Quyết tâm trở thành siêu cường công nghệ, Trung Quốc đầu tư tới 150 tỷ USD cho mảng bán dẫn

06/02/2016 19:29 PM | Công nghệ

Từ năm 1970 tới nay chính phủ Trung Quốc luôn nỗ lực để xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn bản địa. Tuy nhiên, chưa bao giờ tham vọng và ngân sách đầu tư vào ngành công nghiệp này lớn như bây giờ.

Trong lần đầu tư lớn trước đó, nửa cuối những năm 1990, chính phủ đất nước tỷ dân đã chi hơn 1 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn. Lần này, theo một kế hoạch lớn được công bố Trung Quốc muốn tập hợp khoảng 100 tới 150 tỷ USD từ các quỹ đầu tư công cộng và tư nhân cho ngành công nghiệp trên.

Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là tới năm 2030 có thể bắt kịp các hãng hàng đầu thế giới về thiết kế, chế tạo và đóng gói tất cả các loại chip, chấm dứt sự lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Năm 2015, các lãnh đạo Trung Quốc đã bổ sung thêm một mục tiêu xa hơn: tự sản xuất 70% số lượng chip ngành công nghiệp Trung Quốc tiêu thụ trong vòng 10 năm tới.

Trung Quốc có một quãng đường dài cần chinh phục. Năm ngoái, các hãng sản xuất cả trong nước và nước ngoài tại đất nước đông dân nhất thế giới tiêu thụ số lượng chip (tất cả các loại) trị giá tới 145 tỷ USD.

Tuy nhiên, sản lượng của ngành công nghiệp chip nội địa Trung Quốc chỉ đáp ứng được 1/10 giá trị đó. Và hầu như tất cả các loại chip đắt giá mà các hãng sản xuất Trung Quốc tiêu thụ như vi xử lý máy tính hoặc chip nhúng vào xe hơi đều được nhập khẩu.

Mua sắm, thâu tóm, sáp nhập

Để nhanh chóng hiện thực hóa các kế hoạch, nhà chức trách Trung Quốc nhận rằng họ phải mua càng nhiều chuyên gia nước ngoài càng tốt. Trong những tháng gần đây, các doanh nghiệp nhà nước và những cơ quan chính phủ liên tiếp thực hiện những thương vụ mua bán, đầu tư hoặc giao dịch với các công ty bán dẫn nước ngoài.

Ngày 17/1, tỉnh Quý Châu đã công bố một hợp đồng liên doanh với Qualcomm, nhà thiết kế chip của Mỹ. Lãnh đạo tỉnh và Qualcomm sẽ cùng nhau đầu tư 280 triệu USD để thành lập một hãng sản xuất chip mới chuyên sản xuất chip cho máy chủ.

Quỹ đầu tư của tỉnh sẽ sở hữu 55% doanh nghiệp trên. Hai ngày trước, các cổ đông của hãng đóng gói và kiểm tra chip Powertech Technology, Đài Loan, đã đồng ý cho Thanh Hoa Unigroup, một công ty nhà nước đại lục, mua 25% cổ phần với giá 600 triệu USD.

Các quan chức cho rằng việc phát triển một ngành công nghiệp bán dẫn "cây nhà lá vườn" là một mệnh lệnh mang tính chiến lược giúp quốc gia này thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá mức vào các hãng công nghệ nước ngoài.

Họ có thể dành về phía mình khoản tiền thuế khổng lồ mà các nhà chính trị Mỹ, châu Âu và các vùng khác của châu Á chi tiêu không tiếc cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của họ trong những năm qua.

Theo một số ước tính, khoảng trống của ngành công nghiệp chip Trung Quốc so với nhu cầu chỉ bằng khoảng một nửa so với các con số thống kê. Lý do là rất nhiều chip nhập khẩu mà các nhà máy Trung Quốc tiêu thụ được dùng để lắp ráp ngay trên các thiết bị như iPhone của Apple và máy tính xách tay của Lenovo tại các nhà máy ở đất nước này sau đó được xuất khẩu.

