CEO John Chen: BlackBerry đang bị "phân biệt đối xử"

25/01/2015 17:00 PM | Công nghệ

Hiện nay, những ứng dụng nổi tiếng như iMessage hay Netflix chỉ chạy được trên một hoặc hai nền tảng hệ điều hành. Song, theo CEO của BlackBerry, điều này phải được thay đổi trong tương lai.

Qua năm 2014, người yêu công nghệ toàn cầu đã chứng kiến sự "hồi sinh" đáng kinh ngạc của BlackBerry nhờ những đường lối cùng cách tiếp cận kinh doanh mới, chú trọng tới phần mềm và dịch vụ hơn, đáng chú ý là việc đưa BlackBerry Message (BBM) lên các nền tảng như iOS, Android hay Windows Phone.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì nhiều dịch vụ vẫn chưa xuất hiện trên nền tảng BlackBerry. Có lẽ đó là lý do khiến John Chen (CEO BlackBerry) bức xúc, như ông viết trên blog:

"Chúng tôi cho phép người dùng iPhone có thể tải về và sử dụng dịch vụ BBM (BlackBerry Message) của mình. Song Apple thì không như vậy, họ không cho những khách hàng khác hệ điều hành sử dụng dịch vụ của họ. Còn với Netflix, dù được biết đến như một hãng trung lập, song họ lại phân biệt đối xử với người dùng BlackBerry bằng cách từ chối cung cấp dịch vụ phim trực tuyến tới khách hàng BlackBerry. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều những nhà sản xuất khác chỉ cung cấp dịch vụ duy nhất cho người dùng Android hoặc iOS".

Dễ thấy, những lập luận của Chen gắn liền với cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết về "tính trung lập của Internet". Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, các nhà cung cấp Internet không được phép phân biệt đối xử và ưu tiên lưu lượng đường truyền cho bất cứ một dịch vụ nhất định nào. Theo Chen, những quy tắc này cần phải mở rộng hơn nữa, những ứng dụng điện thoại phổ biến không nên chỉ khả dụng với chủ sở hữu các thiết bị nhất định.

Người đứng đầu BlackBerry còn cho biết thêm, "chính những sự phân biệt này đã tạo ra 2 "giai cấp" hệ sinh thái. Ở nơi đó, người dùng iOS và Android luôn là người được ưu tiên truy nhập tới nhiều nội dung và ứng dụng hơn tất cả các khách hàng của những hệ điều hành khác".

"Sự trung lập phải được xác lập ngay từ lớp nội dung và ứng dụng, nếu chúng ta thực sự "mơ ước" về một thế giới Internet miễn phí, rộng mở và bình đẳng với mọi người", Chen viết.

Tuy nhiên, liệu Apple có chịu từ bỏ để chia sẻ yếu tố đang tạo nên thương hiệu và sức hút của mình (iMessage cho phép người dùng iOS nhắn tin miễn phí với nhau). Hay các nhà phát triển sẽ dành thêm nhiều ngân sách và thời gian để phát hành những phiên bản ứng dụng khác cho các hệ điều hành "nhỏ" như BB và Windows Phone hay không? Đây vẫn là một vấn đề rất nan giải chưa có lời giải đáp.

>> Samsung mua BlackBerry: Tại sao không?

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM