên dải đất này, cũng không ít những bạn trẻ, đang sống trong chính căn nhà mình, bên cạnh những người thân thương nhất, lại như là một vị khách trọ vậy. Câu chuyện về một bạn trẻ như thế, được đặc tả xuất sắc qua ống kính của Vũ Ngọc Đãng trong phim ngắn Tết kết hợp cùng nhãn hàng Pepsi vừa được ra mắt mang tên “Đầu năm trao Muối”.
Nếu là người trẻ, sau khi xem phim, hẳn sẽ thấy phảng phất đâu đó hình ảnh của mình qua nhân vật Khang. Cũng như chúng ta, Khang đã từng đi qua những mùa Tết thật háo hức, rộn ràng và sum vầy bên gia đình, họ hàng lối xóm. Những hồi ức ngày bé ấy cùng tập tục đầu năm trao Muối thật đẹp! Bà con lối xóm trao nhau những bịch muối thay lời chúc năm mới may mắn, các mối quan hệ thêm khắng khít, mặn nồng.
Tập tục “Đầu năm trao Muối” thay cho lời chúc năm mới may mắn, tình thân gia đình, tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn.
Hồi ức Tết xưa – háo hức và rộn ràng.
Tuy nhiên, với bản tính ưa khám phá, thích cái mới, người trẻ như Khang đã bị công nghệ dẫn dắt vào thế giới riêng và dần mất đi sự kết nối với gia đình. Cũng từ đó, việc cùng ba đi chúc Tết và tặng muối cho lối xóm cũng bị Khang xem là phiền phức. Khi những giá trị kết nối không còn, ta sống chẳng khác gì một vị “khách trọ” trong chính căn nhà mình. Phong tục dần bị quên lãng, sự gắn kết gia đình dần rệu rã, sự cảm thông cũng dần mất đi, mâu thuẫn dâng cao, cũng là lúc Khanh muốn rời bỏ gia đình của mình.
Công nghệ tạo khoảng cách vô hình giữa các thành viên trong gia đình.
Khi những gắn kết rệu rã, ta muốn trốn chạy thật xa!
Để rồi, chỉ khi rời xa gia đình, độc bước trên con đường mưu sinh, lạc lõng và cô đơn, mới thấm được vị mặn của muối, mới trân quý từng giây phút bên cạnh người thân. Lúc ấy, sự gắn kết gia đình hiện hữu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thật may mắn với Khang, khi nhận ra lỗi lầm, anh vẫn còn gia đình để trở về.
Khi rời xa gia đình, mới thấm được vị của muối.
Nhưng không phải lúc nào may mắn cũng xảy ra. Những ai thấy mình giống như Khang, cũng đang sống thờ ơ, vô tâm trong chính căn nhà mình, hãy xem đó như một bài học và thay đổi bản thân trước khi quá muộn.
Với một thông điệp ý nghĩa, “Đầu năm trao Muối” mang đến những người trẻ lời “nhắc nhở” từ chính đạo diễn của bộ phim - Vũ Ngọc Đãng cùng nhãn hàng Pepsi: Công nghệ đang kéo gần những người ở xa nhau nhưng cũng chính công nghệ đang làm xa những người ở gần nhau.
Sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình luôn là gia vị đậm đà nhất của Tết. Vậy nên, đừng than Tết nhạt, vì vốn dĩ Tết bao đời vẫn vậy. Hãy cho chiếc điện thoại của mình nghỉ ngơi, dành thời gian bên bạn bè và gia đình để tận hưởng một mùa Tết đậm đà bạn nhé!