Cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam, có 1 con của Hòa Phát: Vì sao chỉ mới 5 năm làm nông nghiệp, tỷ phú thép Trần Đình Long đã vượt mặt hàng loạt ông lớn?

20/01/2021 15:02 PM | Kinh doanh

Lãnh đạo Hòa Phát cho rằng lý do thành công đến từ truyền thống đầu tư nghiêm túc, bài bản được áp dụng ngay từ đầu khi gia nhập ngành nông nghiệp.

Đại gia thép làm nông nghiệp

Tháng 3/2015, Tập đoàn Hòa Phát dưới sự điều hành của ông Trần Đình Long gây xôn xao giới kinh doanh - đầu tư khi quyết định gia nhập ngành nông nghiệp - một lĩnh vực hoàn toàn trái tay, bằng việc thành lập công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát.

Sau đó ít tháng, bản thân Trần Đình Long, với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã dùng 3 triệu cổ phiếu HPG của mình để đảm bảo cho Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát được vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với hạn mức vay là 600 tỷ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bước sang năm 2016, Hòa Phát đã chính thức tuyên bố gia nhập lĩnh vực này thông qua việc thành lập Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hòa Phát có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nông nghiệp sẽ trở thành một lĩnh vực khép kín dẫn đầu thị trường với 3 mảng Feed - Farm - Food (3F). Mục tiêu đến năm 2022, Hòa Phát sẽ đạt công suất 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, 450 nghìn tấn đầu heo thương phẩm (giống và thịt), 150 nghìn con bò thịt và 168 triệu trứng gà/năm.

Sau 5 năm, Hòa Phát đã hoàn thành và vận hành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 600.000 tấn/năm tại Hưng Yên, Đồng Nai. Ngoài ra, họ cũng đã đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo giống, bò thịt và cung cấp trứng. Dù vậy theo thông tin từ Forbes, về công suất chưa thể so sánh với CP Foods, Masan MEATLife, Cargill, Dabaco. Đối với chăn nuôi bò thịt, Hòa Phát vận hành trại chăn nuôi bò thịt công nghệ cao tại tỉnh Thái Bình, Đồng Nai và Quảng Bình với giống bò Úc.

Quý III năm 2020, tổng doanh thu mảng nông nghiệp đạt 2.791 tỷ đồng, tăng trưởng 54%. Tỷ trọng đóng góp doanh thu của nông nghiệp cho Tập đoàn tăng từ 4% (2018) lên 12% (2019) và 11% (2020). Mảng này cũng tăng trưởng doanh thu quý III ấn tượng ở mức 154%(2017) và năm 2020 là 54%. Các sản phẩm nông nghiệp như cung cấp bò Úc, trứng gà sạch của Hòa Phát thuộc top đầu thị trường với thị phần thịt bò Úc hơn 50%. Lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp lớn thứ 2 sau thép về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020.

Cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam, có 1 con của Hòa Phát: Vì sao chỉ mới 5 năm làm nông nghiệp, tỷ phú thép Trần Đình Long đã vượt mặt hàng loạt ông lớn? - Ảnh 1.

Hòa Phát tin rằng, với nhu cầu cao và ổn định, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là nhà nhập khẩu ròng thịt và gia súc trong giai đoạn từ 2019 - 2023. Trong khi đó Viết Nam vốn là quốc gia nông nghiệp, có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, trong thời gian tới, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tiếp tục phát huy các trang trại chăn nuôi hiện có, đồng thời mở rộng thêm khi đủ điều kiện. Báo cáo phân tích của công ty chứng khoán BIDV cũng đưa ra nhận định, mảng nông nghiệp sẽ cứu cánh của Hòa Phát khi biên lợi nhuận mảng thép giảm.


Áp dụng tư duy sản xuất công nghiệp

Với lịch sử kinh doanh nông nghiệp chỉ mới 5 năm, Hòa Phát có thể xem là lính mới trong ngành. Tuy nhiên quy mô của mảng nông nghiệp Hòa Phát có thể so sánh với doanh nghiệp cùng ngành là Dabaco cũng như gặt hái kết quả ấn tượng. Nhờ đầu mà ông lớn ngành thép lại làm được điều này?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là một nhà sản xuất công nghiệp, Chủ tịch Trần Đình Long và các cộng sự mang tư duy công nghiệp vào mảng kinh doanh mới: Đầu tư ở quy mô lớn nhờ vào năng lực quản trị sản xuất tích lũy nhiều năm. Chọn thức ăn chăn nuôi làm điểm khởi đầu để Hòa Phát có thể dựa vào lợi thế về kinh nghiệm sản xuất và tiềm lực tài chính, áp dụng sản xuất ở quy mô lớn, do sản xuất thức ăn chăn nuôi "gần" với sản xuất công nghiệp: đầu tư nhà xưởng, máy móc, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, phối trộn, đóng bao và dưa ra tiêu thụ ở kênh phân phối. Trong chuỗi giá trị sản xuất thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát nắm công đoạn chế biến thức ăn từ các nguyên liệu ngũ cốc và phụ gia. Chủ động nguồn thức ăn phục vụ cho việc mở rộng hoạt động chăn nuôi sau này.

"Truyền thống đầu tư nghiêm túc, bài bản được áp dụng ngay khi chúng tôi đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp", ông Doãn Gia Cường - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nông nghiệp Hòa Phát từng lý giải với tạp chí Forbes về nguyên nhân tạo nên thành quả của Hòa Phát trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông cho biết, từ việc lựa chọn con giống chất lượng, cho đến công nghệ và máy móc, dây chuyền nhập khẩu từ châu Âu đều đồng bộ. Theo đó suất đầu tư các điểm trại chăn nuôi của Hòa Phát tương đối thấp nhờ tối ưu hóa các khâu từ lập dự án đến triển khai, không bị chậm tiến độ nên khả năng quay vòng vốn nhanh, thường thời gian xây dựng mỗi năm một trang trại.

"5 năm làm nông nghiệp, Hòa Phát chúng ta đã làm được rất nhiều việc và định hình vị thế của Nông nghiệp Hòa Phát trên thị trường. Hiện tại cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước. Đây là minh chứng rõ nhất của việc Hòa Phát luôn làm đến nơi đến chốn ở bất cứ ngành nghề nào", ông Trần Đình Long tự hào tuyên bố trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và phát triển Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát hồi cuối tháng 11 vừa qua. Năm 2020, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu mảng nông nghiệp sẽ đóng góp 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, lớn thứ hai sau mảng thép.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM