Thảm kịch của người đàn ông trúng số 692 tỷ đồng: Vung tiền chia sẻ để rồi bị ganh ghét, kiện cáo và mất mạng
Từ khoản tiền trúng số 30 triệu USD, Abraham Shakespeare chỉ còn chưa đến 2 triệu USD sau 2 năm và 10.000 USD trước khi chết.
Ngày 15/11/2006, anh Abraham Shakespeare chỉ có 5 USD trong túi và là một người lao động tự do nghèo khổ điển hình tại nước Mỹ. Bỏ học từ sớm nên anh chẳng biết đọc hay viết quá nhiều và chấp nhận làm đủ mọi nghề, từ nhặt rác cho đến rửa chén đĩa để kiếm sống qua ngày.
Tương tự như bao tầng lớp bình dân khác, anh Shakespeare không có xe hơi, chẳng có bằng lái xe cũng như thẻ tín dụng. Bản thân anh còn có 2 đứa con riêng nhưng không đủ tiền chu cấp cho chúng. Chuyện đời anh chàng này cũng chẳng được ai thèm quan tâm cho đến khi Shakespeare trúng số 30 triệu USD, tương đương 692 tỷ đồng.
Tưởng chừng như đây là bước ngoặt cuộc đời của anh chàng nghèo khổ này thì thật không may, những tờ vé số lại là bùa đòi mạng khi vụ án của Shakespeare trở thành điển hình trong số các vụ giết người vì sổ xố tại Mỹ.
Từ bạn bè hóa kẻ thù
Một trong những điều khó chịu nhất với người trúng xổ số là sự mè nheo của bạn bè, người thân và gia đình khi họ cũng muốn là một phần của số tiền thưởng lớn đó.
Chuyên gia tài chính Charles Conrad của hãng Szarka Financital cho biết khi bạn bè và người thân nhận ra bạn trúng xổ số, chắc chắn họ sẽ kỳ vọng nhận được chút ít trong số tiền thưởng đó hoặc bạn sẽ giúp họ giải quyết vài vấn đề về tài chính. Trong trường hợp này, rất nhiều người khó từ chối bởi mối quan hệ quá thân thiết hoặc bạn đã nhận một ân huệ từ họ trước đó.
Và điều này cũng chính xác với những gì Shakespeare đã phải trải qua.
"Tôi thà phá sản còn hơn trúng số như thế này. Tôi đã nghĩ rằng tất cả mọi người vẫn sẽ là bạn của tôi, nhưng rồi nhận ra cuối cùng họ cũng chỉ vì tiền", anh Abraham than vãn.
Trong ngày 15/11/2006 định mệnh đó, anh Shakespeare đã đi cùng đồng nghiệp Michael Ford đến Miami và dừng tại một cửa hàng tiện lợi bên đường. Ford đi mua đồ uống và Shakespeare đã đưa 2 USD trong tổng số vỏn vẹn 5 USD mà anh có trong túi để nhờ người bạn thân mua hộ 2 tấm vé số.
May mắn thay, 2 tờ vé số này đã đem về 30 triệu USD cho Shakespeare và ngay lập tức tình bạn hóa kẻ thù khi Ford tố cáo người bạn thân đã ăn cắp tờ vé số đáng ra là của mình. Tuy nhiên Tòa án không tin câu chuyện của Ford và phán Shakespeare thắng kiện.
Với số tiền hàng trăm tỷ đồng, anh chàng bình dân này ngay lập tức chuyển nhà từ khu ổ chuột tại bang Florida lên khu đô thị cho giới nhà giàu. Sau khi chi 1 triệu USD mua căn biệt thự mà bản thân anh còn chẳng dùng hết, Shakespeare bắt đầu trả 9.000 USD nợ tiền trợ cấp cho các con.
Một trong những căn biệt thự của Shakespeare được để lại cho con trai sau khi Moore bị kết án
Anh cũng chi 1 triệu USD cho người bố dượng vì mè nheo quá nhiều trong khi 3 người chị gái chỉ được 250.000 USD mỗi người. Điên rồ hơn là khoản tiền 60.000 USD tiền thế chấp mua nhà thanh toán hộ cho một người đàn ông mà đến họ của người ta Shakespeare cũng chẳng biết. Thế rồi khoản tiền 53.000 USD nữa cho một người đàn ông gần nhà cũ mà Shakespeare quan biết từ lâu.
