Cựu CEO FPT: Vì sao cứ phải "dụ" nhân tài về Việt Nam? Người Việt ra nước ngoài được người giỏi dạy thì tốt quá, chứ ở Việt Nam thì chúng ta "tuổi gì" dạy họ?
Câu chuyện người Việt giỏi thì đi ra nước ngoài và làm thế nào thu hút họ về Việt Nam một lần nữa lại được đặt ra tại Vietnam Frontier Summit 2019. Dưới góc nhìn của cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam, tìm cách "dụ" người tài về Việt Nam là sai lầm nhiều người trong cơ quan Nhà nước đang mắc phải.
"Dụ" nhân tài về nước làm gì?
Tại phiên thảo luận nhan đề Nhân tài trí tuệ nhân tạo châu Á: Việt Nam là một đất nước có triển vọng, tại sao không? mới đây, điều phối viên Phạm Tuyết Hạnh Hà - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH FPT đặt ra câu chuyện người Việt giỏi lại đi ra nước ngoài, hoặc làm việc trực tiếp cho các công ty nước ngoài, hoặc sang học hỏi rồi ở lại không về.
"Làm thế nào để thu hút những người giỏi ấy về?", bà Hà đặt câu hỏi cho các diễn giả.
"Nhân tài về làm gì? Đừng có dụ! Nếu FU (ĐH FPT) có 10 ông đi Nhật, hãy làm thế nào có 1.000 ông đi Nhật. Đấy là việc em cần lo nhiều hơn là tìm cách dụ 10 ông kia về", cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam, Founder FUNiX thẳng thắn.
"Câu chuyện của chúng ta không phải là "dụ" nhân tài về nước mà nên "dụ" những người trong nước đi ra nước ngoài" - cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam
Phiên thảo luận này nằm trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Frontier Summit 2019 với chủ đề "Intelligence in Motion" được tổ chức bởi rubikAI, Nexus FrontierTech và VTV24.
Theo phân tích của ông Nam, câu chuyện nhân tài công nghệ nên nhìn ở 2 góc độ: Tại sao phải "dụ" họ về? Và "dụ" họ về để làm gì? Ở vế đầu tiên, người Việt học tập/ở lại làm việc tại nước ngoài, ông Nam nhìn nhận là một chuyện tốt, một cách để nâng cao dân trí.
"Chúng ta phải nghĩ dân trí lên là kinh tế lên. Còn làm thế nào cũng được, miễn dân trí lên. Mình "dụ" họ sang nước khác, có người giỏi dạy họ thì tốt quá, chứ giờ em tuổi gì mà dậy. Giảng viên đâu?", ông Nam chất vấn lại điều phối viên đến từ ĐH FPT - nơi ông giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT.
Bên cạnh đó, về phương tiện dạy học, trong khi Việt Nam thiếu máy móc thì ở nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản, lại thiếu nhân lực và dư máy móc, máy tính cấu hình mạnh vô biên và được dùng miễn phí.
Vậy nên, câu chuyện của chúng ta không phải là "dụ" nhân tài về nước mà nên "dụ" những người trong nước đi ra nước ngoài. "Em nên bảo các bạn trong nước "Những người kia "dốt" thế này còn sang Nhật, các bạn cố lên". 10.000 người Việt sang Nhật rồi sẽ có người trở về. Lo gì? Ra nước ngoài, họ sẽ được đào tạo, huấn luyện, trong khi Việt Nam lại tiết kiệm được chi phí ấy", cựu CEO FPT chia sẻ.
Ở vế thứ 2, người tài về Việt Nam thì sẽ dùng họ vào việc gì? Nếu không biết dùng nhân tài vào việc gì, nếu họ về làm rối tinh tổ chức, thì thôi. Hãy để họ "sang bớt" nước ngoài, nơi họ được học hỏi và cống hiến nhiều hơn.
Khi nào nhân tài sẽ về Việt Nam?
Theo cựu CEO FPT, người tài sẽ trở về khi họ thấy đất nước nhiều cơ hội. Tất nhiên, ấy là vì bản thân họ, chứ không phải lúc nào cũng ràng buộc bởi "đất nước gọi tôi về" hay "nghe theo tiếng gọi quê hương".
Ông Nguyễn Việt Cường - Giám đốc HPC Systems Vietnam - một người vừa về nước sau 12 năm ở Nhật cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thành Nam.
"Khi tiếp cận đến biên của tri thức thế giới, may ra chúng ta mới có thể làm được cái gì đấy ở Việt Nam" - GĐ HPC Systems Vietnam
"Tôi về nước theo lời kêu gọi của anh Nguyễn Thành Nam năm 2011. Câu chuyện là về khi nào? Lúc ấy tôi tốt nghiệp tiến sỹ, về lúc ấy biết làm gì? Máy móc ở Việt Nam thì không có", ông Cường nhớ lại.
Ông Cường cũng chia sẻ 2 câu chuyện trong vấn đề "đi" và "về" của nhân tài.
Câu chuyện 1 là vấn đề nhân sự, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, theo ông, cần có thời gian ở nước ngoài đủ lâu để "thấm" cung cách làm việc - một yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh người Việt quen tác phong nông nghiệp và làm việc "tùy hứng".
"Khi tiếp cận đến biên của tri thức thế giới, may ra chúng ta mới có thể làm được cái gì đấy ở Việt Nam", ông Cường đúc kết.
Câu chuyện 2 là cơ hội.
"Càng hỗn loạn càng nhiều cơ hội. Khi mọi thứ chưa định hình, và mỗi một khi mình định hình được một cái gì trong một sự hỗn loạn, thì tức là công việc của mình sẽ sinh lợi nhuận. Tôi về đơn giản là vì thấy ở Việt Nam giờ có quá nhiều cơ hội", ông Cường chia sẻ.
Hiện Giám đốc HPC Systems Vietnam đã chuyển cả gia đình về nước. Và một điều thú vị là thời điểm ông trở về cũng là thời điểm một loạt thế hệ của ông - những nhân tài 8x đời đầu như Nhân Nguyễn - "chàng trai Google" cùng một loạt các anh em đều trở về.
""Tại sao về?" - những người bạn Việt Nam trở về nước rồi lại đi hỏi tôi như vậy. Tôi bảo về nhiều cơ hội hơn. Vui hơn. Gần gia đình hơn. Con cái được nói tiếng Việt", ông Cường kể. Thời điểm về nước, ông Cường đã gửi các con đi học tiếng Việt, đến lớp 3 thì cho con vào học tại một trường Việt Nam.
Ông Cường chia sẻ hiện HPC Systems Vietnam có tài trợ máy tính cho các trường. Ông Cường giờ vẫn điều hành một lab ở Nhật và vẫn đi đi về về giữa hai nước Nhật - Việt.
"Máy tính bọn tôi vô biên, không ai dùng. Tôi hoàn toàn có thể bao thầu toàn bộ các trường, miền Nam có thể chưa đủ, nhưng tất cả các trường khu vực phía Bắc chúng tôi có thể bao thầu được. Các bạn thích máy gì cũng được, cấu hình gì cũng được", ông Cường chia sẻ.