Từ việc 1 người Singapore làm bằng 14 người Việt Nam đến câu trả lời "Vì sao chúng ta nghèo" qua lý giải của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến

09/04/2019 15:33 PM | Kinh doanh

"Kiếp gia công" mang về cho FPT Software doanh thu 8.000 tỷ, nhưng năng suất lao động của doanh nghiệp công nghệ Việt này chỉ bằng 50% các doanh nghiệp IT hàng đầu thế giới, mà theo Chủ tịch HĐQT FPT Software Hoàng Nam Tiến, đây là minh chứng "Vì sao chúng ta nghèo".

Trong gần 10 phút chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2019 mới đây, ông Hoàng Nam Tiến đã thú nhận một điều: FPT Software dù đã đi khắp nơi trên toàn cầu, có tới 15.000 -16.000 nhân viên đang làm việc ở nước ngoài, nhưng năng suất lao động của nhân lực doanh nghiệp này chỉ bằng 50% nhân lực ở các công ty hàng đầu thế giới.

Vị Chủ tịch HĐQT FPT Software đưa câu chuyện năng suất lao động của chính doanh nghiệp mình làm minh chứng để thấy "Vì sao chúng ta nghèo".

Nhìn tổng quan trên bình diện cả nước, năng suất lao động của người Việt năm 2018 ở mức 4.512 USD/người, theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính theo giá hiện hành.

Cũng theo cơ quan này, khi so với nhiều nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 tính theo sức mua tương đương năm 2011 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Nói cách khác, xét về năng suất lao động, 1 người Singapore làm việc bằng 14 người Việt Nam.

Từ việc 1 người Singapore làm bằng 14 người Việt Nam đến câu trả lời Vì sao chúng ta nghèo qua lý giải của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến - Ảnh 1.

Số liệu của năm 2016 (tính theo sức mua tương đương năm 2011). Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hương Xuân.

"Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng", báo cáo công bố vào cuối năm 2017 của Tổng cục Thống kê nhận định.

"Làm sao thay đổi được năng suất lao động của bản thân chúng tôi và các doanh nghiệp trong nước là yếu tố sống còn", ông Hoàng Nam Tiến đặt vấn đề.


Lời giải để thoát nghèo

"Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, chúng ta không tham gia. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta hay nói đến chúng ta không tham gia, lỡ tàu thì sao? Tôi nghĩ không sao, nhưng nếu lỡ chuyến tàu này chắc chúng ta khó có cơ hội nào đuổi kịp, vươn lên tầm cỡ thế giới", Chủ tịch HĐQT FPT Software nhìn nhận.

Từ việc 1 người Singapore làm bằng 14 người Việt Nam đến câu trả lời Vì sao chúng ta nghèo qua lý giải của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến - Ảnh 3.

"Các cuộc cách mạng công nghiệp giúp thay đổi một yếu tố rất quan trọng - năng suất lao động. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, yếu tố quyết định giúp thay đổi năng suất lao động là chuyển đổi số (Digital Transformation)".

Theo ông Tiến, để tăng được năng suất lao động, những việc cố gắng làm việc chăm chỉ hơn, nhiệt tình hơn, thì chỉ có thể thay đổi được chút ít. Còn để thay đổi về chất thì phải ứng dụng chuyển đổi số.

"Tôi muốn nhấn mạnh: Đây là cơ hội rất lớn khi ứng dụng chuyển đổi số. Cơ hội để tăng năng suất lao động bằng, thậm chí cao hơn cả trên thế giới là có", ông Tiến nói.

"Một ví dụ cụ thể là chúng tôi đang có đội ngũ khoảng 100 - 120 người đã có năng suất lao động cao gấp đôi mức trung bình của những doanh nghiệp hàng đầu, nhưng số lượng còn quá nhỏ. Chúng tôi nghĩ rằng tuy nhỏ, chính những đội ngũ nhỏ, nhanh này, tiếp xúc những gì mới nhất, sáng tạo mới nhất trên thế giới sẽ là động lực kéo theo cả đoàn tàu đông người. Và tôi cũng mong muốn rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam hãy nhận thấy đấy là thế mạnh".


"Quả ngọt" từ 1/4 thế kỷ gia công của FPT

Trước câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho FPT về "nỗi day dứt" 1/4 thế kỷ rồi mà công nghiệp phần mềm của chúng ta vẫn còn gia công, ông Hoàng Nam Tiến cho biết, công việc "làm thuê" kiếm tiền khá tốt, giúp đem về cho FPT Software 8.000 tỷ đồng doanh thu.

FPT Software hiện cũng đã có sự thay đổi, với 20% doanh thu đến từ chuyển đổi số. "Doanh thu tăng trưởng về chuyển đổi số của FPT Software hiện nay khoảng 80-100%/năm so với mức tăng trưởng chung khoảng 30%. Đây thực sự là động lực mới. Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn khi vươn ra toàn cầu và đặc biệt làm chuyển đổi số tại Việt Nam", ông Tiến nói.

Một tín hiệu mừng từ số liệu thống kê năm nay, năng suất lao động Việt Nam có bước tăng khá, và lần đầu tiên sau 4 năm, Tổng cục Thống kê không còn đem năng suất lao động Việt Nam so với các nước trên thế giới.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động), tăng 5,93% so với năm 2017.

Từ việc 1 người Singapore làm bằng 14 người Việt Nam đến câu trả lời Vì sao chúng ta nghèo qua lý giải của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến - Ảnh 5.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM