Cùng xuất phát từ kinh doanh thực phẩm rồi chuyển sang công nghệ, Vingroup có thể giống Samsung, góp phần tạo nên "Kỳ tích sông Hồng"?
Mùa hè năm 2018, Giáo sư của trường ĐH Yale Vũ Hà Văn đưa gia đình đi nghỉ tại Đà Nẵng thì bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ Vingroup, nói rằng Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng muốn gặp ông. "Tôi nói hết là mình muốn gì, về chuyện quyết định chuyển sang công nghệ, và tôi kết: "Anh có dám làm không?". Anh Văn trả lời ngắn gọn: "Chơi thôi"!", ông Vượng thuật lại. Ít tháng sau, Vingroup tuyên bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ, GS. Văn giữ cương vị Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu Big Data.
"Chơi thôi!"
"Chuyện về với Vingroup khá bất ngờ, ngay cả với bản thân tôi", Giáo sư của trường ĐH Yale Vũ Hà Văn nhớ lại.
Vị giáo sư 25 năm ở nước ngoài vẫn giữ tấm hộ chiếu Việt Nam tâm sự về lý do về với Vingroup: Ông vẫn thường về nước giảng dạy ở các trường đại học 10 - 15 năm nay, đem sức ra giúp từng trường, từng học sinh một cũng tốt, nhưng ảnh hưởng của một mình ông cũng chỉ ở mức tương đối.
"Tôi nói hết là mình muốn gì, về chuyện quyết định chuyển sang công nghệ, và tôi kết: "Anh có dám làm không?". Anh Văn trả lời ngắn gọn: "Chơi thôi"" - ông Phạm Nhật Vượng kể lại
Mùa hè năm 2018, GS. Văn như thường lệ, đưa gia đình về Việt Nam. Khi đang đi nghỉ tại Đà Nẵng, ông bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ Vingroup, nói rằng Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng muốn gặp ông.
"Kiến thức của tôi về Vingroup là một doanh nghiệp làm dịch vụ. Tôi biết họ có sản phẩm Times City, Vincom, VinPearl… Tôi nghĩ họ muốn sản xuất một cái gì đó mới", GS. Văn nhớ lại.
Cuộc nói chuyện giữa người đứng đầu một tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam và một vị giáo sư 25 năm sống tại nước ngoài kéo dài khá lâu, câu chuyện của nước nhà được nhắc tới nhiều hơn câu chuyện của Vingroup.
GS.TS Vũ Hà Văn - Giám đốc KH Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn trực thuộc VinTech.
"Anh Vượng muốn xây dựng toàn bộ Vingroup theo hướng công nghệ, một bức tranh lớn hơn là anh ấy muốn Việt Nam tiến mạnh hơn về công nghệ và nghiên cứu khoa học. Trong hoàn cảnh hiện nay, đấy là con đường nhanh nhất để nước ta phát triển nhanh hơn và người dân có thu nhập cao hơn", ông Văn nói.
"Tôi nói hết là mình muốn gì, về chuyện quyết định chuyển sang công nghệ, và tôi kết: "Anh có dám làm không?". Anh Văn trả lời ngắn gọn: "Chơi thôi"!", ông Vượng thuật lại trên Tuổi trẻ.
Cách chơi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, như thường lệ, chơi lớn và chơi nhanh.
"Ý định thành lập viện tôi mới nói chuyện với anh Vượng cách đây 2 tháng, giấy thành lập có được cách đây 2 tuần", GS. Văn chia sẻ với báo giới hồi tháng 8/2018.
21/8/2018, Vingroup tuyên bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ, GS. Văn giữ cương vị Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu Big Data - một trong hai viện lớn của Công ty VinTech. Ông Vượng cũng đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội, đồng thời lập Quỹ Đầu tư về công nghệ nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu.
"Samsung của Việt Nam"
Một đài truyền hình của Singapore đã ví Vingroup là "Samsung của Việt Nam".
"Nhiều người ví Vingroup là "Samsung của Việt Nam"… Ở Việt Nam, Vingroup hiện là tập đoàn tư nhân lớn nhất, bất kỳ người dân nào cũng biết đến. Đi ra đường, nhìn thấy thương hiệu siêu thị, trường học, bệnh viện bắt đầu bằng chữ Vin, đó là dấu hiệu của chất lượng dịch vụ đỉnh cao", 8world News - kênh truyền hình phát bằng tiếng Trung Quốc của Channel NewsAsia (CNA), thuộc Tập đoàn truyền thông danh tiếng Singapore (Mediacorp) - đưa tin.
Quả thực, chặng đường phát triển của Vingroup có nhiều điểm tương đồng với đại gia Samsung của Hàn Quốc.
Năm 1938, nhà sáng lập Lee Byung-chull thành lập một công ty mua bán nhỏ có tên gọi "Samsung", bán cá khô, mì và rau quả. Khi Chiến tranh Triều Tiên đi qua, ông Lee lại khởi nghiệp một lần nữa trong lĩnh vực tinh luyện đường, sau đó là lĩnh vực sản xuất sợi len. Đến cuối thập niên 1960, dưới sự khuyến khích của Tổng thống Park Chung-hee, Samsung cũng như các công ty Hàn Quốc khác mới bắt đầu phát triển vào lĩnh vực công nghệ.
Vingroup, tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ukraina năm 1993, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thực phẩm và thành công rực rỡ với thương hiệu mì Mivina. Sau bước chuyển mình từ một doanh nghiệp bất động sản thành doanh nghiệp công nghệ - công nghiệp - dịch vụ, hiện Vingroup cũng đã và đang cho ra đời các sản phẩm điện thông minh tiện dụng như điện thoại, tivi, nghiên cứu phần mềm và trí tuệ nhân tạo AI.
