CEO John Chen: Gánh nặng tạo ra thế hệ người 'nghiện' BlackBerry mới
BlackBerry Passport - mẫu điện thoại với thiết kế vuông được giới thiệu gần đây là một phần trong nỗ lực nhằm gợi lại tiềm năng “gây nghiện” của BlackBerry .
Một trong những điều đầu tiên John Chen làm sau khi trở thành CEO BlackBerry vào năm ngoái là “tịch thu” chiếc điện thoại Samsung Galaxy của vợ mình.
“Có rất nhiều buổi tiệc mà chúng tôi phải tham dự, và nếu bà ấy sử dụng điện thoại Samsung thì mọi người sẽ cười nhạo tôi. Vì vậy, rốt cuộc tôi đã bảo bà ấy sử dụng BlackBerry. Nhưng vợ tôi lại nói thích Samsung, điều này làm tôi rất khó xử”.
Khi được hỏi về việc liệu vợ ông có vẫn tiếp tục bí mật sử dụng điện thoại Samsung hay không? John Chen trả lời: “Tôi không dám chắc. Có rất nhiều bí mật mà tôi không biết”.
Ban đầu, bà ấy thấy chiếc điện thoại mới rất khó để dùng thành thạo, đây cũng là phàn nàn của hầu hết những người mới sử dụng BlackBerry. Ông nói: “Khi mới dùng bạn sẽ gặp phải một số khó khăn, nhưng một khi đã quen hơn, đây sẽ là một chiếc điện thoại đầy quyền lực. Nó khiến những thiết bị khác trở nên vặt vãnh”.
Chen so sánh trải nghiệm này với việc lái chiếc Lamborghini của bạn mình: "Chiếc xe đó rất khác biệt, nhưng khi biết cách dùng, bạn sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ mua một chiếc xe như vậy, không nên học cái j quá khó".
Đây chỉ là một trong rất nhiều thử thách mà CEO Chen – 59 tuổi đang phải đối mặt trên cương vị lãnh đạo BlackBerry. Tuy nhiên, khi gặp mặt với phóng viên Financial Times, ông tỏ ra rất thư giãn về khối lượng những công việc này.
"Cứu dễ, tăng trưởng trở lại mới khó"
Sự tự tin của CEO Chen không phải không có cơ sở. BlackBerry phải đối mặt với khủng hoảng mang tính sống còn tại thời điểm ông gia nhập vào tháng 11/2013. Tuy nhiên hiện tại, hãng đang có những bước đi chắc chắn hơn sau khi giải quyết được một số vấn đề khó khăn về chi phí và cắt giảm chi tiêu. Cổ phiếu của hãng đã tăng khoảng 50% trong vòng 12 tháng qua.
Đỉnh cao của BlackBerry được thiết lập vào năm 2008 khi nó có 1 trong 5 chiếc điện thoại thông minh được bán trên toàn thế giới và giá trị thị trường đạt 80 tỷ USD, cao hơn 5,6 tỷ so với hiện nay. Hiện tại thị phần trong thị trường điện thoại thông minh toàn cầu của BlackBerry ít hơn 1%.
John Chen hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến “thảm cảnh” này của BlackBerry. Hãng đã bỏ rơi bộ phận khách hàng doanh nghiệp và “lơ đễnh trong việc cố gắng tìm kiếm khách hàng”. Một chiến lược tai hại nhất dẫn đến thất bại thảm hại của hãng còn là tập trung vào các ứng dụng.
Bằng nỗ lực của mình, cứu công ty là phần dễ nhất, thậm chí nếu phải đưa ra những lựa chọn khó khăn như giảm 4.500 nhân sự. “Đây là điều bắt buộc phải làm và làm một cách nhanh chóng. Giúp công ty tăng trưởng trở lại mới là công việc khó khăn hơn nhiều. Và “phần khó nhất vẫn chưa đến”.
Cắt giảm nhân sự có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. "Tinh thần tại công ty hiện không được cao, nhưng chắc chắn không tồi tệ như hầu hết mọi người nghĩ”, Chen nói và bổ sung rằng có nhiều thứ tại Waterloo (thị trấn ở Canada – nơi Blackberry đặt trụ sở) đang hỗ trợ rất nhiều cho ông ấy.
Từng lưỡng lự khi nhận chức CEO
Trước đó John Chen từng đạt được một số thành tựu trong việc biến một công ty đang “hấp hối” hồi sinh. Theo đó, ông nắm quyền kiểm soát Sybase, một doanh nghiệp phần mềm vào năm 1997 khi cổ phiếu của hãng này giao dịch ở mức thấp kỷ lục và đại đa số nghĩ rằng nó không thể sống sót. Ông đã xây dựng lại công ty với sự tập trung vào di động và máy tính bảng sau đó bán nó cho SAP vào năm 2010 với giá 5,8 tỷ USD, gấp 6 lần giá trị so với thời điểm ông chính thức đảm nhận.
Với BlackBerry, nhiệm vụ của ông khó khăn hơn nhiều, và Chen thú nhận rằng đã “lưỡng lự” khi đưa ra quyết định có nên đảm nhận vị trí CEO hay không. “Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Công ty đã được công bố phá sản và tôi biết sẽ phải mất rất nhiều thời gian cho nó. Tuy nhiên, không có nghĩa là tôi lưỡng lự bởi quan tâm tới bản chất công việc, tôi chỉ muốn chắc chắn rằng mình đã hiểu rõ vấn đề”.
Một khoản thưởng lên đến 85 triệu USD dưới dạng cổ phiếu giới hạn khi ông gia nhập là một con số khá lớn đối với Blackberry. Tuy nhiên Chen không quan tâm tới câu hỏi liệu công ty có quá hào phóng. "Tôi không quan tâm tới điều này, đây là vấn đề của hội đồng quản trị. Thời điểm đầu bàn bạc về tình trạng của công ty, chúng tôi thậm chí không biết liệu có vực lại được hay không".
Ông nói phải thật chắc chắn khi đảm nhận vị trí cao nhất tại một công ty đang thất bại. “Nếu muốn đảo ngược tình thế, bạn phải có một cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Bạn làm tất cả để tạo ra sự khác biệt nhưng không thể để mọi thứ kéo bạn xuống”.
Chiến lược hồi sinh
Trong nỗ lực vực dậy công ty, Chen hy vọng xây dựng sức mạnh của thiết bị bao gồm bàn phím và tính bảo mật cùng một số cải tiến mới. Vào tháng 9 vừa qua, ông đã mua Movirtu, một công ty của Anh sản xuất phần mềm cho phép hàng loạt những số khác nhau sử dụng cùng một thẻ Sim.
“Mọi người vẫn yêu thích bàn phím và tính bảo mật của BlackBerry là điều rất quan trọng. Tôi đã ăn trưa cùng những nhà quản lý quỹ lớn và tất cả họ đều quay lại sử dụng BlackBerry bởi không muốn bị rò rỉ hay đánh cắp dữ liệu. Hiện tại, chúng tôi cần tạo ra các thiết bị làm hài lòng hơn cho những người này”.
BlackBerry Passport - mẫu điện thoại với thiết kế vuông được giới thiệu gần đây là một phần trong nỗ lực nhằm gợi lại tiềm năng “gây nghiện” của BlackBerry.
Khi được hỏi liệu ông có thể mang BlackBerry trở lại thời hoàng kim như trước đây hay không, thay vì nói rằng điều tốt nhất bây giờ là hy vọng thu hẹp quy mô, tạo ra lợi nhuận và không nên đánh cược với Apple và Samsung. Thì Chen lại nói: “Chúng tôi hoàn toàn có thể giành lại vị trí thống trị”.
Ông chỉ ra rằng Apple lấy lại danh tiếng sau khi Steve Jobs trở lại lãnh đạo công ty vào năm 1997. “Ngày nay Apple đang thống trị, trước đó BlackBerry cũng vậy. Nhưng cuối cùng thứ bậc trong ngành công nghiệp này cũng đã thay đổi”.
BlackBerry không cần trở thành người dẫn đầu trong mảng thiết bị cầm tay. Chen đang tham vọng trở thành kẻ thống trị trong một số lĩnh vực khác như thiết bị kết nối internet.
“Tôi hy vọng sẽ không có những câu hỏi về việc liệu chúng tôi có thể sống sót được hay không nữa. Hãy hỏi khi nào chúng tôi 'lấy lại phong độ'. Tôi sẽ trả lời rằng đang chờ đợi cho điều đó”.
>> CEO BlackBerry: Chiến lược phục hồi công ty của tôi còn chắc hơn cả quy luật 80/20
Vân Đàm