Tương lai nào cho các ứng dụng gửi tin nhắn?

06/01/2016 09:34 AM | Công nghệ

Với lượng người dùng smartphone ngày càng lớn, các ứng dụng nhắn tin đơn giản trước kia có thể trở thành trung tâm của hoạt động trên mạng, trong một số trường hợp còn trở thành cửa ngõ truyền thông xã hội vượt trội,

Vào năm 2011, hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là Tencent đã phát triển một ứng dụng trên smartphone để mọi người có thể gửi tin nhắn cho nhau miễn phí. Năm năm sau, hàng trăm triệu người dùng WeChat ở Trung Quốc sử dụng dịch vụ này để gửi tiền cho bạn bè, mua hàng và thậm chí đặt lịch hẹn với bác sĩ.

Sự tiến triển này cho thấy với lượng người dùng smartphone ngày càng lớn, các ứng dụng nhắn tin đơn giản trước kia có thể trở thành trung tâm của hoạt động trên mạng, trong một số trường hợp còn trở thành cửa ngõ truyền thông xã hội vượt trội, chẳng hạn như Facebook.

“Không có một công nghệ nào được kiểm tra sát sao và bàn luận ở Silicon Valley nhiều như công nghệ nhắn tin”, Jenny Lee – giám đốc điều hành ở GGV Capital cho biết.

Các nhà phân tích cho rằng các ứng dụng nhắn tin là điểm nút lý tưởng cho các dịch vụ khác vì chúng đơn giản, dễ sử dụng và có lượng người dùng lớn với thời gian sử dụng hàng ngày khá dài. Facebook – ngoài việc sở hữu WhatsApp, dịch vụ nhắn tin lớn nhất trên thế giới với 900 triệu người dùng – nói rằng công ty này đang nghiên cứu kỹ WeChat và các ứng dụng khác, để tìm cách tạo ra một hệ sinh thái tương tự. Nhưng sẽ không đơn giản cho Facebook hay các đối thủ khác khi muốn sao chép thành công của WeChat.

Ngày nay, có khoảng 2,5 tỷ người đã đăng ký sử dụng ít nhất một ứng dụng nhắn tin, đây là số liệu từ công ty tư vấn Activate. Đến năm 2018, công ty này ước tính con số đó sẽ là 3,6 tỷ, tương đương 90% dân số trên thế giới mạng.

Ở Trung Quốc, rất khó để tìm ra một người dùng smartphone ở các thành phố lớn mà không sử dụng WeChat. Trong các cuộc gặp mặt chuyên môn, người ta cũng thường trao đổi tài khoản WeChat, chứ không phải danh thiếp nữa.

Sự bùng nổ của WeChat xảy ra đồng thời với sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc; và đối với nhiều người, ứng dụng này là con đường đầu tiên dẫn họ đến mạng Internet. WeChat và các ứng dụng nhắn tin khác ban đầu hấp dẫn những người dùng muốn tránh phải trả tiền tin nhắn vốn cao hơn 26 lần so với ở Mỹ (số liệu của Activate).

Nhưng họ nhanh chóng tìm đến những khu vực khác. Không lâu sau khi xuất hiện, WeChat đã đưa vào một tính năng kiểu bộ đàm cho phép người dùng gửi các tin nhắn thoại. Tính năng này được gọi là “Drift Bottle”, trong đó người dùng ném một cái chai ảo vào “biển cả” Internet và kết nối với bất kỳ ai nhặt cái chai đó lên.

Vào năm 2013, WeChat đưa thêm vào một chức năng thanh toán, một phần nỗ lực của công ty mẹ Tencent trong việc cạnh tranh với đối thủ Alipay của Alibaba. Một khi tự mình lo được việc thanh toán, WeChat bắt đầu đưa vào các dịch vụ của các công ty khác như dịch vụ bắt taxi và đặt chỗ nhà hàng.

“Nó là cửa ngõ đưa đến nhiều thứ từ các dịch vụ giải trí đến các thông tin khác”. Đó là nhận định của Shen Haoyu, CEO của JD Mall, trang web mua sắm của tập đoàn thương mại điện tử JD.com Inc. Tencent sở hữu một lượng cổ phần nhỏ trong JD.com và điều này cho phép người dùng WeChat mua sắm trên JD.com ngay ở ứng dụng chat.