Bên cạnh đó, Samsung có Samsung Town thì Vingroup lập VinTech City. Samsung có quỹ NEXT, Vingroup cũng có quỹ riêng tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo…
Một điểm quan trọng khác, Samsung, cùng một loạt chaebol khác như Hyundai, LG, Lotte… đã góp phần tạo nên "Kỳ tích sông Hán", đưa Hàn Quốc từ một đống tro tàn của cuộc Chiến tranh Triều Tiên tàn khốc trở thành một trong 4 con rồng Châu Á vào đầu những năm 1990, và nay là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vingroup cùng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khác có thể tạo nên một kỳ tích tương tự?
"Kỳ tích sông Hồng"
Chặng đường của Việt Nam cũng nhiều lần được nước bạn nhìn nhận giống với Hàn Quốc: quá khứ khắc nghiệt, thương tổn về chiến tranh… Đấy là câu chuyện quá khứ. Còn trong tương lai, Việt Nam có thể như Hàn Quốc, lập nên một "Kỳ tích sông Hồng"?
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Yoon Dae-Hee, nguyên Bộ trưởng Bộ điều phối chính sách Hàn Quốc cho biết: Tùy từng giai đoạn mà các chính sách công nghiệp được thay đổi cho phù hợp, đồng thời chính sách giáo dục có sự gắn kết chặt chẽ với các chính sách này.
"Kinh tế Việt Nam mang trong mình khát vọng của tương lai. Một thanh niên trẻ có thể xuất thân rất bần hàn, nhưng ngày mai có thể trở thành một doanh nhân thành đạt..." - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thanh Niên dẫn lời ông Yoon Dae-Hee cho biết, vào thập niên 60 thế kỷ trước, Hàn Quốc lấy xuất khẩu công nghiệp, công nghiệp nhẹ làm trọng tâm, như dệt may, làm tóc giả. Nguồn nhân lực tham gia sản xuất là những người lao động có trình độ thấp, chi phí lao động thấp, xuất thân chủ yếu từ khu vực nông thôn, dù họ không được đào tạo nghề một cách chuyên nghiệp và bài bản nhưng họ đã trở thành trụ cột của nền công nghiệp nhờ sự chăm chỉ chịu khó và nỗ lực muốn vượt lên cái nghèo.
"Thập niên 70, Chính phủ bắt đầu xúc tiến phát triển nền công nghiệp nặng và hóa học, chúng tôi đã thành lập các trường đào tạo nghề với quan điểm "giáo dục lập quốc", nguồn nhân lực có tay nghề là trọng tâm vào thời gian đó".
"Sau đó chúng tôi thành lập các viện khoa học công nghệ Hàn Quốc vào năm 1965, viện khoa học Hàn Quốc vào năm 1971 và thu hút các nhân tài đang làm việc ở nước ngoài về Hàn Quốc. Phương hướng bồi dưỡng nhân tài của chính phủ chuyển từ học tập sang tăng cường năng lực phát triển nghiên cứu, có những hỗ trợ về thuế, tài chính để thu hút đầu tư của giới tư nhân trong lĩnh vực này", ông Yoon Dae-Hee chia sẻ.
Năm 2000, cơ cấu chính sách công nghiệp chuyển sang giai đoạn kinh tế tri thức, nên Chính phủ tập trung hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực cao cấp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tại Việt Nam, lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt startup, đang được chính phủ hết sức quan tâm với những chính sách ưu đãi về thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… Với giới khởi nghiệp, Chính phủ có đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia", thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập nhiều đến tinh thần dân tộc. Ngoài Trí tiến thủ, Liêm chính, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp còn cần có thêm Trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, đặc biệt ở một nền kinh tế ở mức trung bình như Việt Nam, doanh nghiệp cần có thêm tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc.
"Như mọi quốc gia, kinh tế Việt Nam mang trong mình khát vọng của tương lai. Một thanh niên trẻ có thể xuất thân rất bần hàn, nhưng ngày mai có thể trở thành một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, thậm chí là con người nhiệt huyết, gánh trên vai trách nhiệm xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, người dân", Thủ tướng nói.
Nếu coi đất nước như một thực thể doanh nghiệp, nền công nghiệp xe hơi Việt Nam nhìn từ câu chuyện VinFast, Vingroup đang đi những bước nhanh và chiến lược tương tự như những doanh nghiệp Hàn Quốc. Thay vì tất tần tất cái gì cũng phải người Việt làm, Vingroup đã tận dụng chất xám và công nghệ từ nhiều nơi. Bên cạnh đó VinTech đã có viện nghiên cứu về pin và hệ thống truyền động, đồng thời đang xúc tiến xây dựng thêm các viện nghiên cứu khác.
"Như Hàn Quốc, ban đầu cũng thế thôi, đều phải biết sử dụng chất xám và công nghệ từ khắp nơi. Mình lập ra những viện nghiên cứu là để thu hút được các chuyên gia giỏi về làm cùng với mình và giúp mình đào tạo các cán bộ người Việt", ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
"Vũ khí" để ông Vượng hút được người tài, không phải là tiền, mà là tinh thần yêu nước và một hệ sinh thái để những người giỏi vẫy vùng thử nghiệm.
"Kỳ tích sông Hán" có được nhờ những Samsung, Lotte, LG, Hyundai. "Kỳ tích sông Hồng" sẽ dựa nhiều vào khối doanh nghiệp tư nhân, những Vingroup, VietJet, Trường Hải…
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…