Mặc dù vậy, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phù hợp với chính sách lớn hơn của chính phủ Trung Quốc về việc chuyển từ nền kinh tế sử dụng nhiều lao động tới một mô hình mới có giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường.

Morgan Stanley, một ngân hàng Mỹ, ước tính lợi nhuận của các công ty bán dẫn trưởng thành ở mức 40% hoặc lớn hơn trong khi các công ty máy tính và phần cứng khác thường chỉ có mức lợi nhuận 20% hoặc ít hơn.

Do vậy, nếu các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường chip và nắm giữ một số tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản như Intel trên thị trường chip dành cho máy tính cá nhân và máy chủ thì Trung Quốc sẽ được thụ hưởng mức lợi nhuận lớn hơn trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu.

Tập trung cho những đứa con cưng

Trước đó, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy sản xuất tấm pin mặt trời và đèn LED, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư vào quá nhiều doanh nghiệp trong nước khiến dư thừa công suất và giá thành tụt dốc không phanh.

Lần này, rút kinh nghiệm, các nhà chức trách tập trung đầu tư vào một nhóm hạn chế các doanh nghiệp hàng đầu. Ví dụ, hãng SMIC của Thượng Hải được coi là doanh nghiệp đúc chip hàng đầu Trung Quốc, hãng này chuyên sản xuất chip theo số lượng lớn theo bản thiết kế của các hãng khác. Ngoài ra còn có HiSlicon của Thâm Quyến, một công ty con của Huawei, một trong những hãng thiết kế chip vô địch tại Trung Quốc.

Zhao Weigo, ông chủ Thanh Hoa Unigroup

Hãng chip nổi bật nhất phải kể tới đó là Thanh Hoa Unigroup, một công ty được tách ra từ Đại học Thanh hoa Bắc Kinh. Đây là hãng sản xuất chip vô địch trong số các nhà vô địch của Trung Quốc.

Hãng này đủ sức thách thức cả đế chế Intel hùng mạnh. Zhao Weigo, ông chủ Thanh Hoa Unigroup, lớn lên trong nghèo khó tại Tân Cương bởi cha và mẹ anh bị trục xuất vào năm 1950 vì bất đồng chính kiến với giới cầm quyền. Từ nhỏ anh phải chăn dê và lợn phụ giúp gia đình.

Sau khi chuyển tới Bắc Kinh để theo học đại học, Zhao đã làm giàu từ linh kiện điện tử, bất động sản và tài nguyên thiên nhiên trước khi trở thành Chủ tịch và cổng đông lớn thứ hai của Thanh Hoa Unigroup.

Thanh Hoa Unigroup nổi lên từ con số không từ năm 2013 khi chi 2,6 tỷ USD để mua hai công ty thiết kế vi mạch của Trung Quốc là Spreadtrum và RDA Microelectronics. Trong năm 2014, Intel đã phải bỏ 1,5 tỷ USD để mua 20% cổ phần của Thanh Hoa Unigroup, một đối thủ tiềm năng trong tương lai.

Hai công ty đã hợp tác với nhau để phát triển chip cho thiết bị di động, một lĩnh vực mà Intel đang tụt hậu. Tháng 5 năm ngoái, Thanh Hoa đã dành 2,3 tỷ USD để mua 51% cổ phần của H3C, một công ty con chuyên sản xuất thiết bị mạng dữ liệu của HP. Vào tháng 11, Thanh Hoa tuyên bố chi 13 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chip nhớ khổng lồ.

Dùng tiền để mua công nghệ chip

Các hãng chip Trung Quốc khác cũng đang chi tiền rất mạnh tay để thâu tóm các hãng khác nhằm tăng cường sức mạnh cũng như công nghệ. Giang Tô Trường Giang, một công ty đóng gói chip, đã chi một 1,8 tỷ USD trong năm 2014 để dành quyền kiểm soát STATS ChipPac, một hãng Singapore cùng ngành.

