Dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc: Câu chuyện chưa ‘vô địch thiên hạ’ đã... đói
Những con số không nói dối, nhưng cũng không thể nói lên hết sự thật. Hãng tin CNN nhận định Ấn Độ có khả năng chưa kịp ‘vô địch thiên hạ’ đã...đói.
Theo The Vox, Trung Quốc đã là nước đông dân nhất thế giới kể từ năm 1950 khi Liên Hiệp Quốc (UN) bắt đầu ghi nhận số liệu thống kê và quốc gia này đã giữ danh hiệu trên suốt nhiều thập niên.
Đây cũng là nước vượt 1 tỷ dân số vào năm 1982 và đạt 1,426 tỷ người vào năm 2022, đông gấp 4 lần tổng dân số cũng như mật độ dân cư của Mỹ.
Thế nhưng danh hiệu này của Trung Quốc đang mất vào tay Ấn Độ khi theo thống kê của UN, quốc gia Nam Á sẽ “vô địch thiên hạ” về dân số trong năm nay.
Đây chẳng phải là thông tin đáng bất ngờ khi tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã cao hơn Trung Quốc nhiều năm kể từ trước khi nền kinh tế số 2 thế giới áp dụng chính sách 1 con vào năm 1979. Bởi vậy các chuyên gia đều dự đoán được rằng dân số Ấn Độ sớm muộn gì cũng vượt qua Trung Quốc.
Thế nhưng liệu sự soán ngôi về dân số này có giúp nền kinh tế Ấn Độ vươn mình?
Tiềm năng lớn
Cả Trung Quốc và Ấn Độ hiện vẫn là quê hương của 3/8 tổng dân số trên hành tinh. Bởi vậy sự soán ngôi của Ấn Độ không thực sự đem lại lợi thế cách biệt.
Trên thực tế, cả 2 nền kinh tế này đều có sự suy giảm tăng trưởng dân số, có khác chăng là tốc độ khác nhau mà thôi.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện đã xuống 1,3 trẻ trên mỗi phụ nữ, thuộc hàng thấp nhất thế giới và dưới cả mức 2,1 trẻ/phụ nữ để cân bằng dân số. Đây là nguy cơ lớn cho nền kinh tế từng dựa vào chi phí nhân công rẻ để bùng nổ, đi kèm với đó là vô số hệ lụy về an sinh xã hội, tăng trưởng...
Tuy nhiên Ấn Độ cũng không khá hơn khi tỷ lệ sinh cũng giảm mạnh từ 6 trẻ/phụ nữ trong thập niên 1960 xuống chỉ còn 2,1 trẻ/phụ nữ hiện nay. Mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn giúp Ấn Độ đạt đỉnh 1,7 tỷ người vào năm 2064, đồng thời có một lực lượng lao động trẻ hơn Trung Quốc.
Hơn 2/3 tổng dân số của nước này là trong độ tuổi 15-59. Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Ấn Độ có hơn 900 triệu người trong độ tuổi lao động năm 2021. Báo cáo của Capital Economics thì dự đoán lực lượng lao động Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trong vài năm tới.
Đây là một tiềm năng lớn cho Ấn Độ khi các bài học lịch sử đều cho thấy gia tăng sức lao động đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế. Hàng loạt những thành công tại Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều cho thấy nhân công giá rẻ đã thúc đẩy được nền kinh tế mạnh mẽ như thế nào.
(Click để phóng to)
Việc lao động tỉnh lẻ dồi dào, lên thành phố làm việc rồi ít sinh con khiến họ năng suất hơn, nhưng cũng để lại tiềm tàng suy giảm dân số sau này.
Bởi vậy Ấn Độ có tiềm năng tăng trưởng lớn, nhưng cũng bao gồm hàng loạt thách thức tiềm tàng.
Trung tâm nghiên cứu kinh tế (CEBR) dự báo với đà tăng trưởng như hiện nay, Ấn Độ có thể vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026 và vượt qua Nhật Bản để xếp hạng 3 năm 2032.
Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế lại không phải là tất cả.
Chưa giàu đã...đói
Hãng tin CNN nhận định một thị trường lao động dồi dào là ưu thế nhưng nó chỉ đem lại hiệu quả khi kiếm đủ việc cho hầu hết mọi người. Đây là một thách thức với Ấn Độ khi quốc gia này vẫn phải vật lộn với tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp.
Tờ New York Times (NYT) cho biết Ấn Độ đã nhiều lần tự hào về tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng lại không tạo đủ công ăn việc làm cho số lao động dưa thừa. Số liệu cho thấy bình quân nước này cần 9 triệu việc làm mới mỗi năm và việc thừa lao động đã đẩy vô số nhân lực quay trở về làm nghề nông.
Phần lớn lao động tại Ấn Độ dù không thất nghiệp nhưng cũng chẳng có việc làm ổn định. Báo cáo của chuyên gia kinh tế Jean Dreze thuộc trường đại học Delhi thì cho thấy mức lương bình quân lao động tại đây không tăng mấy suốt 8 năm qua.
Theo NYT, Việc Ấn Độ tăng trưởng mạnh nhưng không tạo thêm được nhiều việc làm ổn định cũng như thu nhập cho người dân trong bối cảnh dân số bùng nổ sẽ chỉ khiến gia tăng càng nhiều thách thức trong xã hội lẫn nền kinh tế.
(Click để phóng to)
Đồng quan điểm, tờ Vox nhận định nếu dân số quá đông mà không tìm được việc làm cho tất cả thì đây sẽ là quả bom nổ chậm cho nền kinh tế Ấn Độ.
Dù tỷ lệ sinh của quốc gia Nam Á này vẫn ổn nhưng nhìn kỹ thì lại khác biệt rất lớn tùy khu vực địa phương. Dân số Ấn Độ tăng trưởng nhanh ở những vùng quê nghèo miền Bắc trong khi miền Nam, nơi kinh tế phát triển lại chững lại và có tỷ lệ sinh thấp chẳng kém gì Trung Quốc.
Thế rồi câu chuyện bình đẳng giới, sắc tộc, tôn giáo, phân cấp giai tầng trong xã hội Ấn Độ cũng là một vấn đề nhức nhối. Tờ NYT cho biết chỉ có ¼ nữ giới ở Ấn Độ là được tuyển dụng chính thức, tức chưa bằng một nửa tỷ lệ tại Trung Quốc, thuộc hàng thấp nhất thế giới, chưa kể đến khả năng tiếp cận giáo dục của các bé gái.
Xin được nhắc là phụ nữ Ấn Độ hiện đang chiếm 41% dân số và là nguồn nhân lực chính cho mọi thể loại việc nhà.
Nói về xung đột địa chính trị, Ấn Độ cũng không bình yên hơn Trung Quốc là mấy. Những cuộc xung đột đảng phái, tranh chấp với Pakistan khi cả 2 quốc gia đều có vũ khí hạt nhân đều là những thách thức mà các doanh nghiệp muốn rót vốn vào Ấn Độ phải xem xét kỹ lưỡng.
Hiện nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 5 lần Ấn Độ, chỉ số GDP bình quân đầu người cũng cao hơn nhiều. Đó là chưa kể Ấn Độ cũng gặp phải các thách thức tương tự Trung Quốc cách đây 30 năm như hệ thống quan liêu, cơ sở hạ tầng kém, giáo dục và y tế chậm phát triển, luật đất đai và lao động lỏng lẻo...
Rõ ràng, nếu Ấn Độ muốn thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng thế giới, tạo nên tăng trưởng bùng nổ nhờ nhân công giá rẻ và xuất khẩu thì họ vẫn còn rất nhiều việc phải làm chứ không chỉ riêng tăng dân số.
*Nguồn: Vox, CNN, NYT