Uber làm thay đổi cả thị trường lao động
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), ngành công nghiệp chia sẻ, như Uber không chỉ thay đổi lĩnh vực vận tải mà còn ảnh hưởng đến lực lượng lao động toàn cầu. Cách đây 4 năm, Uber không hề có một nhân viên nào vậy mà hiện nay, hãng đã có tới 400.000 tài xế cộng tác.
Trong khi Uber đang làm thay đổi ngành taxi và được nhiều khách hàng ủng hộ, ngày càng nhiều tài xế trở thành những nhân viên hợp đồng độc lập chứ không làm cố định cho một công ty. Đây là một thông tin tốt với Uber khi luôn có sẵn lực lượng lao động và chỉ trả tiền cho những “nhân viên” này khi nào có nhu cầu.
Tuy nhiên, các quan chức và công đoàn nhiều nước lại lo ngại các tài xế đang từ bỏ những quyền lợi khi làm nhân viên chính thức của một doanh nghiệp, như ngày nghỉ phép có lương hay các bảo hiểm y tế.
Rõ ràng, luật lao động tại nhiều nước nói chung và tại Mỹ nói riêng đã không theo kịp được nhu cầu thay đổi của hoạt động kinh doanh cũng như lực lượng lao động ngày nay. Tờ WSJ cho rằng có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần có quy định mới về nền kinh tế chia sẻ cũng như các bộ luật bảo vệ nhân viên làm việc trong lĩnh vực này.
Lịch sử đã cho thấy, tiến bộ kỹ thuật có thể thay đổi nền kinh tế cũng như thị trường lao động. Thời kỳ trước cuộc cách mạng công nghiệp, những người nông dân và các thợ thủ công lành nghề làm chủ thị trường lao động Mỹ.
Tuy nhiên, tiến bộ khoa học công nghệ đã loại bỏ dần vai trò chủ chốt của những người thợ thủ công lành nghề trong khi các nhà máy cần những công nhân làm việc dài hạn hơn là thời vụ. Đáp ứng nhu cầu đó, những người nông dân đổ về thành thị làm công nhân dài hạn và bỏ lại đồng ruộng, trang trại phía sau.
Vào thời kỳ đó, công nghệ và cách quản lý là những yếu tố chủ chốt để phát triển công ty. Chuyên gia kinh tế Ronald Coase đã chứng minh rằng độ lớn của một công ty phụ thuộc vào khả năng thu hút hiệu quả các yếu tố đầu vào, bao gồm lực lượng lao động. Kết quả là các nhà máy lớn đua nhau tuyển thêm công nhân và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến chính phủ Mỹ phải ban hành Luật lao động vào năm 1938, trong đó quy định những điều khoản như mức lương tối thiểu, tiền làm thêm giờ.
Trong những thập kỷ gần đây, xu thế thuê ngoài và sự phát triển của công nghệ đã khiến công ty dễ dàng thực hiện các mục tiêu mà không cần phải tự mình làm. Để thích ứng với điều kiện đó, ngày càng nhiều lao động Mỹ muốn công việc bán thời gian hay không có thời gian làm cố định dù vẫn hoàn thành mục tiêu. Hiện khoảng gần 1/3 lực lượng lao động tại Mỹ hiện nay đang làm việc dưới tình trạng này.
Trở lại vấn đề với Uber, hãng đã kết nối được nhu cầu đi xe của khách hàng và tình trạng dư thừa thời gian của nhiều tài xế. Điều mà Uber càn làm chỉ là kết nối thông tin giữa khách hàng và tài xế mà không cần thuê xe hay nhân viên lái xe. Ngoài ra, một tài xế hoạt động cho Uber có thể làm việc như thế nào tùy thích mà không cần cố định thời gian.
Giáo sư Seth Harris của trường đại học Cornell và chuyên gia kinh tế Alan Krueger của đại học Princeton cho rằng những nhân viên này khác rất nhiều so với phân loại về lực lượng lao động truyền thống. Nguyên nhân chính là những lao động này có thể làm việc theo ý muốn mà không bị giới hạn bởi quy định nào cả.
Hai chuyên gia này cũng nêu lên những rắc rối khi thị trường có loại lao động mới. Liệu Uber có nên trả lương cho các tài xế vì khoảng thời gian chờ hãng kết nối với khách hàng? Liệu có nên quy định mức lương tối thiểu cho tài xế làm cho Uber? Liệu tài xế lái xe cho đối thủ Lyft có vi phạm luật cạnh tranh khi làm cho Uber?
Cả Harris và Krueger đều đề xuất rằng chính phủ Mỹ cần có quy định mới cho những nhân viên này. Họ không nhất thiết phải tuân theo hoàn toàn các quy định của Luật lao động Mỹ nhưng vẫn có thể hưởng một số lợi ích đáng có đối với người lao động.
Các tài xế Uber tụ họp vào tháng 9/2015 để nghe phổ biến về quy định của công ty tại bang Massachusetts.
Ví dụ, những nhân viên này không cần phải có bồi thường khi thôi việc hay có mức lương tối thiểu vì điều này không phù hợp với nền kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, các tài xế taxi vẫn cần phải có bảo hiểm và đóng thuế thu nhập.
Rõ ràng, các công ty như Uber đang thực hiện mô hình kinh doanh mới và chính phủ không thể dùng quy định cho các mô hình cũ để áp đặt cho ngành kinh tế mới này. Tờ WSJ cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên mở rộng quy định cho lực lượng lao động ngày nay trước sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu của thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.