Khi Amazon tranh đấu với Alibaba tại Ấn Độ, thì…

22/10/2015 15:54 PM | Công nghệ

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của điện thoại di động có khả năng truy cập Internet, Ấn Độ giờ là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Ấn Độ từ lâu là nơi cung cấp những tài năng hiếm có cho những hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ. Còn những doanh nghiệp Ấn Độ thì quá nổi tiếng trong ngành gia công phần mềm – một trong những nguồn lực xuất khẩu chính của quốc gia này.

Nhưng trong nhiều năm qua, Ấn Độ là một thị trường còn “nguyên sơ” mà nhiều doanh nghiệp công nghệ còn chưa động tới. Và giờ điều đó đang thay đổi. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của điện thoại di động có khả năng truy cập Internet, Ấn Độ giờ là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Không chỉ ngành bán lẻ ở quốc gia này còn manh mún mà để có một chuyến đi tới các trung tâm thương mại thực sự là một thử thách do vấn nạn tác đường triền miên. Và đó là điều kiện thuận lợi để thương mại điện tử tại đây dễ dàng nảy nở.

Và hai hãng thương mại điện tử địa phương, Flipkart và Snapdeal, đang ganh đua để trở thành người dẫn dầu thị trường. Flipkart hiện là hãng có lợi thế người đi trước nhờ được thành lập vào năm 2007 bởi Sachin Bansal và Binny Bansal, hai kỹ sư phần mềm từng làm việc cho Amazon.

Do khởi đầu sớm hơn mà Flipkart cần nhiều thời gian xây dựng mạng lưới phân phối riêng và danh tiếng dịch vụ của mình. Và hãng này cũng đi tiên phong dịch vụ giao hàng tại nhà (COD) cho phần lớn dân cư Ấn Độ - nơi mọi người không có thói quen sử dụng thẻ thanh toán.

Còn Snapdeal được thành lập vào năm 2010 dưới mô hình bán phiếu giảm giá trực tuyến, nhưng nhờ có chuyến đi tới Trung Quốc vào năm 2011, hãng này đã thay đổi chiến lược kinh doanh. Những người sáng lập, Kunal Bahl và Rohit Bansal đã thấy cách Alibaba phát triển mạnh mẽ như một nền tảng bán hàng trực tuyến. Không giống như Amazon hay Flipkart, Snapdeal bỏ ít vốn vào hàng hóa và kho.

Ông chủ Snapdeal cho rằng nếu sở hữu những gì mình bán thì sẽ luôn có giới hạn, vì thế tạo ra một “cái chợ” cho người mua và người bán gặp gỡ sẽ giúp hãng này mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Nhược điểm của chiến lược này là dịch vụ kém của người bán có thể ảnh hưởng tới uy tín của Snapdeal. Nhưng hãng này cho biết rất cẩn trọng trong việc sàng lọc người bán, cộng với đánh giá của người mua hàng mà vì thế có thể giảm được rủi ro.

Theo cách nào đó, chiến lược của hai đối thủ thương mại điện tử tại Ấn Độ đang hội tụ. Trong khi Flipkart cho phép cạnh tranh giữa người bán trên nền tảng thương mại điện tử của mình; thì Snapdeal đang đầu tư vào một công ty logistics – Gojavas nhằm hỗ trợ khâu giao hàng cuối. Khi mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn, cuộc chiến thương mại điện tử tại Ấn Độ có thể được quyết định có khi chỉ nhờ những thứ rất đơn giản như ứng dụng của ai dễ dàng và thú vị hơn khi sử dụng.

Thương mại điện tử vẫn còn rất khiêm tốn tại Ấn Độ. Cả Flipkart hay Snapdeal đều chưa có lợi nhuận. Mặc dù vậy, Flipkart được định giá khoảng 15 tỷ USD hồi tháng 05 vừa qua. Trong khi Snapdeal được định giá ở mức 5 tỷ USD sau vòng huy động vốn mới nhất vào hồi tháng 08.

Hiện tại phần lớn người dân ở quốc gia 1,25 tỷ người này chưa thể truy cập vào Internet. Tuy nhiên, tỷ lệ người dùng điện thoại di động thông minh ngày càng tăng cao, nhờ giá thiết bị ngày càng giảm. Và chi phí sử dụng một chiếc điện thoại di động như vậy ở Ấn Độ rẻ hơn hầu hết mọi nơi.

Bên cạnh đó, dân số trẻ cũng là một động lực đáng kể để tăng nhanh lượng mua sắm bằng điện thoại thông minh. Hai năm trước đây, điện thoại di động chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu của Snapdeal, nhưng giờ đây con số đã lên tới 75% và vẫn đang tăng. Và cũng chẳng có gì bất ngờ khi những doanh nghiệp công nghệ cao đầy kinh nghiệm ở thung lũng Silicon và các nhà đầu tư mạo hiểm đang tỏ ra ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Ấn Độ.

Ngọc Quân

Cùng chuyên mục
XEM