Trong 3 năm Trung Quốc dùng lượng xi măng nhiều hơn Mỹ dùng trong 100 năm?
Trung Quốc tiêu thụ lượng xi măng trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013 nhiều hơn lượng xi măng Hoa Kỳ dùng trong toàn thế kỷ 20.
Nội dung nổi bật:
- Trong vòng 3 năm, với tốc độ đô thị hóa và số dân khổng lồ của mình, Trung Quốc đã tiêu thụ một lượng xi măng gấp 1,4 lần lượng xi măng cả nước Mỹ dùng trong thế kỷ 20. Tuy vậy, nguyên nhân cho số lượng khủng khiếp đó không chỉ có vậy, mà còn do:
- Do các công ty xi măng phần lớn là công ty nhà nước, họ chỉ quan tâm tới số lượng mà không quan tâm tới việc bán hàng do có trợ giá.
- Chất lượng xi măng Trung Quốc nhìn chung thấp dẫn tới tuổi thọ công trình chỉ được khoảng 20 – 30 năm là phải thay mới.
Đây là một thông tin gây sửng sốt đến mức Bill Gates phải sốc và đủ sức truyền cảm hứng cho một bài thơ Haiku. Tuy nhiên, thông tin này lại có thể là sự thật, và nếu thật sự như vậy, bằng cách nào Trung Quốc có thể tiêu thụ ngần ấy xi măng?
Vâng, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển ở một mức độ khác thường, và đã đạt dân số gấp 4 lần dân số Hoa Kỳ. Nhưng những năm 1900 là giai đoạn bùng nổ của Hoa Kỳ, một thế kỷ mà Hoa Kỳ đã xây dựng được hầu như tất cả những con đường, những cây cầu, hệ thống quốc lộ, đập Hoover, và nhiều tòa nhà cao nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ lại có diện tích xấp xỉ bằng nhau, được xếp hạng thứ ba và thứ tư trên thế giới.
Biểu đồ minh họa lượng xi măng Mỹ dùng trong thế kỷ 20 và lượng dùng của Trung Quốc trong 3 năm, 2011 – 2013 (Đơn vị: Tỉ tấn) Nguồn: Blog Bill Gates.
Thông tin có vẻ không tưởng, nhưng căn cứ vào chính phủ và nguồn tài nguyên công nghiệp, thông tin ấy lại có vẻ chính xác. Hơn nữa là, một khi bạn tiền hành đào xới nguồn thông tin, bạn sẽ tìm thấy những lý giải hợp lý đến ngỡ ngàng cho thấy những khác biệt thú vị giữa hai quốc gia, và một vài sự thật đáng ngại về Trung Quốc.
Gates đã chộp thông tin này từ nhà sử học Vaclav Smil, người định nghĩa xi măng là “vật liệu quan trọng nhất của nền kinh tế khổng lồ trong thời đại nền văn minh của chúng ta” (Cho những ai chưa biết, xi măng là một loại bột chứa vôi và đất sét mà khi trộn với nước cùng sỏi hay cát sẽ tạo thành bê tông.) Smil đã viết được những đánh giá này từ Trung tâm Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey – USGS), với số liệu thông tin của lượng xi măng nước Mỹ sử dụng trong cả thế kỷ 20 được liệt kê bên dưới:
Biểu đồ này cho thấy một số tiến trình kinh tế thú vị - bao gồm cả những thời điểm xuống dốc của ngành xây dựng trong suốt cuộc Đại Suy Thoái, Thế chiến thứ hai, và sự thụt lùi vào những năm đầu thập niên 1980. Tổng lượng tiêu thụ xi măng của Mỹ trong suốt thế kỷ 20 lên đến 4,4 tỷ tấn (gigaton) (1 giga tấn xấp xí 1 tỷ tấn theo hệ mét).