Năm 2015, công ty nhà nước Jianguang Asset Management đã chi một khoản tiền tương tự để sở hữu một phần công ty NPX, Hà Lan, chuyên sản xuất chip đặc biệt cho trạm điện thoại di động.

Một nhóm dẫn đầu bởi công ty nhà nước China Resources Holdings đã chào giá 2,5 tỷ USD cho Fairchild Semiconductor International, một công ty Mỹ. Dẫu vậy, Thanh Hoa vẫn là hãng dẫn đầu trong việc thâu tóm các hãng chip nước ngoài.

"Nhiều người nghĩ rằng tôi là tay sai của chính phủ", Zhao chia sẻ, "nhưng thực sự chúng tôi chỉ là một công ty có định hướng thị trường tốt". Tuy vậy, ông Zhao không thể phủ nhận sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc cho công ty của ông. Nếu không có sự hỗ trợ trên, Thanh Hoa chẳng thể nào có 45 tỷ USD để tiếp tục các giao dịch khác trong 5 năm tiếp theo như kế hoạch mà ông Zhao chia sẻ.

Phương pháp tiếp cận các hãng bán dẫn nước ngoài của Trung Quốc, khác với hoạt động thâu tóm các thương hiệu tiêu dùng nước ngoài của các hãng, đôi khi không được đón nhận nồng nhiệt.

Năm ngoái, đề nghị mua lại với giá 23 tỷ USD của Thanh Hoa dành cho Micron, hãng sản xuất chip nhớ DRAM cho máy tính và máy chủ lớn nhất tại Mỹ, đã bị từ chối do vấn đề chính trị. Đề nghị mua lại hãng sản xuất chip DRAM của Hàn Quốc là SK Hynix cũng bị từ chối trong tháng 11.

Trong tháng 12, Thanh Hoa đã mua lại 25% cổ phần của Siliconware Precision Industries (SPIL), một hãng đóng gói và kiểm tra chip của Đài Loan. Cùng trong tháng đó, do lo ngại các vấn đề chính trị, Advanced Semiconductor Engineering (ASE), một hãng đóng gói chip lớn khác tại Đài Loan, đã tiến hành những nỗ lực nhằm thâu tóm SPIL.

Tsai Ing-wen, một ứng cử viên của đảng đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, đã tuyên bố khoản đầu tư của Trung Quốc vào các hãng chip trên hòn đảo này là một mối đe dọa rất lớn. Nhờ tuyên bố này, trong ngày bỏ phiếu tổng thống 16/1, bà Tsai Ing-wen đã dành chiến thắng.

Bài học từ Đài Loan

Chúng ta có thể nhìn vào Đài Loan để đánh giá xem liệu Trung Quốc sẽ thực hiện được tham vọng của mình hay tiếp tục phụ thuộc vào công nghệ chip nước ngoài. Từ những năm 1980, Đài Loan đã rất thành công trong việc phát triển các xưởng đúc chip đẳng cấp thế giới chẳng hạn như TSMC và việc đi đầu trong thiết kế chip như MediaTek.

Nhưng một phần thành công của Đài Loan có được nhờ phát triển đúng thời điểm mà ngành công nghiệp chip chuyển hướng sang mô hình tách biệt thiết kế và chế tạo chip. Đài Loan đi đầu xu hướng này.

Nhưng những nỗ lực trong thời gian gần đây của quốc đảo này trong lĩnh vực chip nhớ thực sự là thảm họa. Tính toán của nhà phân tích Mark Li, mặc dù đã nhận được tới 50 tỷ USD - chủ yếu là tài trợ từ chính phủ - trong những năm 1990 và 2000 nhưng các công ty Đài Loan đã thất bại hàng loạt trong lĩnh vực bộ nhớ chip.

