Đại dịch Covid-19 bao trùm thế giới, hãy biết ơn vì chúng ta thực sự may mắn khi vẫn có việc để làm từ xa
Cả thế giới đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nếu vẫn được làm việc tại nhà thì bạn còn may mắn. Vẫn có một căn hộ đủ thoải mái để làm việc và thậm chí vui chơi, luyện tập ngay tại đó thì chắc chắn, bạn hơn nhiều người.
Nhờ cách ly tại nhà, tôi có một thói quen sống mới.
Tôi thức dậy lúc 7h45 sáng, xuống khỏi giường và thay bộ đồ ngủ bằng đồ legging tập thể dục. Sau khi đánh răng rửa mặt, tôi tận dụng khoảng không gian trống trải bé nhỏ trong phòng khách để tập thể dục khoảng 30 – 60 phút. Xong xuôi thì tôi kết nối online với những người đồng nghiệp và bắt đầu công việc viết lách của mình.
Tôi cũng làm một số việc khác như cuộc họp trên Zoom, tự nấu ăn, facetime cho vài người quen để giữ những tương tác xã hội, xem phim trên Netflix. Hãn hữu thì tôi ra cửa hàng để mua ít đồ, cố gắng để không rơi vào cuộc tranh đấu của những vị khách hàng hoảng loạn. Trước khi đi ngủ, tôi nhấm nháp một ly sữa để vào giấc sâu hơn.
Tất nhiên, không phải ngày nào cũng có thể suôn sẻ như thế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tôi cố gắng không nghĩ quá nhiều mà chỉ tập trung vào việc cần phải nghỉ ngơi. Để ngày hôm sau lặp lại lịch trình lý tưởng đó.
Nếu bạn cũng đang phải cách ly xã hội và làm việc từ xa thì một số hành động trong những thói quen này của tôi có thể sẽ trùng với bạn. Chúng ta có thể sống như vậy là vì chúng ta thực sự là những người may mắn tại thời điểm này.
Tất cả chúng ta đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhưng bạn vẫn được làm việc tại nhà thì vẫn là may mắn. Bạn vẫn có một căn hộ đủ thoải mái để làm việc và thậm chí vui chơi, luyện tập ngay tại đó thì vẫn hơn nhiều người.
Rồi bạn vẫn có thể mua những thứ đồ thiết yếu bằng cách đặt hàng trực tuyến, có thể đeo khẩu trang và đi một quãng đường ngắn để mua thực phẩm và dược phẩm cần thiết. Những điều bạn cần nhớ nhất là giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m và mong sao ngoài chợ vẫn còn túi đậu lăng mà mình đang muốn ăn.
Nếu như trước đây, bạn có thể cảm thấy cô đơn ngay khi đang ở giữa rất nhiều người. Dù bạn có khóc ở nơi công cộng thì cũng không ai để ý hay quan tâm. Nhưng bây giờ, dù bạn bè hay những người xa lạ đều trở thành những mầm bệnh tiềm tàng mà bạn phải để ý để hạn chế tiếp xúc ít nhất có thể.
Rồi tôi phát hiện ra mình đi lại ít hơn hẳn. Lần kiểm tra gần nhất, tôi chỉ thực hiện 269 bước/ngày. Nếu như trước kia việc lên xuống cầu thang bộ, đi tàu điện ngầm… là bình thường thì bây giờ tôi chỉ dám chạy quanh khu phố nhỏ với chiếc khăn vắt nửa trên vai, liên tục phải nhìn đường để hạn chế động vào người khác càng ít càng tốt.
Nhưng cũng có những âm thanh cho tôi biết sự tĩnh mịch này không hề yên bình.
Những tiếng còi cấp cứu dường như nhiều hơn, ồn ã hơn. Vài đêm trước, tôi ra ngoài để vất rác và đã thấy một chiếc xe cứu thương sáng đèn nhấp nháy và kêu inh ỏi ở sảnh khu chung cư vốn yên tĩnh của chúng tôi. Tôi tự hỏi ai là bệnh nhân? Họ đến từ tòa nhà nào? Liệu họ có được gặp lại những người thân yêu của họ không?
Trong cuộc họp Zoom với đồng nghiệp vào ngày hôm sau, một đồng nghiệp kể chuyện về chuyến đi ngắn ngày bên ngoài Mahattan của cô ấy và trên đường về, cô gặp ít nhất 4 xe cứu thương hú còi. Các cuộc gọi và những công văn khẩn cấp trở nên quá tải khi các ca nhiễm virus ngày càng tăng.
Nếu bạn chưa từng gặp ai hay có người thân thiết nào bị Covid-19 thì cứ bình tĩnh vì rồi chuyện gì cũng sẽ có thể xảy ra. Mọi người luôn nói rằng New York quá nhỏ. Cái thành phố 8.5 triệu dân này, bất cứ chuyện gì có thể "nghiền nát" trái tim bạn cũng có thể xảy ra.
Điều kinh khủng bây giờ bạn đang phải chờ đợi là: hy vọng không ai trong số bạn bè, người thân hay thậm chí cha mẹ dương tính với virus SAR-CoV-2, thức dậy với cảm giác ớn lạnh và nhức mỏi toàn thân, cùng với đó là không thể tự thở được. Trong khi đó, chúng ta mắc kẹt trong những căn hộ đóng kín và không có ai để chia sẻ. Thiếu đi sự tiếp xúc giữa người với người, chúng ta càng thêm lo lắng và bồn chồn.
“Mọi chuyện đang không tốt, nhưng rồi cũng sẽ ổn thôi”, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi nói câu đó trong buổi trò chuyện và hướng dẫn tập luyện trực tuyến của mình. Rõ ràng virus SAR-CoV-2 ngoài việc nguy hại đến sức khỏe cộng đồng thì nó còn giúp ta thấy rõ hơn sự bất bình đẳng về kinh tế và những bất cập hệ thống luôn tồn tại ở thành phố này và trên cả nước.
Hơn 10 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tháng 3. Nhân viên chăm sóc sức khỏe thì không có đủ đồ bảo hộ để sử dụng. Những người giàu có đã kịp chạy trốn đến các khu nghỉ mát bên bờ biển hoặc vùng nông thôn, trong khi những người nghèo khó thì ở lại dọn dẹp văn phòng trống trơn và làm người vận chuyển cho những nhu cầu từ tạp hóa đến Amazon.
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng đánh một hồi chuông cảnh tỉnh cho con người trước những tàn phá tự nhiên mà chính chúng ta gây ra. Có lẽ rồi mọi người sẽ hiểu tại sao cần phải ngay lập tức “chiến đấu” với biến đổi khí hậu. Có lẽ một số ông chủ sẽ gia hạn nghỉ cho nhân viên hợp đồng để họ không bị áp lực về việc thất nghiệp quá nhiều. Và có lẽ chúng ta sẽ trở nên tử tế hơn, chu đáo và biết ơn hơn một chút với mọi người xung quanh.
Điều đó chắc chắn sẽ và đang xảy ra, khi tôi bước ra ban công và vươn mình hít thở, tôi thấy những người hàng xóm khác cũng đang tháo khẩu trang để hít thở bầu không khí trong lành và không gian yên tĩnh hiếm có. Dù có đại dịch thì chúng ta vẫn luôn có những ngày đẹp trời!
*Bài viết của tác giả Emmay Gray đăng tải trên Huffpost.