Ngành ngân hàng sắp có những Uber và Airbnb?

15/12/2015 10:32 AM | Công nghệ

Uber và Airbnb là những cái tên đã làm thay đổi gần như toàn bộ các mô hình kinh doanh cũ trong lĩnh vực vận tải, du lịch và bất động sản. Điều này mở ra một hy vọng rằng sớm hay muộn cũng sẽ có một công ty với những công nghệ và mô hình sáng tạo có thể thay đổi hoàn toàn ngành tài chính.

Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng như xu hướng của người tiêu dùng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty đang gặp phải, dù họ hoạt động trong ngành nào đi chăng nữa. Điều này đặc biệt đúng với những công ty đã thành lập lâu năm, vì họ phải kết hợp các nội dung sáng tạo đổi mới với các nền tảng đang tồn tại để tạo ra lợi nhuận.

Một số lĩnh vực, mà điển hình là bán lẻ, đã có những tiến bộ rất lớn trong việc tận dụng những thay đổi này. Chúng ta đã được chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể của Amazon với sự biến đổi không ngừng nghỉ.

Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, có sự cạnh tranh quyết liệt giữa một bên là những chuỗi khách sạn, nhà nghỉ truyền thống và một bên là sự ra đời của Airbnb.

Kinh doanh khách sạn vốn là lĩnh vực từng và luôn được thống trị bởi các ông lớn như Hilton hay Starwood. Tuy nhiên, Airbnb đang đem đến khá nhiều phiền toái cho các ông lớn này. Dù mới chỉ đang bắt đầu thâm nhập phân khúc nhà nghỉ, phòng trọ trung cấp trở xuống, Airbnb lại cực kỳ thành công. Chỉ với khoảng 600 nhân viên, nhưng trang web của họ lại có trên 1 triệu lượt đăng tải các bất động sản cho thuê, và với quy mô như vậy thì quy mô của Airbnb còn lớn hơn cả những chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới hiện nay.

Tất nhiên, dịch vụ mà Airbnb cung cấp cho tới giờ vẫn khác xa so với những dịch vụ cao cấp, nhưng giả sử nếu Airbnb cũng cung cấp những dịch vụ như giúp việc, lau dọn phòng hay cung cấp cả thực phẩm cho những người thuê nhà, thuê phòng, công ty này hoàn toàn có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ truyền thống. Trước khi Airbnb phát triển tới mức này thì rất ít người có thể hình dung về một mô hình kinh doanh mang tính cách mạng đến như vậy.

Nhờ vào sự đổi mới công nghệ, cùng việc nắm bắt hành vi theo định hướng của phát triển sở thích của người tiêu dùng, chỉ trong 6 năm Airbnb đã phát triển thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ cho thuê phòng lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Airbnb làm được điều này mà không cần phải xây dựng hay phải quản lý bất cứ bất động sản nào. Theo báo cáo từ Airbnb, thì chỉ riêng trong quý II năm nay, đã có tới 17 triệu người sử dụng dịch vụ mà Airbnb cung cấp.

Trong khi đó, ngành tài chính vẫn đang ở giai đoạn rất sớm của quá trình chuyển đổi này. Những doanh nghiệp mới – với những công nghệ tiên tiến, cách làm cực kỳ mới mẻ vẫn đang cạnh tranh một cách khó khăn và quyết liệt với các công ty truyền thống trong lĩnh vực tài chính để có được một chỗ đứng đủ chắc cho riêng mình. Cho vay ngang hàng, hay còn có tên gọi khác là P2P (Peer-to-peer) chính là một trong những mô hình như vậy.

Là mạng lưới kết nối những người có nhu cầu vay tiền với người cho vay, mô hình cho vay P2P áp dụng những cách tiếp cận mang tính toàn diện và sâu rộng tới điều kiện tài chính của từng cá nhân một, đánh giá nhu cầu của người muốn cho vay và người đi vay để đưa hai nhóm đối tượng này đạt được những lợi ích chung tốt nhất, giảm thiểu chi phí đáng kể so với các nền tảng liên kết truyền thống tương tự trong lĩnh vực tài chính. Mức độ tín nhiệm và bảo hiểm rủi ro là những điểm yếu của mô hình này, nhưng giới phân tích tin tưởng rằng chúng sẽ hoàn toàn có thể được giải quyết trong tương lai không xa.

Sau khi bị lấn lướt, vượt mặt, các công ty lâu đời cũng đang bắt đầu tìm cách đối phó. Ra đời từ năm 1996, Expedia mới đây đã bỏ ra 4 tỷ USD để mua lại HomeAway – trang web cung cấp dịch vụ cho thuê nhà nghỉ du lịch - để cạnh tranh lại với Airbnb. Và một ông lớn khác là Priceline cũng không chịu đứng ngoài cuộc chiến này khi đang cố gắng nhảy vào cuộc chơi mô hình kinh doanh mới thông qua liên kết với trang Booking.com.

Đối với lĩnh vực tài chính, tương tác với nhau và kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại là bí quyết để cả hai bên có thể cùng nhau phát triển. Sự kết hợp càng trở nên quan trọng hơn khi đây là ngành đòi hỏi phải có sự đảm bảo rủi ro cao cho khách hàng chứ không đơn thuần chỉ là bán đứt một dịch vụ.

Sự giao thoa này có thể xảy ra theo ba cách: tự điều chỉnh, thích nghi, tận dụng, học hỏi điểm hay của nhau, phá vỡ những kiểu tư duy giáo điều, truyền thống vốn đang ngăn cản những suy nghĩ đột phá; các công ty truyền thống thâu tóm những công ty mới trong khi vẫn tôn trọng, giữ lại những tiến bộ, sáng tạo công nghệ mới; và cách khả thi nhất có lẽ là sẽ có sự hợp tác giữa những công ty truyền thống với các công ty công nghệ mới, để hướng tới mục đích chung là mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

Người tiêu dùng có thể sẽ chưa thể cảm nhận rõ ràng tin vui mà những thay đổi này mang lại, nhưng cho dù trong bất cứ lĩnh vực nào, từ cho thuê bất động sản, bán lẻ, vận tải đến dịch vụ tài chính, thì sự kết hợp thông minh giữa sáng tạo và truyền thống sẽ cung cấp cho người tiêu dùng những dịch vụ có chất lượng vượt trội và đặc biệt lại ở mức chi phí cực kỳ thấp.

Theo Thu Hằng

Cùng chuyên mục
XEM