Các doanh nghiệp này tiếp tục thua lỗ khi theo đuổi thị phần. Từ năm 2001 tới năm 2010, ngành kinh doanh bộ nhớ chip toàn cầu đạt tổng mức lợi nhuận 8 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ có hai hãng sản xuất Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix làm ăn có lãi.

Các hãng khác lỗ gần 13 tỷ USD. Mặc dù chi tiêu quá rộng lớn nhưng theo ông Li, các công ty Đài Loan chi quá ít nên không thể tiếp cận ranh giới thay đổi và họ kỳ vọng lợi nhuận quá sớm.

Douglas Fuller, Đại học Chiết Giang - Hàng Châu, cho rằng sự tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong những năm gần đây sẽ khiến Trung Quốc khó thực hiện tham vọng hơn. Những hãng dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip bộ nhớ đã trở thành cố hữu nhất là sau những vụ sáp nhập gần đây.

Và các con chip cùng các phần mềm liên quan cũng trở nên phức tạp hơn nhiều khiến các công ty Trung Quốc khó nắm vững quy trình sản xuất hơn. CEO của ASE, Tien Wu, cho biết thêm rằng các công ty Đài Loan thành công khi xâm nhập vào thị trường tại thời điểm nền kinh tế phát triển bùng nổ nên sẽ khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Trung Quốc nếu muốn thành công trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm như hiện tại.

Ba thách thức cần giải quyết

Lee Wai Keong, giám đốc ASM Pacific Technology, chia sẻ rằng nếu muốn thành công, các hãng chip hàng đầu Trung Quốc phải giải quyết được ba thách thức. Thứ nhất, các doanh nghiệp Trung Quốc phải chuyển từ một nền văn hóa quan tâm tới mức giá sang nền văn hóa của sự đổi mới.

Anh cho rằng không có đường tắt trong công nghệ bán dẫn, những hãng như Thanh Hoa không thể làm chủ những công nghệ tiên tiến bằng các thâu tóm các công ty khác. Rào cản chính sách xuất khẩu và chính trị tại Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ sẽ ngăn cản việc chuyển giao các công nghệ mới nhất cho các hãng Trung Quốc.

Đa số các hãng chip đại lục tụt hậu khá xa so với các hãng trên thế giới về sáng chế ngoại trừ một trường hợp duy nhất là HiSilicon. Chỉ riêng Intel đã dành cho nghiên cứu và phát triển số tiền nhiều gấp bốn lần so với toàn bộ ngành công nghiệp chip Trung Quốc.

Bên cạnh đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, các công ty Trung Quốc cũng cần phải thu hút nhiều nhà khoa học và kỹ sư có kinh nghiệm. Đây không phải là điều không thể bởi Silicon Valley có rất nhiều nhân tài cho Trung Quốc khai thác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc như Thanh Hoa sẽ phải học các đổi mới toàn cầu nếu muốn thu hút họ. Ví dụ như triển khai nhiều trung tâm R&D trên khắp thế giới.

Điều này dẫn chúng ta tới thách thức thứ hai: cần phải có suy nghĩ toàn cầu. Cho tới nay, các công ty Trung Quốc chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang bùng nổ trong nước. Nhưng họ phải chuẩn bị cho nhu cầu của cả thị trường toàn cầu. Họ phải làm hài lòng người dùng, đập tan định kiến "Made in China" đồng nghĩa với hàng kém chất lượng trong lòng người dùng.

Thách thức cuối cùng có thể là khó khăn nhất. Các nhà đầu tư vào các công ty chip tại Trung Quốc cần phải chuẩn bị tinh thần cho một chặng đường dài vất vả, khó khăn. Phân tích của McKinsey cho thấy trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong chip bộ nhớ hoặc chip xử lý và trong thiết kế, chế tạo hoặc đóng gói chip, một hoặc hai công ty hàng đầu nắm giữ toàn bộ lợi nhuận trong khi các công ty còn lại làm ăn thua lỗ.