Câu chuyện chia sẻ của Shakespeare vẫn chưa dừng lại khi anh chi tới 125.000 USD mua nhà tại khu ổ chuột cũ của mình rồi cho thuê giá rẻ với những người khó khăn. Anh chàng này cũng chi tới 40.000 USD cho người bạn thân của con trai mình, sau đó là các khoản chi cho những đám tang của người xa lạ và rồi còn vô số những khoản tiền từ thiện khác mà những người giàu có hầu như chẳng bao giờ làm.
Hào phóng là vậy nhưng đúng như những gì Shakespeare đã nói, tất cả bạn bè đến người thân của anh đều điên cuồng vì số tiền mà anh có. Dù đã được chia phần nhưng hầu như tất cả họ đều muốn hơn nữa, mè nheo hơn nữa bởi nghĩ rằng mình xứng đáng được nhiều tiền hơn.
Đáng sợ hơn là mọi người đều biết Shakespeare không biết đọc-viết ngoài ký tên chính bản thân mình. Hệ quả là người đàn ông nghèo giàu nhanh nhờ sổ xố này trở thành "con gà vàng" cho những người xung quanh.
Chỉ chưa đầy 2 năm sau khi trúng giải, tài sản của Shakespeare giảm mạnh xuống chỉ còn 2 triệu USD. Thế rồi chuyện gì đến cũng phải đến, ngày 9/10/2009, gia đình Shakespeare báo cảnh sát anh bị mất tích.
Vụ lừa đảo chấn động
Shakespeare làm quen được với Dorice Dee Dee Moore qua giới thiệu của bạn bè. Người phụ nữ này muốn tự giới thiệu là nhà văn và muốn viết về trải nghiệm của anh, đồng thời đề nghị quản lý tiền bạc cho người đàn ông mù chữ này.
Trong bối cảnh bị người thân bóc lột và bất ngờ được một người da trắng có học thức đề nghị giúp đỡ, Shakesopeare nhận lời để rồi không ngờ mình bị vướng vào một vụ lừa đào giết người mà chính anh trở thành nạn nhân.
Đích thân Moore đã đề nghị Shakespeare ở ẩn, tránh xa những người họ hàng và bạn bè vòi tiền mình. Bản thân Moore là người duy nhất kết nối liên lạc giữa anh và mọi người còn lại. Sau vài tuần, những người thân của Shakespeare chỉ tranh cãi nhưng khi câu chuyện kéo dài đến vài tháng thì họ bắt đầu báo cảnh sát.
Phạm nhân Dorice Dee Dee Moore
Tại thời điểm đó, Moore đã sở hữu hầu hết các bất động sản hay tài sản khác của Shakespeare dưới danh nghĩa quản lý hộ và cô ta bắt đầu bày trò lừa đảo. Bản thân Moore đã trả tiền cho Greg Smith, một thợ cắt tóc, với giá 5.000 USD để giả dạng Shakespeare gọi điện cho người thân.
Sau khi bị cảnh sát truy vết cuộc gọi và phát hiện có giao dịch với Moore, anh thợ cắt tóc này bất ngờ vì câu chuyện và chấp nhận là "tay trong". Smith chủ động liên lạc với Moore và đề nghị khoản tiền 50.000 USD để gánh tội thay cô, tất nhiên là có cài máy nghe trộm để làm tang chứng.
Moore chấp nhận và chỉ chỗ giấu xác cho Smith. Vào ngày 25/1/2010, cảnh sát tìm được xác của Shakespeare tại đúng nơi Moore chỉ và cô bị bắt ngay lập tức.
Đến tận đây, Moore vẫn chối cãi rằng có một nhóm tội phạm đã vào nhà giết Shakespeare để cướp đồ chứ không phải do cô. Dẫu vậy Tòa án vẫn tuyên bố Moore phạm tội giết người cấp độ 1 với mức án chung thân vào năm 2012.
Tại thời điểm này, Shakespeare chỉ còn đúng 10.000 USD tài sản còn đứng dưới tên anh.