Một trong những tính năng phổ biến nhất của WeChat là phong bì ảo chứa tiền mà người dùng có thể gửi cho nhau – một phiên bản trực tuyến của truyền thống tặng “phong bao lì xì” của người Trung Quốc trong dịp Tết Âm lịch. WeChat giới thiệu tính năng này đúng vào dịp Tết năm 2014, nhưng giờ đây mọi người sử dụng nó mọi lúc chứ không riêng gì dịp lễ tết.

Lin Cui-Lu, một nhân viên 27 tuổi của một công ty mới khởi nghiệp ở Thâm Quyến, gần đây đã gửi một phong bao WeChat chứa 12 Nhân Dân Tệ cho một đồng nghiệp mà cô nhờ mua bữa trưa từ một cửa hàng KFC gần đó. Cô cho biết mình gửi vài phong bao WeChat mỗi tuần và vào dịp sinh nhật của bạn bè. Ngoài ra cô còn sử dụng WeChat để trả tiền các bữa ăn, mua vé xem phim và thanh toán tiền đi taxi.

Cô nói: “Tôi sử dụng WeChat nhiều hơn bất kỳ ứng dụng nào khác”.

Các ứng dụng nhắn tin không ăn sâu vào đời sống đến thế ở các nước như Mỹ, nơi phí nhắn tin rất rẻ. Ted Livingston, CEO của Kik Messenger Inc. ở Canada, cho biết: “Không có ví dụ nào tiêu biểu ở các nước phương Tây”, sau khi giới thiệu một ứng dụng nhắn tin vào năm 2009.

Hai năm sau, Kik cho phép các bên thứ ba gắn ứng dụng của họ vào dịch vụ của mình. Nhưng người dùng không download ứng dụng này và những lập trình viên mất hứng thú tạo ra các ứng dụng như vậy. Vào tháng 8, Tencent đầu tư 50 triệu USD vào Kik để đẩy mạnh phát triển dịch vụ này.

Facebook cũng tiếp tục dấn thân vào các ứng dụng nhắn tin. Trong năm 2014, công ty này mua WhatsApp với giá 22 tỷ USD. Sau đó, nó khuếch trương ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger của mình bằng cách yêu cầu người dùng download ứng dụng này để gửi các tin nhắn trên Facebook bằng điện thoại di động.

Vào tháng 3, Facebook hé lộ về 40 ứng dụng chỉnh sửa ảnh và video được thiết kế cho Facebook Messenger. Ngày nay, đã có hơn 700 ứng dụng được gắn vào Facebook Messenger, mặc dù chỉ khoảng 1/10 trong số đó là có vai trò nổi bật và người dùng có thể nhìn thấy được.

David Marcus, một cựu chuyên viên cấp cao của PayPal, hiện đang đứng đầu dự án Facebook Messenger, nói rằng đội của mình đang nghiên cứu để tìm ra cách giúp các công ty giữ liên lạc được với khách hàng qua ứng dụng chat mà không tỏ ra xâm phạm một cách khiếm nhã. Nhưng nhiều người Mỹ vẫn không quen được với việc gửi tin nhắn ngoài mục đích nói chuyện với bạn bè, người thân.

Facebook nói rằng các công ty thương mại điện tử như Everlane và Zulily sẽ bắt đầu sử dụng Facebook Messenger cho dịch vụ chăm sóc khách hàng. Vào đầu năm 2016, hãng hàng không KLM của Hà Lan đã đưa ra kế hoạch cung cấp tin xác nhận đặt vé và thẻ lên máy bay (boarding pass) qua ứng dụng Facebook Messenger.

Khách hàng của tập đoàn khách sạn Hyatt có thể dùng Facebook Messenger để yêu cầu một chiếc khăn tắm mới hoặc gọi dịch vụ phòng. Nhưng một số khách hàng tò mò đã thử tính năng này bằng cách gửi các tin nhắn chỉ với nội dung đơn giản như “Xin chào”. Và Hyatt cho biết họ không thấy hành vi này xuất hiện ở bất kỳ nền tảng nào khác, kể cả WeChat.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM