Đàn ông Nhật Bản ngày càng sợ vợ: Nhiều nam giới tố cáo bị phụ nữ bạo hành, mất hết vị thế trước phái yếu
Báo cáo chính thức cho thấy số vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là các ông chồng tại Nhật đang tăng chóng mặt những năm gần đây.
Trong nhiều thập niên, vai trò của người phụ nữ Nhật Bản bị xã hội đánh giá thấp. Tư tưởng nữ giới chỉ nên ở nhà lo nội trợ, chăm sóc con cái vẫn còn rất phổ biến ở Nhật Bản, tuy nhiên tình hình giờ đây đã khác khi tỷ lệ bạo hành nam giới lại gia tăng đáng ngạc nhiên.
Năm 2019, cảnh sát khu vực bắc thủ đô Tokyo đã bắt giữ bà Mika Masaoka, 44 tuổi vì tội mưu sát chồng mình, ông Kenichi. Bà Masaoka cho biết mình mất bình tĩnh khi cãi nhau với chồng mình và đã đâm vào cổ, ngực của ông bằng dao làm bếp.
Cùng năm đó, một phụ nữ 43 tuổi ở Tokyo cũng đã bị bắt vì tội chuốc say bạn trai rồi đâm ít nhất 10 nhát vào ông này. Người phụ nữ mang tên Chinatsu Sato cho biết mình không hạnh phúc với mối quan hệ này và đã lên kế hoạch giết bạn trai cách đó 1 tuần.
Tương tự cũng vào năm 2019, bà Yoshik Imaguchi, 65 tuổi cũng đã bị bắt vì mưu sát chồng. Bà Imaguchi cho biết đã giết chồng mình, ông Mitsuaki, 74 tuổi vì quá stress trước những lời càm ràm của người bạn đời lớn tuổi.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây lại là hiện trạng của nước Nhật. Những áp lực về kinh tế, chăm sóc gia đình, giữ vững nề nếp đã khiến nhiều phụ nữ Nhật Bản không thể kìm nén nổi nữa. Câu chuyện "Ăn cơm tàu, lấy vợ Nhật" giờ đây đã không còn chính xác khi dân số lão hoá nhanh khiến phụ nữ vừa phải chăm sóc người già, chồng con, nhưng cũng phải gánh vác một phần kinh tế.
Việc có quá nhiều thứ đổ dồn lên vai phụ nữ Nhật Bản đã khiến họ không thể giữ được sự bình tĩnh, nhẫn nại, vốn là những điều làm nên sự nổi tiếng của phái yếu xứ xở mặt trời mọc nữa.
Than phiền lắm, ăn đòn nhiều
Theo tờ SCMP, báo cáo chính thức cho thấy số vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là các ông chồng tại Nhật đang tăng chóng mặt những năm gần đây. Các chuyên gia cho rằng giảm tốc kinh tế và những áp lực về văn hóa lịch sự đã đè nén cảm xúc của các bà vợ, khiến họ nổi khùng khi phải chăm sóc những ông chồng già suốt ngày càm ràm.
Năm 2014, số liệu của Bộ công an Nhật (NPA) cho thấy có 181 vụ bạo lực gia đình được báo với họ mà nạn nhân là nam giới. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 1.571 vụ vào năm 2018.
Chưa dừng lại ở đó, số liệu của Văn phòng nội các Nhật cho hay con số bạo hành có thể lớn hơn rất nhiều do có nhiều trường hợp không được báo với cơ quan chức năng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Một cuộc khảo sát cho thấy 14,7% đàn ông Nhật đã từng bị bạo lực gia đình, cao hơn 10,8% so với năm 2014. Tuy nhiên con số này được cho là lớn hơn rất nhiều khi đại dịch Covid-19 khiến phụ nữ phải chăm sóc gia đình nhiều hơn trong bối cảnh mất thu nhập, tạo nên sức ép tâm lý vô cùng lớn.
Tất nhiên, con số này vẫn thấp hơn tỷ lệ nữ giới bị chồng, bạn trai hành hung nhưng xu thế này cho thấy đấng nam nhi với tinh thần samurai của Nhật đang ngày càng mất vai trò trong xã hội khi bị vợ, bạn gái, người thân cho ăn đòn.
Tỷ lệ báo cáo nam bạo hành nữ tại Nhật cũng giảm từ 33,2% năm 2008 xuống 31,3% năm 2017, cho thấy đàn ông Nhật ngày nay đã biết "sợ" vợ, bạn gái hay người thân của mình hơn.
Khi các nạn nhân nam được hỏi tại sao không báo cảnh sát sớm hơn, phần lớn họ đều nói rằng những vụ bạo hành như thế này chưa đủ nghiêm trọng để làm lớn chuyện, nhất là với tinh thần tự tôn samurai của Nhật. Thậm chí nhiều nam giới cho rằng họ có một phần lỗi trong các vụ bị hành hung như thế này.
Mất vị thế
Giáo sư Makoto Watanabe của trường Hokkaido Bunkyo University cho biết rất nhiều vụ bạo hành nam giới diễn ra ở các cặp vợ chồng 40-50 tuổi. Đây là những người được hưởng lợi thời kỳ Nhật Bản bùng nổ kinh tế và nữ giới được cảm nhận sự tự do nhiều nhất và họ cho rằng sự kìm kẹp, chịu đựng bây giờ là do các ông chồng khi nền kinh tế giảm tốc.
Việc kinh tế Nhật giảm tốc trong 1/4 thế kỷ vừa qua khiến nữ giới Nhật, nhất là những người ở tuổi trung niên cảm thấy mất mát và suy giảm hứng thú với hôn nhân, dẫn đến những vụ bạo hành và mưu sát chồng thương tâm.
"Những người vợ cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Họ đã từng có rất nhiều niềm vui trong quá khứ nhưng cuộc sống của họ hiện nay chẳng còn gì hứng thú", Giáo sư Watanabe nói.
Bên cạnh đó, những khó khăn trên thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch như hiện nay khiến các ông chồng, bạn trai không kiếm được thu nhập như trước và mất dần tiếng nói.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Xin được nhắc là tại Nhật Bản, một người phụ nữ lấy chồng đồng nghĩa với việc cô ấy chấp nhận hy sinh sự nghiệp cho gia đình. Văn hoá lao động tại đây thường không coi trọng nữ giới. Trong nhiều thập niên qua, khoảng 60% phụ nữ Nhật Bản nghỉ việc sau khi sinh con đầu lòng. Truyền thống thường thấy là thu nhập của người chồng sẽ nuôi cả gia đình trong khi người vợ dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con cái.
Hiện nay, tỷ lệ nữ giới trong nghị viện Nhật Bản là 10%, trong khi đó ở lĩnh vực tư nhân, chỉ có 15% vị trí cấp cao do nữ giới đảm nhận.
Chính sự hy sinh này khiến phụ nữ vốn đã có áp lực khi phải ở nhà chăm sóc gia đình và khi bị đè nén quá mức, chúng trở thành mồi lửa cho bạo lực.
Đồng quan điểm, Giáo sư Tomoko Suga của trường đại học Rakuno Gakuen University nhận định đàn ông Nhật giờ đây ngày càng "mềm mỏng" và mong nhận được sự giúp đỡ từ xã hội hơn trước khi bị vợ, bạn gái hành hung.
Tinh thần Samurai đã suy giảm với thế hệ thanh niên ăn cỏ, những nam giới không tình dục, trong khi nữ giới Nhật vẫn hàng ngày vùng lên đòi quyền bình đẳng trong xã hội. Điều này khá trái ngược với Nhật Bản thời kỳ hậu Thế chiến với những người đàn ông dám chơi dám làm, có tinh thần tự tôn cao và xây dựng nên một nền kinh tế Nhật phát triển.
"Tôi nghĩ trước đây cũng có tình trạng nữ giới bạo hành nam nhưng chẳng ai muốn báo cáo vì nó quá mất mặt", bà Suga cười nói.
*Nguồn: SCMP