Đầu tư dài hơi

Để tránh lãng phí 150 triệu USD, các hãng chip Trung Quốc có thể nhìn vào Samsung. Gã khổng lồ Hàn Quốc đã trở thành ông lớn trong ngành bán dẫn bằng cách đầu tư mạnh vào R&D, tích lũy một loạt tài năng kỹ thuật và chấp nhận lợi nhuận thấp trong nhiều năm. Thực tế, các công ty Trung Quốc có thể tận dụng điều này khi coi chính phủ là nhà đầu tư và ưu tiên phát triển chiến lược chứ không phải vì lợi nhuận.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng các công ty Trung Quốc vẫn có cơ hội dẫn đầu thế giới trong một số phần của ngành công nghiệp bán dẫn. Các công ty chip địa phương sẽ có ưu thế mạnh mẽ trong các sản phẩm tiêu dùng như TV, điện thoại di động và máy tính, những sản phẩm mà Trung Quốc chiếm ưu thế về cả sản xuất và tiêu thụ.

Các quan chức quản lý có thể tung ra các bộ luật có lợi cho các hãng quê nhà. Mặc dù những chính sách đó có thể khiến các doanh nghiệp mạnh lên tại Trung Quốc nhưng sức cạnh tranh quốc tế của họ sẽ bị suy yếu.

Trong lĩnh vực chip nhớ, cả DRAM và flash, các hãng Trung Quốc sẽ được tăng sức mạnh nếu họ thuyết phục được các hãng lớn ở nước ngoài hình thành các liên minh chia sẻ công nghệ. Tranh thủ sự giúp đỡ của hãng này để vượt qua các chính sách tránh chuyển giao công nghệ mà các nước khác áp đặt lên chính phủ Trung Quốc.

Để thực hiện tốt quá trình này, các hãng Trung Quốc cần có những chiếc túi sâu và luôn đầy ắp tiền. Trong tháng Chín, Thanh Hoa đã đồng ý bớm 3,8 tỷ USD cho Western Digital, một hãng sản xuất ổ cứng của Mỹ. Ngay sau đó, Western Digital đã mua lại đối thủ SanDick với giá 19 tỷ USD. SanDick cũng là một công ty Mỹ và là một trong số công ty hàng đầu thế giới về bộ nhớ flash.

Trong quá khứ, Trung Quốc chẳng thành công lắm trong việc cố gắng tạo ra những hãng hàng đầu quốc gia. Trong ngành công nghiệp xe hơi, nỗ lực của chính phủ nhằm giúp các công ty trong nước học hỏi kinh nghiệm từ các công ty nước ngoài thông qua các liên doanh chỉ khiến các công ty trong nước ngày càng phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.

Trong lĩnh vực sản xuất máy bay thương mại, tập đoàn hàng không vũ trụ nhà nước, COMAC, đã phát triển máy bay trong nhiều năm, tiêu tốn rất nhiều tiền mà vẫn chưa thể tung sản phẩm ra thị trường. Thậm chí, sản phẩm của hãng này khi ra mắt còn có nguy cơ bị lỗi thời.

Trong một vài phần khác của ngành vi mạch, các công ty Trung Quốc có thể sẽ bắt kịp thế giới nhưng họ sẽ làm suy yếu ngành công nghiệp toàn cầu như đã từng làm với tấm năng lượng mặt trời thông qua việc sản xuất quá nhiều sản phẩm.

Ông Li nhận định: "Trung Quốc sẽ không dừng lại cho tới khi nó chiếm ưu thế trên thị trường khhi mà giá trị và nền kinh tế bị phá hủy". Chủ tịch Zhao không hề nao núng. "Ngành chip đang bước vào kỷ nguyên của những gã khổng lồ, đẩy mạnh sự hội nhập". Rõ ràng, với tuyên bố này, Zhao muốn công ty của ông là một trong số ít những gã khổng lồ còn sống sót.

Cùng chuyên mục
XEM