Hộp đen hoạt động thế nào và 'sống sót' ra sao sau những vụ tai nạn máy bay kinh hoàng?
Chịu được gia tốc gấp 3.400 trọng trường Trái đất, 1 giờ ở nhiệt độ 1.100°C và 1 tháng dưới độ sâu hơn 9km.
Tin tức mới nhất từ Australia cho hay, các nhà chức trách nước này đang điều tra các mảnh vỡ tìm được ở phía nam Ấn Độ Dương được nghi là mảnh vỡ từ chiếc máy bay mất tích MH370. Người ta hi vọng từ đây sẽ xác định được vị trí của chiếc Boeing 777, cũng như hộp đen của nó để biết điều gì đã xảy ra trên chuyến bay xấu số này.
Hộp đen được đưa vào sử dụng từ những năm 1950 bởi hãng Boeing. Khi đó chúng đã có vai trò tương tự như ngày nay: (1) Ghi lại những gì đã xảy ra trên máy bay; và (2) có thể tồn tại sau một vụ tai nạn để giúp các điều tra viên tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Ngày nay, các máy bay đều được trang bị 2 thiết bị, gồm Thiết bị Ghi lại dữ liệu chuyến bay (Flight Data Recorder - FDR) và Thiết bị Ghi âm giọng nói tại buồng lái (Cockpit Voice Recorder - CVR).
FDR (Flight Data Recorder) theo dõi một loạt các thông số, gồm có tốc độ, độ cao, sức mạnh động cơ và hệ thống điều khiển máy bay. Nếu có vấn đề gì xảy ra làm thay đổi cách máy bay đang vận hành, FDR sẽ ghi lại.CVR (Cockpit Voice Recorder) có chức năng ghi âm lại tiếng nói của phi công, kiểm soát viên không lưu và tiếng ồn trong buồng lái.
Tất cả các thông tin đó sẽ cho thấy sự khác biệt giữa thực tế xảy ra trên các chuyến bay gặp nạn với những hiểu biết đã có, từ đó đảm bảo rằng chuyện tương tự sẽ không xảy ra lần nữa.
Một điều tra viên đang xem xét dữ liệu ghi lại từ hộp đen chiếc máy bay 214 của hãng hàng không Asiana, gặp nạn tại San Francisco vào tháng 7 năm 2013.
Để chắc chắn các điều tra viên có thể nhận được các thông tin trên máy bay, cả FDR và CVR đều có sức bền vô cùng tuyệt vời.
Theo Cục Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân Dụng Pháp (BEA), FDR và CVR đều có thể chịu được:
- Gia tốc lên đến 3.400 gia tốc trọng trường (gấp 3.400 trọng lực của Trái đất).- Một giờ ở nhiệt độ lên đến 1.100°C ( 2.012°F).- Một tháng trong nước ở độ sâu đến 6 dặm (sâu hơn 9.600 mét)
Không ngạc nhiên gì khi các thiết bị này vẫn 'sống sót' gần như 100% các vụ tại nạn. Các thiết bị hộp đen tìm được trên chiếc máy bay Air France 447 gặp nạn và rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009, đã được tìm thấy 2 năm sau đó và vẫn hoạt động tốt.
Các phi công không thể vô hiệu hóa các hộp đen, theo Steve Abdu, cơ trưởng một máy bay Boeing 777. Đó là tin tốt với những người cho rằng có người trong phi hành đoàn MH370 đã tấn công chiếc máy bay và vô hiệu hóa hệ thống thông tin liên lạc của máy bay để che giấu hành động của họ.
FDR và CVR trong hộp đen cũng được thiết kế để dễ dàng tìm thấy sau tai nạn. Chúng được sơn màu cam sáng, chứ không phải màu đen.
Phần hộp đen tìm được của chiếc máy bay Air France 447 dưới Đại Tây Dương.
Khi gặp tai nạn trên biển, mỗi thiết bị đều được gắn với một máy định vị dưới nước, sẽ phát ra sóng xung mà các thiết bị phát hiện tàu ngầm cách đó đến 2 hải lý có thể phát hiện được.
Chúng có thể hoạt động tốt trong 30 ngày, dưới độ sâu 20.000 feet (6 km). Cần chú ý là độ sâu trung bình của Ấn Độ Dương vào khoảng 13.000 feet (4 km). Và dù có bị đào hào sâu gấp đôi đến 26.000 feet (gần 8 km) thì cũng không làm khó được với các thiết bị trong hộp đen.
Bởi vậy nếu các mảnh vỡ được phát hiện ngoài khơi ở Australia thực sự là mảnh vỡ từ chiếc máy bay mất tích của Malaysia, công cuộc tìm kiếm hiện nay sẽ có cơ sở chắc chắn để tìm ra chiếc hộp đen.
Tuy nhiên vẫn có một trường hợp xấu. Các thiết bị FDR có thể ghi lại dữ liệu đến 25 giờ đồng hồ nhưng CVR chỉ lưu trữ được 2 tiếng ghi âm (2 tiếng cuối cùng trước khi máy bay rơi xuống nước). Các vụ tai nạn 'điển hình' phần nhiều chỉ diễn ra với thời gian chóng vánh. Nhưng nếu chuyến bay MH370 bị bắt cóc hoặc các phi công bị khống chế, khiến chiếc máy bay bay tự động nhiều giờ trước khi gặp tai nạn, thì các điều tra viên có thể sẽ không có được các thông tin quan trọng được ghi âm trong buồng lái.
Kiến Anh
Theo BusinessInsider
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!