Cựu học sinh giỏi Vật lý quốc gia bỏ đại học đi du học vì thầy giải sai, bỏ cuộc sống thoải mái ở Singapore về nước startup ẩm thực, miệt mài thử và sai từ bánh su kem tới gà rán

19/09/2019 14:55 PM | Kinh doanh

Sau nhiều năm tung hoành trong ngành ẩm thực, Mai Trường Giang đã đúc kết được 3 kinh nghiệm thành công: phải là sản phẩm đầu tiên của thị trường, ngon nhất trong ngành hàng và độc nhất vô nhị.

Nếu quăng Mai Trường Giang vào một biển người, rất khó để nhận ra anh với vóc dáng và khuôn mặt chẳng có gì nổi bật. Nhưng chỉ cần một lần nói chuyện hoặc tìm hiểu về anh, chúng ta sẽ không bao giờ quên được startup này, bởi cuộc đời của anh là những chuỗi ngày thử và sai, nhưng vẫn đi rất nhanh nhờ quyết tâm sắt đá làm đến cùng sau những lần đã ra quyết định.


Quyết tâm du học sau một bài giải sai của thầy

Theo chia sẻ của Mai Trường Giang trong Tọa đàm Từ khát vọng đến hành động cho YBA tổ chức, thì anh sinh ra trong một gia đình tương đối nghèo khó tại Trà Vinh và ngay từ nhỏ, anh luôn xác định, chỉ có học thật giỏi mới giúp mình thoát nghèo.

Với mục tiêu đó, sự học của Mai Trường Giang khá hanh thông, anh liên tiếp thi đỗ vào trường chuyên cấp III của tỉnh Trà Vinh và sau đó theo học Học viện Bưu chính viễn thông TP. HCM, cũng như từng đoạt giải 3 môn lý Quốc gia.

"Những nỗi thất vọng lớn đầu tiên của tôi đến từ môi trường đại học. Tôi bị thi lại môn lý đại cương mặc dù trước đó từng đoạt giải 3 môn lý Quốc gia. Nhiều anh chị lớn đi trước an ủi tôi là sinh viên ai cũng thi lại, nhưng tôi đã rất khó khăn để tiếp nhận sự thật đó.

Sau nữa, tôi phát hiện ra bài tập mà một người thầy đưa cho chúng tôi có cách giải sai. Là một người tương đối cầu toàn, tôi cảm thấy không thể chấp nhận sự việc đó và muốn đi du học", Mai Trường Giang kể.

Năm 2 Đại học, sau khi về nhà trình bày ý tưởng muốn bảo lưu kết quả ở Học viện Bưu chính Viễn thông để tìm cơ hội đi du học, dù ủng hộ nhưng ba má anh cũng khá lo lắng, vì tình hình kinh tế của gia đình họ không thể giúp gì nhiều cho con cái. Tuy nhiên, trời không phụ lòng người, sau vài lần tìm kiếm, Mai Trường Giang đã được chính phủ Singapore cấp học bổng đến đảo quốc này du học, với ngành nghề Xây dựng.

Sau vài năm dùi mài kinh sử, ra trường, Mai Trường Giang đi làm đúng ngành nghề mà mình được đào tạo – xây dựng; nhưng chỉ sau 8 tháng đi ra các công trình, Giang nhận ra tính cách của mình không phù hợp với ngành xây dựng mà phù hợp nhất với nghề bán hàng. Thế là, chàng trai miền Tây chuyển sang kinh doanh bất động sản. Với năng khiếu sẵn có, sự nhạy bén trong kinh doanh cùng tính cần cù, năm 23 tuổi, Mai Trường Giang đã có thu nhập hơn 10.000 đô Singapore và cả chiếc thẻ xanh công dân Singapore.


3 bí quyết kinh doanh ẩm thực thành công

Có lẽ, tính cách ưa thích phiêu lưu mạo hiểm đã nằm sẵn trong máu của Mai Trường Giang nên anh không thể nào an phận. Đang có cuộc sống thoải mái ở Singapore với nghề sale bất động sản, anh đột ngột quyết định về Việt Nam bán bánh su kem, khi quyết tâm nhượng quyền thương hiệu Chewy Junior, sau một lần đi ngang thấy người ta xếp hàng mua cũng như mình ăn cảm thấy ngon.

Cựu học sinh giỏi Vật lý quốc gia bỏ đại học đi du học vì thầy giải sai, bỏ cuộc sống thoải mái ở Singapore về nước startup ẩm thực, miệt mài thử và sai từ bánh su kem tới gà rán - Ảnh 1.

Startup Mai Trường Giang

Lần này, ba má anh không còn toàn lực ủng hộ con nữa mà đi ngăn cản, bởi họ thấy quyết định này của Mai Trường Giang chứa quá nhiều rủi ro, startup rất vất vả, nếu thất bại có khi còn phải mang nợ. Nhưng như mọi lần, Giang vẫn kiên định với quyết định của mình. Với việc sau 10 năm, Chewy Junior đã có gần 30 cửa hàng trên toàn quốc, xét trong trường hợp Mai Trường Giang không hề có bất cứ một hậu thuẫn nào từ gia đình lúc ban đầu khởi nghiệp, có thể xem là một dự án khởi nghiệp thành công.

Năm 2013, Mai Trường Giang bắt đầu cuộc phiêu lưu khác với StartUp Coffee có logo khá giống Starbucks, như là nơi để giới startup đến trao đổi, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Tiếp nữa là nhượng quyền thương hiệu bánh Singapore khác - Wonder Buns. Những tưởng, ‘đầu xuôi, đuôi lọt’, song hiện thực ngược lại, dự án StartUp Coffee và Wonder Buns đã không thành công.

Hiện tại, dự án kinh doanh mới nhất của Mai Trường Giang chính là gà rán Otoké. "Tại Việt Nam, không thiếu thương hiệu gà rán, từ Burger King, Lotteria, KFC, Jollibee… nhưng nó chỉ dành cho em bé, hầu hết người Việt Nam không ăn gà rán. Theo quan niệm của người Việt, gà rán công nghiệp vừa không ngon vừa không tốt cho sức khỏe. Với Otoké, tôi muốn thay đổi định kiến đó.

Otoké là gà rán theo phong cách Hàn Quốc song tất cả nguyên liệu đều thuần Việt, từ gà tươi cho đến các loại nước sốt cùng các công nghệ chế biến không gây hại đến sức khỏe khách hàng. Mơ ước của tôi là có thể tạo ra một thương hiệu gà rán Việt mạnh như Jollibee của Philliipines", Mai Trường Giang cho biết.

Để khuếch trương thương hiệu, startup sinh năm 1985 này khá ‘chịu chơi’. Anh kể là việc mình mở cửa hàng Otoké tại Singapore, cho tới thời điểm này, mỗi tháng vẫn đang lỗ vài ngàn đô Singapore, song vẫn không hối hận. Bonchon – một thương hiệu gà rán Thái Lan, có mô hình kinh doanh khá giống Otoké đã vào Việt Nam cách đây vài tháng, song Mai Trường Giang không sợ họ chiếm thị phần, bởi anh thấy thị trường cho những loại gà rán tốt cho sức khỏe tại Việt Nam vẫn vô cùng rộng lớn.

"Sau nhiều năm kinh doanh ẩm thực, tôi rút ra được 3 bí quyết thành công mà tôi thường hay chia sẻ với nhân viên trong công ty: dù như thế nào chúng ta cũng nên là sản phẩm xuất hiện đầu tiên trong thị trường – be the first; sản phẩm của chúng ta phải có hương vị ngon nhất thị trường - be the best/be the excellence và chúng ta phải độc nhất vô nhị - be unique", Mai Trường Giang tiết lộ.

Sản phẩm/mô hình kinh doanh của chúng ta có thể không phải xuất hiện đầu tiên trên thế giới hay châu Á, thậm chí là Đông Nam Á; nhưng chắc chắn chúng ta phải là người tiên phong tại thị trường Việt Nam. Chỉ cần dính chữ đầu tiên, bạn sẽ đỡ rất nhiều công sức trong chuyện PR-Marketing. Tuy nhiên, chữ ‘đầu tiên’ đó chỉ mang lại cho ông chủ nhiều lợi ích, khi mà sản phẩm bán ra đẹp mắt – ngon miệng, hợp với thị hiếu của khách hàng. Cuối cùng, tính độc nhất vô nhị sẽ giúp sản phẩm – thương hiệu của chúng ta không bị sao chép.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM