Các công ty công nghệ Trung Quốc đã hết "mặn mà" với nước Mỹ?
Đang có một làn sóng hồi hương của các công ty công nghệ Trung Quốc....
Có một thực tế là các hãng công nghệ Trung Quốc đang cạn dần "tình cảm" với nước Mỹ. Bằng chứng là số lượng các công ty có kế hoạch rời khỏi sàn chứng khoán New York để quay trở về đại lục càng ngày càng tăng lên.
Nhiều nhà quản lý công nghệ cao đến từ Trung Quốc đang đặt cược vào thị trường chứng khoán nước này, nơi cổ phiếu công nghệ được định giá cao hơn và ẩn chứa dấu hiệu có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Một cuộc di cư của các hãng công nghệ Trung Quốc sẽ làm mất đi một khoản lợi nhuận vô cùng lớn đối với công ty môi giới tại phố Wall. Trong năm ngoái, tổng giá trị giao dịch 25 tỷ USD của riêng "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba - thương vụ IPO lớn nhất thế giới - đã mang lại khoản phí giao dịch lên tới 300 triệu.
Những con số thật khó mà cưỡng lại được. Chỉ số tổng hợp ChiNext ngành công nghệ Trung Quốc đã tăng 180% trong năm nay, bỏ xa mức tăng trưởng 30% của chỉ số OMX China Technology (tổng hợp các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết trên sàn Nasdaq).
Các hãng công nghệ niêm yết trên sàn Nasdaq có thị giá cổ phiếu gấp 11 lần lợi nhuận, trong khi ở ChiNext, con số này là 133 lần. Có những tranh cãi nói rằng tỷ lệ này không chính xác, nhưng lãnh đạo của các công ty Trung Quốc cho rằng nước Mỹ luôn gây khó dễ cho họ.
"Các nhà đầu tư Mỹ không hiểu rõ mô hình kinh doanh của các công ty game Trung Quốc", một lãnh đạo cấp cao giấu tên của một công ty đang lên kế hoạch rời bỏ sàn New York để quay về Trung Quốc cho biết.
Đầu năm nay, hai hãng game Trung Quốc đang niêm yết trên sàn New York là Shanda và Perfect World nói rằng họ sẽ hủy niêm yết, trong khi công ty cung cấp dịch vụ "hẹn hò online" Jianyuan.com và công ty nghiên cứu dược Wuxi Pharmatech cũng nói rằng họ đang cân nhắc đến điều này.
Các nhà phân tích dự báo làn sóng hủy niêm yết sẽ ngày càng lan rộng sang các công ty Trung Quốc khác, cùng với đó danh sách các công ty đăng ký niêm yết trên sàn New York cũng ngày càng ít đi.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đang gấp rút chuẩn bị các biện pháp tài chính để hỗ trợ cho các công ty hồi hương. Ngân hàng đầu tư China Renaissance đã hợp tác với Citic Securities để gây quỹ nhằm hỗ trợ hủy bỏ niêm yết và bảo lãnh phát hành danh sách mới ở Trung Quốc.
Trong khi đó, công ty Tư vấn quản lý Shengjing cũng thành lập một quỹ riêng để hỗ trợ khoảng 100 công ty Trung Quốc có ý định hồi hương.