Danh tính đại gia đứng sau Biệt thự lâu đài lớn nhất Việt Nam tại Việt Trì, Phú Thọ là ai?
Toà lâu đài toạ lạc tại trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, với diện tích xây dựng sàn bê tông lên tới hơn 16.000m2 được đơn vị thiết kế đánh giá là toà lâu đài lớnnhất Việt Nam tính tới thời điểm này.
Lâu đài này có tên Hải Linh, được thiết kế từ năm 2019, tới năm 2023 đi vào hoàn thiện. Theo kiến trúc sư Phan Vượng, người thiết kế và giám sát thi công lâu đài Hải Linh cho biết, diện tích sàn tầng 1: 2.100 m2; tầng 2: 1.768 m2; tầng 3: 1.980 m2; tầng 4: 1.500 m2; tầng 5: 1.500 m2; tầng 6: 1.350 m2 và 4 chóp nhỏ trên sàn tầng 6, mỗi chóp gần 500m2; mái phòng thờ: 174m2, các cung tròn lớn và mái lớn khoảng 1000m2.
Với tổng diện tích sàn bê tông lên đến 16.000 - 17.000 m2 và chiều cao 70m, kiến trúc sư Phan Vượng đánh giá tổng mép sàn và chiều cao của lâu đài Hải Linh đang giữ kỷ lục Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Toà lâu đài ở Phú Thọ này được xây dựng theo lối kiến trúc tân cổ điển với hàng loạt những chi tiết đường nét hoa văn uốn lượn, chi tiết mái vòm, cột tròn đối xứng, các đường chỉ phào, phù điêu, điêu khắc,...
Theo đơn vị thiết kế chia sẻ, hiện tại công trình đang đi vào hoàn thiện nội thất. Hệ thống cột xoắn bên ngoài đại sảnh lâu đài là điểm nhấn đặc biệt và đòi hỏi tay nghề rất cao của thợ hoàn thiện, với đường kính cột lên tới hơn 1m.
Được biết, lâu đài trên là văn phòng, trụ sở làm việc của Công ty TNHH Hải Linh , địa chỉ tại khu 2, xã Sông Lô, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty là ông Lê Văn Tám (SN 1966), một doanh nhân có tiếng ở tỉnh Phú Thọ. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty Hải Linh là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.
Hình thành trên cơ sở doanh nghiệp tư nhân Hải Linh vào năm 2002, sau 18 năm hoạt động, Công ty TNHH Hải Linh hiện được đánh giá là một trong những công ty có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng ...
Hải Linh đã gây dựng được địa bàn hoạt động ngày càng rộng lớn và thị phần hàng hóa năm sau cao hơn năm trước, cơ sở vật chất ngày một vững mạnh. Theo giới thiệu trên VN500, công ty có khoảng hơn 200 đại lý trên địa bàn các tỉnh. Thị phần xăng dầu của công ty chiếm 20-30% và thị phần gas chiếm trên 50% thị phần khu vực.
Hàng năm, Hải Linh luôn nằm trong danh sách các doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và chấp hành tốt các quy định về phòng chống cháy nổ. Nhờ đó, Hải Linh đã được khen ngợi và nhận được nhiều chứng nhận, danh hiệu cao quý từ các cấp lãnh đạo địa phương về những đóng góp của mình
Năm 2022, Công ty TNHH Hải Linh xếp hạng 68 trong số 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và xếp hạng 33 trong số 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Trong lĩnh vực xăng dầu, Công ty TNHH Hải Linh chỉ xếp sau Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, và đứng trên các doanh nghiệp xăng dầu nổi tiếng như CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (Nghệ An), CTCP hoá dầu quân đội (MIPEC), TCT Hoá dầu Petrolimex,...
Theo thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh, tháng 4/2023, Công ty TNHH Hải Linh đã thực hiện tách doanh nghiệp, theo đó vốn điều lệ mới của công ty từ 4.550 tỷ đồng còn 1.350 tỷ đồng . Hai thành viên góp vốn của công ty bao gồm: Ông Lê Văn Tám chiếm 85,9% và bà Nguyễn Thị Hải chiếm 14,1% vốn góp.
Ngoài Công ty Hải Linh, trong hệ sinh thái của ông Lê Văn Tám còn có một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Điện Lực Hiệp Phước, Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Vũng Tàu, CTCP kho Cảng Cái Mép, CTCP Kho cảng LNG Cái Mép, CTCP Hải Linh LNG...