John Chen có mang hào quang trở lại với Blackberry?
Kể từ khi John Chen trở thành người cầm cương Blackberry, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng 50% so với thời điểm trước kia. Nhưng điều đó không có nghĩa là công cuộc tái chiếm ngai vàng của Blackberry sẽ dễ dàng.
“Turnaround Artist” là mỹ từ mà người ta sử dụng để chỉ những người có khả năng đảo ngược tình thế cho các doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực của khủng hoảng, tiêu biểu như CEO Lee Iacocca của Chrysler hay Steve Jobs của Apple. Bản thân John Chen cũng được xưng tụng là một Turnaround artist tài năng với thành công trong việc vực dậy Sybase – một công ty phần mềm chuyên về cơ sở dữ liệu và ứng dụng di động – trước khi tiếp quản ông vua một thời Blackberry.
John Chen- “Turnaround Artist” của Sybase
John Chen là con trai của một gia đình người Đài Loan, đã trải qua tuổi thơ khốn khó trong một căn hộ tuềnh toàng trước khi giành học bổng toàn phần của liên đoàn giáo dục Ivy League và bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ với tư cách là một trong số ít ỏi sinh viên gốc Á giành được học bổng này. Sau khi lấy hai bằng cử nhân về Kỹ thuật ở đại học Brown và Học viện công nghệ Massachusetts, John làm việc ở công ty chuyên sản xuất máy tính Mainframe Burroughs Corp.
Trong những ngày làm việc đầu tiên, ông đã thể hiện bản thân là người không ngừng học hỏi và luyện tập kiến thức kỹ năng mới. Ông thậm chí đã gia nhập câu lạc bộ thuyết trình Toastmaster và thuê một phát thanh viên đài địa phương để hướng dẫn ông cách nói chuyện sao cho thu hút. Không khó hiểu vì sao người đàn ông này nhanh chóng thăng tiến trong công việc và trở thành phó giám đốc của Burroughs.
Người ta đồn rằng John Chen từng được nhắm làm người kế nhiệm cho vị trí CEO Apple vào những năm 90, nhưng Chen lại gia nhập đối thủ của quả táo cắn dở khi ấy là Sybase.
Sybase từng là một công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu trong thập niên 80, tuy nhiên vào thời điểm John Chen về với Sybase, công ty này đã bị vượt mặt bởi Microsoft, IBM và Oracle do đầu tư đa ngành nghề và xao nhãng khỏi những thế mạnh cốt lõi của mình. Các nhân viên trong Sybase cũng từng rất hoài nghi về khả năng Chen sẽ đảo chiều được thời thế, vì ông tỏ ra không mấy quan tâm tới việc hoạch định chiến lược dài hạn hay vạch ra những hướng đi cụ thể, tuy nhiên ông đã chứng minh được rằng những hành động thiết thực của ông có giá trị như thế nào trong việc giành lại thị phần và mở rộng khách hàng. Khi Sybase được bán lại cho SAP vào năm 2010, giá trị của công ty này đã đạt 5.8 tỉ USD, tăng 13 lần so với thời điểm trước khi có sự chèo chống của Chen.
Thử thách cùng Blacberry
Khi John Chen nhận lời làm CEO của quả Dâu đen, người ta mong đợi ông sẽ lại một lần nữa lật ngược thế cờ giống như những gì ông đã làm với Sybase. Blackberry từng là ông vua không ngai của thị trường thiết bị di động vào những năm đầu thế kỷ 21, nhưng tới nay thì công ty này đã bị vượt mặt bởi nhiều thương hiệu sinh sau đẻ muộn khác. Bản thân công ty đang rơi vào tình trạng rò rỉ trầm trọng về mọi mặt: Chất xám, nhân sự, khách hàng, tài chính….tới mức chính John Chen phải thốt lên rằng đó là một tình cảnh vô cùng hiểm nghèo.
