‘Đàn bò’ của bầu Đức: từng là phao cứu sinh cho doanh thu của tập đoàn, tưởng đã đến đoạn cuối sứ mệnh nhưng bất ngờ được đưa trở lại đường đua

14/11/2022 10:22 AM | Kinh doanh

Từng bỏ bất động sản trồng cao su, bỏ cao su đi nuôi bò rồi trồng trái cây, cuộc xoay vần chiến lược của bầu Đức luôn diễn ra rất nhanh nhưng không phải kế hoạch nào cũng thuận lợi. Với tín hiệu tích cực từ thương hiệu mới heo ăn chuối và gà chạy bộ, bò Lào được hứa hẹn sẽ đem lại thành công cho HAGL.

Chiếc phao cứu sinh sau khi cây cao su lao dốc

Sau khi lập đỉnh vào năm 2011, giá cao su thế giới lao dốc nhanh cũng như lúc nó đi lên. Lúc này, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tìm thấy cứu cánh tạm thời là bán bò.

Khi bầu Đức tuyên bố đầu tư nuôi bò, đại gia phố núi này đã rất kỳ vọng vào nguồn thu khổng lồ từ lĩnh vực chăn nuôi này. Tháng 6/2014, HAGL chính thức nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chiến lược nuôi 236.000 con, dự tính tới năm 2017 sẽ chiếm tới 40% tổng đàn bò cả nước.

Dự án này khi đó được kì vọng rất lớn trong việc thay đổi cơ cấu kinh doanh của tập đoàn và sớm thu lợi lớn, từ thịt bò, sữa tươi và thậm chí cả phân bò.

‘Đàn bò’ của bầu Đức: từng là phao cứu sinh cho doanh thu của tập đoàn, tưởng đã đến đoạn cuối sứ mệnh nhưng bất ngờ được đưa trở lại đường đua - Ảnh 1.

Kế hoạch nuôi bò của bầu Đức xuất phát từ lời tư vấn, gợi ý của các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài khi đến thăm dự án của tập đoàn này.

Theo các chuyên gia, thức ăn cho trâu bò chiếm tới 70% chi phí vốn, trong khi HAGL luôn có sẵn nguồn bã cọ dầu, mật rỉ từ nhà máy đường (chưa kể hàng trăm nghìn tấn hạt bắp, thân bắp phụ phẩm). Việc trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi cũng không là vấn đề, bởi các khu đất của HAGL đều gần các dòng sông, tưới tiêu thuận lợi.

Khi đó, bầu Ðức cho biết đàn bò chủ yếu nhập từ Australia. Năm 2015, HAGL đã nhập về trên 120.000 con, trong đó tới 110.000 bò thịt, còn lại là bò sữa. Đến năm 2016, HAGL nâng tổng số đàn bò lên khoảng 250.000 con.

Hứng thú với chăn nuôi bò, thời điểm đó bầu Đức phát biểu trước cổ đông: “Ngày xưa ở làng, ông già tui hay bảo đứa nào học dốt tao cho đi chăn bò chết mẹ… Giờ mình 'chơi' chăn bò luôn, miễn là có tiền”.

Thực tế, bò đã là cứu cánh cho HAGL trong những năm khủng hoảng tài chính do chi phí đội lên quá cao. Khi các lĩnh vực khác bế tắc thanh khoản, nguồn thu từ chăn nuôi bò là động lực chính để thúc đẩy dòng tiền.

Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của HAGL với doanh thu đạt 5.347 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.680 tỷ đồng, đặc biệt trong quý III, doanh thu từ bán bò chiếm 63%. Doanh thu từ bò vượt qua mía đường, trở thành lĩnh vực đóng góp chính cho doanh nghiệp.

Bước sang năm 2016, giai đoạn mà cơn khủng hoảng tài chính của HAGL lên tới đỉnh điểm, với việc cầm cố hầu hết tài sản để trả nợ vay đến hạn, thì doanh thu từ đàn bò vẫn là bệ đỡ duy nhất, giúp đế chế của bầu Đức thoát khỏi cảnh sụp đổ.

Vai trò của đàn bò lớn đến mức khiến bầu Đức bày tỏ thẳng thắn: “Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn”.

‘Đàn bò’ của bầu Đức: từng là phao cứu sinh cho doanh thu của tập đoàn, tưởng đã đến đoạn cuối sứ mệnh nhưng bất ngờ được đưa trở lại đường đua - Ảnh 2.

Năm 2016, riêng doanh thu từ bán bò đem về cho HAGL 3.537 tỷ đồng (55% tổng doanh thu), tương đương gần 10 tỷ đồng mỗi ngày. Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp từ mảng này chỉ đóng góp 35% trong tổng lợi nhuận gộp, do giá vốn tăng tới 77%, lên gần 3.200 tỷ đồng.

Cũng năm 2016, doanh nghiệp của HAGL ghi nhận gần 1.700 tỷ đồng chi phí tài chính, với lãi vay 1.557 tỷ đồng, tăng 44,3% so với năm 2015, nhưng trong 2 năm này, doanh thu từ đàn bò lại giúp HAGL kiếm hơn 6.000 tỷ đồng.

Đàn bò từ 250.000 con bị giảm xuống 13.000 con

Trong cuộc họp cổ đông năm 2018, bầu Đức cho hay HAGL sẽ dồn toàn lực cho lĩnh vực trái cây, vì đây là ngành tạo thanh khoản lớn và xoay vòng vốn rất nhanh. Chủ tịch HAGL tuyên bố cắt giảm quy mô đàn bò gần 250.000 con xuống còn 13.000 con.

Theo đánh giá của bầu Đức, đàn bò lúc đó chỉ cần thiết để hợp thành chuỗi nông nghiệp khép kín, nhờ lượng phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái.

Nguyên nhân khiến bầu Đức quyết giảm mạnh đầu tư chăn nuôi bò do biên lợi nhuận từ lĩnh vực này giảm nhanh. Chỉ sau 1 năm đầu tư, đến quý II/2016, biên lợi nhuận từ bán bò đã giảm mạnh, từ 38% tụt xuống chỉ còn 8%, và sang quý I/2017 lỗ 1%.

Chỉ bùng lên chóng vánh trong 2 năm (2015-2016), đàn bò có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh trong chiến lược đầu tư của bầu Đức. Từ số lượng 250.000 con, có kỳ vọng nuôi đến 1 triệu con với lý do thiếu vốn lưu động cho chăn nuôi, HAGL đã cắt giảm quy mô xuống còn 13.000 con, trở thành hỗ trợ cho mảng cây ăn trái.

Đưa đàn bò quay trở lại

Tưởng chừng đã đi đến đoạn cuối sứ mệnh của mình vào năm 2019 nhưng giờ đây, đàn bò lại nhanh chóng được bầu Đức đưa trở lại đường đua.

Công ty tuyên bố sẽ phát triển lại đàn bò trong năm 2021. Cụ thể, theo báo cáo thường niên năm 2021, HAGL Agrico định hướng đầu tư chăn nuôi bò ở Lào và Campuchia trên diện tích 7.000 ha kết hợp trong vườn cây cao su.

Tổng đàn dự kiến là 112.500 con (năm 2018 chỉ có 13.000 con) gồm bò sinh sản, bò thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung. Không chỉ bán bò hơi, HAGL Agrico còn dự kiến hợp tác các đại lý phân phối thịt bò và đầu tư nhà máy chế biến thịt để cung cấp thịt bò sạch, chất lượng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

‘Đàn bò’ của bầu Đức: từng là phao cứu sinh cho doanh thu của tập đoàn, tưởng đã đến đoạn cuối sứ mệnh nhưng bất ngờ được đưa trở lại đường đua - Ảnh 3.

Tham gia ban chủ toạ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của HAGL Agrico (HNG) hồi tháng 4/2022, bầu Đức gửi gắm cổ đông nên ủng hộ kế hoạch nông nghiệp của người cầm cương mới là ông Trần Bá Dương – chủ tịch Thaco.

"Chiến lược nuôi bò của HNG rất lớn, hiện cả ngàn con bò rồi nhưng cũng chỉ mới thí điểm. Cho nên không thể làm nhanh được, chậm mà chắc.

Theo tôi, các bạn nên ủng hộ chiến lược của anh Dương, anh đã đầu tư rất nhiều tiền xây dựng nhiều tại Lào, Campuchia... Cái đó là tôi thấy rõ, nếu anh Dương thấy rủi ro thì sao anh đổ tiền nhiều vậy được.

Nuôi bò thực sự rất hiệu quả, chẳng qua thời đó HAGL mất thanh khoản nên không làm được, bán con bò nào ngân hàng siết nợ thì làm sao nổi. Nên nuôi bò thực chất rất hiệu quả".

Hồi tháng 9, bầu Đức chia sẻ đã thoát cửa tử và bước sang trang mới sau quá trình 10 năm mày mò làm nông nghiệp. Theo ông, HAGL đang tự tin với những kế hoạch đã đặt ra.

Đầu tư vào phân khúc chăn nuôi sạch, Hoàng Anh Gia Lai đang tạo ra những đột phá trong thị trường thực phẩm cuối năm. Những sản phẩm heo ăn chuối, gà ăn chuối đi bộ đang tạo hiệu ứng tốt trên thị trường.

Trong lễ ra mắt kênh thương mại điện tử mới đây, theo ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Bapi HAGL, kế hoạch cụ thể đến năm 2023, HAGL của bầu Đức sẽ cung ứng cho thị trường 1 triệu con heo, 10 triệu con gà và 100.000 con bò Lào đặc sản. Điều này nằm trong chủ trương của bầu Đức: nhằm đa dạng thực phẩm sạch tới người tiêu dùng, Công ty sẽ kết nối với các đối tác, đưa các đặc sản vào chuỗi cửa hàng Bapi Food. Trong tương lai, bầu Đức hướng đến xây dựng nhà máy chế biến thịt, tham vọng trở thành một thế lực mới trên thị trường thịt thương hiệu tỷ USD.

Theo Khánh Vy

Cùng chuyên mục
XEM