Khi đem ra so sánh, Trung Quốc đã tiêu thụ khoảng 6,4 tỷ tấn xi măng trong ba năm 2011, 2012 và 2013. Số liệu trên được International Cement Review, một nhà xuất bản công nghiệp đặt trụ sở tại London (Anh) dẫn nguồn. Trung tâm Khảo sát địa chất Hoa Kỳ đánh giá lượng tiêu thụ xi măng của Trung Quốc như sau: Theo Hendrik van Oss, một chuyên gia hàng hóa khoáng sản công tác tại USGS thì lượng xi măng Trung Quốc tiêu thụ trong khoảng những năm 2010-12 đạt mức 140% so với lượng tiêu thụ của Mỹ từ 1900-99.
Nguồn: Viện Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ và Trung tâm dữ liệu xi măng Quốc tế
Rõ ràng, lượng xi măng Trung Quốc đã sử dụng trong những năm gần đây nhiều đến sửng sốt. Bên dưới là lượng xi măng ấy được ước lượng thành khối và đặt vào thành phố Chicago.
Còn nếu trở thành bãi đậu xe, diện tích của nó sẽ bằng cả đảo lớn nhất của Hawaii:
Vậy làm thế nào Trung Quốc tiêu thụ ngần ấy xi măng? Trước hết, Trung Quốc được ghi vào lịch sử là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh rất nhiều lần so với Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Hơn 20 triệu người dân Trung Quốc chuyển đến sống ở các thành phố mỗi năm, nhiều hơn cả số người sống ở trung tâm thành phố New York, Los Angeles và Chicago cộng lại. Sự thay đổi to lớn này đã diễn ra trong khoảng 50 năm gần đây. Năm 1978, ít hơn 20% dân số Trung Quốc sống tại các thành phố, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ đó sẽ đạt 60%.
Các thành phố ở Trung Quốc đã thay đổi để đáp ứng không gian sống cho dòng chảy dân cư này. Căn cứ vào một số đánh giá, phân nửa công trình cơ sơ hạ tầng được xây từ những năm 2000, với mạng lưới đường sắt mới, quốc lộ, đập nước, sân bay, và căn hộ cao ốc chọc trời đã mọc lên xuyên suốt quốc gia.
Bức hình bên dưới là một ví dụ điển hình cho thấy sự thay đổi của khu vực phía đông quận Pudong thành phố Thượng Hải từ 1987 đến 2013. Qua đó, có thể thấy tại sao Spike Jonze chọn quận Pudong làm bối cảnh cho thành phố tương lai trong bộ phim “Her” gần đây của ông.
Hình chụp phố Đông Thượng Hải năm 1987 (Nguồn Stringer) và ngày 31 tháng 7 năm 2013 (Nguồn Carlos Barria). Reuters.
Hơn cả sự đổi thay sửng sốt của Thượng Hải chính là sự phát triển của vùng đồng bằng Châu Giang, một đại đô thị nằm trên lục địa Trung Quốc đối diện Hồng Kông. Theo Ngân hàng thê giới (World Bank – WB), khu trung tâm sản xuất này có 42 triệu dân cư vào năm 2010. Nếu xem đây là một khu vực của một thành phố - điều này có nghĩa, vì các thành phố đều cùng hoạt động – thì khu vục đồng bằng Châu Giang sẽ là thành phố lớn nhất thế giới cả về khu vực hoạt động lẫn dân số.
Biểu đồ so sánh diện tích các thành phố ở Đông Á và Đông Nam Á (Đơn vị: km2)
Ngoài những thành phố lớn nhất của Trung Quốc, thì điều ấn tượng hơn nữa là số lượng không tưởng của các thành phố nhỏ mà chưa ai từng biết đến. Năm 2009, Trung Quốc có 221 thành phố với mỗi thành phố có hơn 1 triệu người sinh sống, so với con số 35 thành phố ở châu Âu. Thậm chí những thành phố nhỏ như Trịnh Châu và Tế Nam còn đông dân cư hơn cả Los Angeles và Chicago.
