BlackBerry ‘chê’ số tiền Samsung ngỏ ý thâu tóm?
Samsung chào mời giá mua lại BlackBerry ở mức 13,35 – 15,49 USD/cổ phiếu, chênh lệch 38 – 60% so với giá thị trường của cổ phiếu BlackBerry hiện tại. Với mức chào mua như vậy, giá trị của BlackBerry sẽ vào khoảng 7,1 tỷ USD.
Vào ngày hôm qua, tờ Reuters đưa tin Samsung và BlackBerry đang tiến hành các cuộc đàm phán thâu tóm. Theo đó, hãng công nghệ Hàn Quốc chào mời mua lại BlackBerry ở mức giá từ 13,35 – 15,49 USD/cổ phiếu, chênh lệch 38 – 60% so với giá thị trường của cổ phiếu BlackBerry hiện tại. Với mức chào mua như vậy, giá trị của BlackBerry sẽ vào khoảng 7,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngay cuối ngày hôm qua, cả BlackBerry và Samsung đều lên tiếng phủ nhận về tin đồn kể trên.
Trong khi đó, kế hoạch vực dậy BlackBerry của CEO John Chen có vẻ đang gặp khó khăn bởi 2 từ: Bảo mật mạng lưới.
Kể từ khi nắm quyền vào năm 2013, CEO John Chen đã nỗ lực vực dậy BlackBerry sau khi thị phần trong thị trường điện thoại thông minh của hãng đã giảm hơn 1%. Công ty của ông tập trung vào cung cấp các phần mềm và hệ thống bảo mật cho chính phủ hay các tập đoàn. Khi công ty phát hành điện thoại mới, họ vẫn tiếp tục phục vụ những khách hàng doanh nghiệp.
Chình vì vậy, Desmond Lau – một chuyên gia phân tích tại công ty Veritas Investment có trụ sở tại Toronto nói rằng: “Công nghệ bảo mật của BlackBerry có thể trở thành đối tượng hấp dẫn với Samsung bởi hãng này đang trong nỗ lực tập trung vào các thiết bị kết nối web”.
Cổ phiếu của BlackBerry đã tăng 30% lên mức 12,6 USD (mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm) trên sàn New York ngay khi thông tin thâu tóm được Reuters phát đi. Tuy nhiên, khi đưa ra thông tin phủ nhận, cổ phiếu của hãng đã ngay lập tức giảm 14%.
Tập trung vào phần mềm
John Chen cho thấy tín hiệu đầu tiên của việc hướng BlackBerry sang mảng cung cấp phần mềm thay vì phần cứng trước đó chỉ 2 tháng sau khi tiếp quản vị trí CEO vào tháng 11/2013. Ông đã ký thỏa thuận với tập đoàn Foxconn để xử lý hầu hết các thiết kế, sản xuất và phân phối cho các nhà sản xuất điện tử tại Đài Loan. Động thái này giúp mở rộng nguồn lực cho BlackBerry để phát triển mảng phần mềm.
Bản thân CEO Chen cho rằng, sử dụng web để kết nối với những thiết bị điện tử hàng ngày – công nghệ được gọi với thuật ngữ “Internet of Things” sẽ là nguồn lực phát triển chính trong tương lai. “Để vươn lên vị trí dẫn đầu đương nhiên sẽ phải mất một chút thời gian. Tuy nhiên tôi tin rằng công nghệ này sẽ phát triển bùng nổ trong thời gian không xa nữa”, ông nói trong một bài phỏng vấn với tờ CNBC vào tháng này.
Kể từ khi Chen gia nhập BlackBerry, cổ phiếu của công ty đã lấy lại được 62%.
Trước đó, John Chen đã từng vực dậy thành công công ty phần mềm Sybase với kế hoạch tái cấu trúc đi kèm với những biện pháp quyết liệt như chuyển đổi thành công ty quản lý dữ liệu di động, cắt giảm nhân sự. Năm 2010, ông bán Sybase cho SAP AG với giá 5,8 tỷ USD tại mức giá cổ phiếu giao dịch cao gấp 6 lần so với thời điểm ông bắt đầu nhậm chức tại đây.
Xe ô tô kết nối
Tại BlackBerry, thành công của hệ điều hành QNX kết nối công cụ kiểm soát thời tiết với điều hướng và các chức năng khác trong xe cộ sẽ là vũ khí quan trọng nhất của John Chen. Nền tảng này được gắn vào trên 50 triệu chiếc xe ô tô và đang được thử nghiệm tại các bệnh viện để kết nối với các thiết bị y tế.
Một trong những điểm quan trọng nhất của QNX là nó có công nghệ để vẫn hoạt động khi hệ thống bị ngắt hoặc đóng băng. BlackBerry đã thành công khi ký hợp đồng lắp đặt QNX trong các xe tăng không người lái của quân đội Mỹ và các nhà máy điện hạt nhân được điều hành bởi Atomic Energy tại Canada.
Chen nói rằng công ty đang đặt mục tiêu đạt được gấp đôi doanh thu từ mảng phần mềm trong năm tới. Tuy vậy, tổng doanh thu gần đây của công ty đã giảm so với dự đoán của các chuyên gia phân tích.
>> CEO BlackBerry "dẹp" tin đồn như thế nào?
Phương Linh