Covid-19: Tuyên bố chạm đỉnh dịch, Anh vẫn chưa dỡ bỏ phong tỏa

16/04/2020 14:16 PM | Xã hội

Dù giới chức Anh tuyên bố, Covid-19 “có thể đã chạm đỉnh”, Chính phủ nước này Anh vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc dỡ bỏ phong tỏa.

Giới chức Anh chậm trễ

Chính phủ Anh đang chịu nhiều áp từ việc phải đưa ra một bản kế hoạch cụ thể về việc nước này có thể dỡ bỏ phong tỏa trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy đường cong dịch bệnh Covid-19 “đang được làm phẳng” tại Anh.

Trên thực tế, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab – người đang tạm nắm quyền Thủ tướng thay ông Boris Johnson phải nghỉ điều trị Covid-19 – được cho là sẽ công bố kéo dài thời hạn phong tỏa thêm 3 tuần nữa vào ngày hôm nay 16/4 sau cuộc họp nhóm Cobra có sự tham gia của lãnh đạo Scotland, Wales và Bắc Ireland.

Tuy nhiên, nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết, việc ông Boris Johnson chưa thể nắm quyền trở lại đã khiến những nỗ lực trong việc hình thành một kế hoạch chung nhằm dỡ bỏ phong tỏa trên toàn nước Anh bị trì hoãn. Điều này xuất phát từ việc mỗi thành viên trong Nội các Anh lại hướng tới mục tiêu khác nhau liên quan đến việc dỡ bỏ phong tỏa.

Dù các quan chức Anh được yêu cầu tránh đề cập đến việc dỡ bỏ phong tỏa, bà Nadine Dorries, Thứ trưởng Y tế nước này đêm 15/4 hé lộ, đó sẽ là một tiến trình dài. Trên trang Twitter cá nhân, bà Dorries chia sẻ: “Cách duy nhất chúng ta có thể dỡ bỏ phong tỏa là có vaccine điều trị Covid-19. Từ nay đến lúc đó, chúng ta phải tìm ra một biện pháp thích nghi toàn xã hội trong đó có sự cân bằng về đảm bảo sức khỏe và tăng trưởng kinh tế”.

Một quan chức Chính phủ Anh cho biết, trên thực tế, không có “một kế hoạch bí mật nào” và thậm chí các cuộc thảo luận về vấn đề dỡ bỏ phong tỏa còn chưa được tiến hành ở các cấp thích hợp. Vị quan chức này chia sẻ: “Mọi người mới chỉ đang nhìn vào các dấu hiệu mà chưa tiến hành thảo luận cấp Chính phủ hoặc liên bộ. Vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng vào thời điểm này”.

Một nguồn tin khác cho hay, Bộ trưởng Nội các Anh Sir Mark Sedwill đang hối thúc Thủ tướng Anh sớm quay lại làm việc để có thể thông qua được bản kế hoạch chi tiết việc dỡ bỏ phong tỏa. Cũng theo nguồn tin này, Thủ tướng Johnson được cho là sẽ có thể bắt đầu làm việc trở lại vào đầu tuần tới.

Tranh cãi từ các chuyên gia

Việc nước Anh cho đến thời điểm này vẫn chưa có một bản kế hoạch chi tiết cho việc dỡ bỏ phong tỏa được xem là “đi ngược hoàn toàn” với cách thức tiếp cận vấn đề từ các nước châu Âu. Một loạt quốc gia như Đan Mạch, Pháp, Đức và Thụy Sỹ đều đã công bố chi tiết kế hoạch này và Italy, Tây Ban Nha và Áo thậm chí đã mở cửa trở lại một số cửa hàng và yêu cầu người lao động ở một số lĩnh vực quay lại làm việc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh, Giáo sư Chris Whitty ngày 15/4 tuyên bố: “Anh có thể đã chạm đỉnh dịch và đường cong dịch bệnh đang được làm phẳng dù có thể số ca tử vong vẫn tăng trong vài ngày tới”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “Vào thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể tự tin nói rằng, chúng ta đã qua đỉnh dịch”.

Cũng chung quan điểm với Giáo sư Chris Whitty, Giáo sư Dame Angela McLean cho rằng, các chuyên gia y tế đều hy vọng sự lây lan của dịch Covid-19 sẽ giảm đều trên cả nước, điều này cho phép Anh đồng loạt dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, theo Giáo sư Dame Angela McLean, Chính phủ Anh vẫn nên chuẩn bị sẵn kế hoạch này với sự cố vấn của các cơ quan y tế công.

Covid-19: Tuyên bố chạm đỉnh dịch, Anh vẫn chưa dỡ bỏ phong tỏa - Ảnh 1.

Dỡ bỏ phong tỏa vẫn không quan trọng bằng việc tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: AFP

Trong khi đó, ông Bharat Pankhania, Giảng viên cao cấp về y tế tại Đại học Exeter và có nhiều kinh nghiệm thực tế phòng chống SARS và Ebola, cho rằng, điều quan trọng hơn lúc này này Chính phủ Anh cần tập trung vào việc tiến hành xét nghiệm, theo dấu các bệnh nhân mắc Covid-19 trên diện rộng.

“Hãy tiếp tục đóng cửa cho đến khi chúng ta biết rõ cách điều trị cho các bệnh nhân, hãy tận dụng cơ hội này để tăng cường sản xuất các trang thiết bị bảo hộ y tế và máy thở. Khi đã có đủ các trang thiết bị này chúng ta mới có thể tính đến chuyện dỡ bỏ phong tỏa”, ông Bharat Pankhania nói.

Cũng theo ông Pankhania: “Trong trường hợp khẩn cấp chúng ta có thể tuyển thêm người làm việc dưới sự giám sát của giới chức y tế. Chúng ta đã làm điều này trong đợt dịch cúm lợn nhưng lại chưa làm thế trong đại dịch Covid-19. Không có dấu hiệu nào cho thấy chúng ta có sự chuẩn bị tương tự”.

Ông Pankhania cũng kêu gọi công bố danh tính toàn bộ thành viên nhóm cố vấn khoa học của Chính phủ Anh để ông và các đồng nghiệp có thể theo dõi cụ thể những gì họ đang làm và những khuyến cáo của nhóm này trong việc phòng chống dịch bệnh. Cho đến nay, Chính phủ Anh vẫn giấu kín tên các thành viên của nhóm này vì lý do an ninh.

Trong khi đó, Giáo sư Sir David King lên tiếng chỉ trích cách thức ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Anh và kêu gọi giới chức Anh cần triển khai “một loạt các biện pháp” bao gồm cả việc xét nghiệm trên diện rộng: “Chỉ cho đến khi chúng ta thực hiện việc xét nghiệm một cách sâu rộng, chúng ta mới nắm bắt rõ tình hình”.

Cũng theo Giáo sư Sir David King, dường như Anh đang chạm đỉnh dịch, tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, việc không thể ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 ngoài bệnh viện đồng nghĩa với việc “chúng ta chưa thể biết mình đang ở đâu” và so với các nước khác, “điều này thực sự rất tồi tệ”./.

Theo VOV

Cùng chuyên mục
XEM