Đang trong giai đoạn vô chính phủ nhưng quốc gia này vẫn tăng trưởng rất tốt nhờ...khủng bố
Số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng hơn 3% trong 15 tháng qua và điều này thực sự khiến nhiều chuyên gia bị bất ngờ bởi nước này thậm chí chưa bầu cử ra được một hệ thống các nhà lãnh đạo đất nước từ cuối năm 2015.
Không có chính phủ? không vấn đề gì, vẫn tăng trưởng tốt
Cách đây 4 năm, nền kinh tế Tây Ban Nha gặp khủng hoảng trầm trọng, thị trường bất động sản xì hơi còn hệ thống ngân hàng nước này phải nhờ đến các khoản cứu trợ của chính phủ mới có thể sống sót. Năm 2012, tăng trưởng GDP của Tây Ban Nha thậm chí ở mức âm 2,1%
Vào cuối năm 2015, cuộc bầu cử vòng 1 tại Tây Ban Nha và quyền Thủ tướng, ông Mariano Rajoy không thể có đa số phiếu. Hệ quả là một cuộc bầu cử lần 2 đã được tiến hành vào tháng 6/2016 để xác định ra nhà lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ và nền chính trị Tây Ban Nha vẫn còn đang rối ren.
Hiện người dân Tây Ban Nha đang phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu lần thứ 3 vào cuối năm nay
Bất chấp những yếu tố bất ổn trên chính trường, nền kinh tế Tây Ban Nha vần hồi phục sau khủng hoảng và tăng trưởng khá tốt. Xuất khẩu của Tây Ban Nha tăng 4,3% còn GDP tăng trưởng 0,8%, cao hơn nhiều mức bình quân 0,3% tại Châu Âu. Khoảng 484.000 việc làm mới đã đã tạo ra trong 1 năm qua ở nước này.
Tăng trưởng theo quý của Tây Ban Nha so với mức bình quân của khu vực Châu Âu (%)
Nhờ những chính sách cải cách kinh tế của cựu Thủ tướng Mariano Rajoy mà nền kinh tế nước này hồi phục ngoạn mục sau cuộc khủng hoảng năm 2012.
Sự nới lỏng trong luật lao động, chi phí nhân công thấp đã giúp các công ty nước này làm ăn ngày càng có lãi. Thêm vào đó, giá dầu thấp cùng với chính sách kích thích kinh tế của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng góp phần hỗ trợ đà tăng trưởng này.
Bên cạnh đó, chính phủ Tây Ban Nha trước đó cũng tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cũng như chi tiêu công nhằm thúc đẩy kinh tế, qua đó kích thích kinh doanh và đầu tư trên thị trường. Điều trớ trêu là sau khi cựu Thủ tướng Rajoy không vượt qua được cuộc bầu cử, hiện vẫn chưa có nhà lãnh đạo nào đủ quyền lực để thay đổi hay tạm dừng những chính sách kinh tế này.
Hệ quả là tỷ lệ tín dụng tại Tây Ban Nha vẫn tăng đều. Dù yếu tố này có chứa rủi ro về dài hạn nhưng hiện tại chúng vẫn tác động tích cực đến nền kinh tế trong ngắn hạn.
Kinh tế Tây Ban Nha lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng 2012 và 2008 (tăng trưởng GDP)
Tăng trưởng nhờ...khủng bố?
Ngành du lịch Tây Ban Nha đã có một năm ngọt ngào khi lượng du khách tăng 11% trong 7 tháng đầu năm nay.
Nguyên nhân chính là do những cuộc khủng bố đẫm máu tại Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập khiến du khách đổ về các khu vực du lịch khác an toàn hơn như Tây Ban Nha. Báo cáo của Hiệp hội du lịch quốc tế (UNWTO) cho thấy Tây Ban Nha là địa điểm du lịch hấp dẫn thứ 3 trên thế giới hiện nay.
Sự phát triển của ngành du lịch đã giúp tạo ra nhiều việc làm cho người dân Tây Ban Nha. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã giảm cuống dưới 20% sau khi đã từng đạt đỉnh 26% vào năm 2013. Đây là điều dễ hiểu khi ngành du lịch yêu không có yêu cầu quá cao về trình độ, tay nghề.
Hãng Capital Economics nhận định sự tăng trưởng của ngành du lịch đã đóng góp gần 1 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Tây Ban Nha.
Trong khi đó, tiêu dùng tại Tây Ban Nha cũng được thúc đẩy do tỷ lệ thất nghiệp giảm, lãi suất cho vay thấp, giá dầu đi xuống.
Báo cáo của hiệp hội mua nhà thế chấp Tây Ban Nha (SMA) cho thấy số khách hàng mua nhà thế chấp mới tại nước này trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.