Những điều "kinh hoàng" mà chỉ ai xa quê cả năm về ăn Tết mới hiểu, mới được trải nghiệm
Lớn rồi, sống xa quê cả năm, học hành vất vả, những ngày về quê ăn Tết, họ chỉ muốn ở bên gia đình, bên bố mẹ, ông bà, anh em, chẳng hứng thú đi chơi, chẳng muốn gặp ai, chẳng thèm những cuộc vui, những cuộc tụ tập nữa.
3 ngày Tết, làm gì thì làm, cũng phải về quê ăn Tết. Đối với những người học tập, sinh sống ở các thành phố lớn, việc về quê đoàn tụ càng thêm ý nghĩa. Hôm nay, 23 tháng Chạp, học sinh đã bắt đầu nghỉ, sinh viên cũng rộn ràng bắt xe về quê, 1 tuần nữa là Tết, ai cũng mong nhanh nhanh chóng chóng về nhà.
Ông bà sẽ đón ở ngõ, chờ xem cháu mình ra thành phố có lớn hơn tý nào không; cha mẹ mong xem con mình có gầy đi không; mấy đứa em thì chờ để được kể những điều ở phố mà ở quê chẳng có... Những điều ý nghĩa, ấm áp này, chỉ những ai ở tỉnh đi học xa nhà mới có cơ hội trải nghiệm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những điều, chẳng ai muốn trải qua hết, nếu không muốn nói là nỗi kinh hoàng ngày Tết và cũng chỉ có ai xa quê mới thấm!
Mua được vé xe, vé tàu, vé máy bay về quê đã khổ, lên xe còn chịu đủ cảnh chen lấn chật chội, nhà xe nhồi nhét như xe chở lợn. Đã thế còn có đủ mùi hương không mấy thơm tho từ cơ thể người, đồ ăn, mùi xe; rồi tiếng ồn của trẻ con khóc, tiếng người ta gọi điện cho nhau suốt cả chặng đường...
Trên xe bật toàn thứ nhạc, thứ hài kịch mình không thể cảm được. Không chỉ người vật vã mà đồ đạc cũng méo mó hết, mua cho bố mẹ được hộp bánh về nhà lấy xe xẹp lép mất một nửa!
Ở thành phố mặc đồ rộng về quê bị mắng là sao mặc như ăn mày, mặc đồ đen bị chê là xui xẻo, mặc đồ lạ một chút bị mắng đua đòi, mặc đồ luộm thuộm bị chê mặc như bà già, mặc đẹp quá bảo ăn chơi... Nào ai có biết con lên thành phố học mặc đơn giản lắm, chẳng lồng lộn được như chúng bạn ở quê để vừa con mắt gia đình, hàng xóm... Vì thế nên mấy ngày Tết chỉ mặc đồ ở nhà, chẳng ai nói năng gì nữa.
Vali quần áo thì ít nhưng nhất định phải mang sách về quê với lời hứa nhất định mình sẽ ôn thi, sẽ đọc hết cuốn này trong mấy ngày Tết. Vác cho nặng, chiếm chỗ rồi lúc quay lại thành phố mang y nguyên chồng sách đó, không đụng đến cuốn nào!
Dường như cả năm không thấy mặt mình, không được mắng nên về quê ăn Tết là bố mẹ đua nhau mắng hay sao ấy, làm gì cũng không vừa mắt. Đi chơi nhiều quá mắng là đi suốt 365 ngày rồi về 3 ngày Tết không chịu ở nhà. Ở nhà không đi đâu lại măng ru rú thế kia thì bao giờ có người yêu, sao không đi chơi?!
Đối với sinh viên, thầy cô cứ thích giao thật nhiều bài tập Tết về nhà vì nghĩ trò của mình nghỉ Tết lâu sẽ chán và nhanh quay lại học bài. Nhưng không, mồng 6 đi học thì tối mồng 5 mới bắt đầu quay lại xem sách vở, ngáp lên ngáp xuống rồi lại đi đi ngủ. Làm bài tập ngày Tết dường như là điều gì quá xa xỉ, hoạ chăng có khai bút được 3 chữ ngày mồng Một.
Năm nào cũng có Tết và năm nào cũng được chứng kiến sự vô duyên của các bác hàng xóm. Đến chúc Tết mà các bác cứ đè cháu ra hỏi những câu kém sang.
Ai cũng thích ở lại chơi thêm mấy ngày mới ra đi học, vì thế mà những ngày đầu năm, lớp học nào cũng lác đác chỉ có 1, 2 người đến lớp.
Nhiều lý do để không đi họp lớp lắm, nào là lười, nào là người yêu cũ học chung lớp, nào là chỉ có 3, 4 đứa đi họp, năm nào cũng thế, nhìn nhau phát chán. Ở nhà ngủ cho lành!
Ở thành phố ngoài học thì cũng phải đi làm thêm, chắt chiu từng đồng lẻ để trả tiền trọ, tiền ăn, tiền học phí nhưng mọi người cứ auto nghĩ đi xa về là có tiền, có quà hay sao ấy.