Cuối năm, chủ doanh nghiệp nào cố tình đuổi người lao động để "quịt" thưởng Tết có thể ở tù đến 1 năm
Nếu đuổi NLĐ (người lao động) một cách trái pháp luật, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính từ 500.000-1 triệu đồng, thậm chí phải ở tù 1 năm.
Dịp cuối năm, tình trạng nhiều doanh nghiệp dùng các chiêu trò khác nhau như gây áp lực, bắt tăng ca quá mức… để đuổi việc NLĐ để không phải trả tiền thưởng Tết diễn ra khá phổ biến.
Tết Âm lịch Đinh Dậu 2017 đang đến gần, không ít NLĐ lo lắng sẽ bị rơi vào tình trạng tương tự.
Chị Nguyễn Thị Hà (Thái Bình) không khỏi hoang mang khi từng bị một công ty may mặc tại địa phương cho nghỉ việc không có lý do trước Tết gần nửa tháng. Vừa không có việc làm, số tiền dự kiến được thưởng Tết (2 tháng lương) gần 8 triệu đồng không còn khiến những ngày cuối năm cả gia đình lao động nghèo trở nên rệu rã.
Hơn 10 người khác trong công ty chị Hà cũng bỗng dưng nhận được tin cho thôi việc không lý do. Thắc mắc với quản lý thì họ đưa ra mọi lý do như không đủ năng lực, ý thức kém…. trong khi ca kíp vẫn thực hiện như thường lệ.
Chiêu trò cho nhân viên nghỉ việc để cắt thưởng Tết dịp cuối năm là "bài" của không ít doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành vi này là trái pháp luật và hầu hết NLĐ không nắm rõ luật nên phải chịu thiệt thòi.
- Theo Điều 42 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động đuổi người lao động trái pháp luật thì họ phải có trách nhiệm nhận NLĐ trở lại làm việc và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày NLĐ không được làm việc, cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Ở mức độ vi phạm nhẹ: Người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng (theo Điều 15 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP)
- Trường hợp đuổi NLĐ một cách trái pháp luật ở mức độ nặng thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt từ 3 tháng đến 1 năm (Theo điều 128 của Bộ luật Hình sự 1999).
Từng chia sẻ với Infonet, luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TP HCM) còn cho rằng, hiện tượng sa thải trái luật nhân viên để tránh thưởng tết không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vô nhân đạo.
Cũng theo luật sư này, một doanh nghiệp mà không đối xử có nhân đạo với NLĐ của mình thì khó nhận được sự tin tưởng của khách hàng và đối tác.
Người sử dụng lao động chỉ được phép sa thải NLĐ nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau (Điều 126 của Bộ luật Lao động 2012):
1. NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
3. NLĐ tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.