Hơn cả tốc độ đô thi hóa không tưởng của của Trung Quốc, còn có những sự thật khác khiến cho thông tin về xi măng trở nên dễ tin hơn. Theo quan điểm của Goldman Sachs trong một bài viết, Dân số Trung Quốc hiện tại chỉ gấp 4 lần so với dân số Hoa Kỳ, nhưng nó đã từng nhiều gấp Hoa Kỳ đến 15 lần vào những năm đầu thế kỷ 20, và gấp 9 lần vào năm 1950.
Thế giới cũng đã trải qua sự thay đổi của những vật liệu xây dựng trong suốt thế kỷ 20. Năm 1950, thế giới đã sản xuất thép nhiều gần bằng xi măng; đến năm 2010, sản lượng thép đã tăng lên theo thừa số của 8, nhưng xi măng đã tăng lên theo thừa số của 25. Và trong khi nhiều nhà ở Mỹ được xây từ gỗ, Trung Quốc lại lâm vào cảnh thiếu nguồn cung cấp gỗ. Không như Hoa Kỳ, nhiều người dân Trung Quốc sống trong nhà lầu hoặc căn hộ cao tầng xây bằng xi măng.
Cuối cùng, nền công nghiệp xi măng của Trung Quốc đã phát triển trên mức mà nó nên phát triển. Nhiều nhà sản xuất xi măng do nhà nước sở hữu, và họ thu lợi nhuận từ ngân sách hỗ trợ của nhà nước và tiếp cận bằng nguồn vốn rẻ. Tương tự như trong những nền công nghiệp nhà nước quá tải khác – nhôm, thép, và đóng tàu – lĩnh vực xi măng của Trung Quốc đã trải qua quá trình bùng nổ mà không kèm theo sự quan tấm đến chất lượng và lợi nhuận.
Nền công nghiệp xi măng khổng lồ này cũng tàn phá nghiêm trọng môi trường. Các nhà khoa học ước tính nên công nghiệp xi măng toàn cầu chịu trách nhiệm cho 5% lượng thải Các-bon trên thế giới, và hơn ½ năng lực sản xuất xi măng của thế giới là từ Trung Quốc.
Hơn nữa, tiêu chuẩn thấp của chất lượng công trình làm cho một vài công trình bê tông của Trung Quốc có thể bị đánh sập và thay thế chỉ trong vòng 20 hoặc 30 năm. Theo Goldman Sachs, khoảng một phần ba lượng xi măng Trung Quốc sử dụng là loại kém chất lượng mà các nước khác sẽ không sử dụng.
Khi Bill Gates viết vào Blog của ông về số lượng xi măng khó tin mà Trung Quốc đã tiêu thụ, ông chỉ rõ rằng sự ra đời của những vật liệu là chìa khóa để giúp người nghèo trên thế giới cải thiện cuộc sống của họ. Thay thế nhà bằng đất với bê tông giúp cải thiện vệ sinh; lát đường bằng bê tông giúp rau được đưa đến siêu thị, trẻ con được đến trường, và nền kinh tế phát triển. Ở Trung Quốc, sự bùng nổ của công trình xây dựng đã khuyến khích nền kinh tế phát triển, qua đó giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo.
Nhưng tuy vậy, nền công nghiệp xi măng khổng lồ của Trung Quốc cũng chỉ ra mặt tối của nền kinh tế: Xà bần là kết quả của quá nhiều quy hoạch kinh tế từ lớn đến nhỏ, và những thiệt hại môi trường đang tăng lên ở tất cả các cấp độ. Việc xi măng Trung Quốc phát triển rầm rộ thật đáng kinh ngạc, đúng vậy, nhưng chính nó cũng sẽ là mầm mống cho những nhiều điềm báo đáng ngại khác.
>> Những người siêu giàu ở Trung Quốc
Mai Trâm