Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài dự án đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cần Thơ

20/11/2024 19:35 PM | Kinh tế vĩ mô

Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, chiều 20/11, một số đại biểu đề nghị kéo dài dự án với điểm đầu từ Lạng Sơn, điểm cuối là Cà Mau hoặc Cần Thơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau), Lạng Sơn và Cà Mau là những “phên dậu” của đất nước. Tuy nhiên, do hạ tầng còn hạn chế nên kinh tế - xã hội chưa phát triển, còn nhiều điểm nghẽn.

Vì thế, ông Hận đề nghị nghiên cứu kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam theo hướng, điểm đầu là Lạng Sơn, còn điểm cuối là Cà Mau.

Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài dự án đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cần Thơ- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đề nghị kéo dài dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tới Cà Mau. Ảnh: Như Ý

Để giải quyết bài toán nguồn vốn, ông Hận đề nghị thực hiện phân kỳ đầu tư một cách phù hợp để thực hiện. “Nếu dự án đường sắt tốc độ cao chạy dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này”, ông Hận đề nghị.

Cùng chung mong muốn, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) bày tỏ tha thiết Quốc hội xem xét lại quy mô và phạm vi đầu tư của dự án. Theo bà Ry, nếu đường sắt tốc độ cao bắt đầu từ Lạng Sơn và kéo dài đến Cà Mau, sẽ giải quyết được các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, giúp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.

Trường hợp chưa bố trí được nguồn vốn, đại biểu đoàn Bạc Liêu kiến nghị kéo dài dự án đến Cần Thơ . “Với tiềm năng to lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu có đường sắt cao tốc, khu vực này sẽ phát triển nhanh”, bà Ry nói.

Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài dự án đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cần Thơ- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu). Ảnh: Như Ý

Bày tỏ sự đồng tình thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị xem xét kỹ lưỡng việc bố trí các nhà ga trên tuyến.

Theo ông Sơn, hồ sơ dự án ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị hiện nay (ga Ngọc Hồi, ga Thủ Thiêm, ga Nam Định...), trong khi đó để bảo đảm tối đa hiệu quả dự án, các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất.

Do đó, ông Sơn đề nghị khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, cần làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga của dự án và đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính hấp dẫn, thuận tiện của ga trong vận chuyển hành khách. Cùng đó, cần có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của một số địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua.

Theo Văn Kiên

Cùng chuyên mục
XEM