Ông nhanh chóng triển khai những biện pháp thiết thực để vực dậy hãng điện thoại Canada. Kế hoạch của John Chen về cơ bản khá đơn giản, nhưng được thực hiện dứt khoát và hiệu quả.
Thứ nhất, ông quyết liệt lấy lại niềm tin của nhân viên, đối tác và khách hàng về giá trị thương hiệu Blackberry, bằng cách giải quyết triệt để tình trạng thiếu thanh khoản, cắt giảm chi phí, bán bớt các tài sản ít sinh lời, tái cơ cấu tài chính… Trong vòng 100 ngày sau khi tiếp quản Blackberry, người đàn ông này đã ký ngay một hợp đồng thỏa thuận với tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan, nhờ đó phần nào giải quyết được tình trạng khủng hoảng tài chính mà tập đoàn đang đối mặt, đồng thời tích cực tuyển dụng những nhân sự cấp cao có năng lực và kinh nghiệm vào những vị trí chủ chốt. Chen cũng đặc biệt xem trọng việc thực hiện các cam kết một cách kịp thời và chính xác để xóa đi tiếng xấu “Hứa nhiều hơn làm” thời gian gần đây của Dâu đen.
Vấn đề nan giải thứ hai mà John Chen phải đối mặt là định hướng khách hàng. Có không ít tranh cãi trong nội bộ Blackberry về việc nên tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp hay chuyển hướng sang nhắm vào khách mua lẻ - ai cũng biết lĩnh vực di động đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang thị trường bán lẻ trong những năm gần đây. John từng nói, chính ông cũng không thể khẳng định đâu là hướng đi đúng, nhưng với ông thì chỉ có một lựa chọn rõ ràng: định hướng cho Dâu đen quay trở về với phân khúc khách hàng cốt lõi truyền thống của họ là nhóm các doanh nhân và chính trị gia, vốn mang lại 80% doanh thu cho thương hiệu này.
Tiếp theo, Chen tích cực cải thiện chính sách khách hàng, bằng cách thuê một đội ngũ nhân viên Marketing đi tiếp thị trực tiếp với khách hàng theo kiểu mặt đối mặt nhằm tăng cường sự kết nối của họ với thương hiệu. Cần biết rằng Blackberry có một lực lượng người yêu thích khá trung thành mặc dù bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi những chiếc smart phone không bàn phím bóng bẩy hào nhoáng của các hãng khác. Mục tiêu của Chen là củng cố và củng cố hơn nữa tâm lý gắn bó này, và chiến lược của ông đã tỏ ra hiệu quả. Kể từ thế hệ điện thoại dòng Q, rất nhiều người đã quay trở về sử dụng Blackberry sau một thời gian nghiêng ngả với Iphone. Những chiếc Blackberry hỗ trợ rất hiệu quả cho việc kết nối trong cộng đồng người dùng thương hiệu này, vốn là thế mạnh lâu nay của Blackberry và chưa có hãng điện thoại nào vượt qua được.
John Chen có mang ngai vàng trở lại với Blackberry ?
Sau sự thành công và tái khẳng định thương hiệu của những chiếc Blackberry Q, mà tiêu biểu là Blackberry Q10, Dâu đen mới đây đã tung ra thị trường một mẫu điện thoại màn hình vuông đầy phá cách mang tên Passport, với kích cỡ tương đương một cuốn hộ chiếu và vẻ ngoài đẹp đến nín thở, đưa người dùng trở về với trải nghiệm bàn phím cứng một thời. Ai cũng biết Blackberry từng ghi dấu ấn đậm nét với thiết kế bàn phím Qwerty. Động thái này là triết lý kinh doanh thực dụng của John Chen – tập trung vào những phương thức có tính tiện ích cao nhất, bất kể chúng có đang là mốt trên thị trường hay không, đồng thời tích cực gợi nhớ người dùng về những đặc điểm không thể trộn lẫn của Blackberry.
Điều bất ngờ là sau một thời gian bội thực với bàn phím cảm ứng ảo, người ta lại háo hức mong chờ một bàn phím cứng tiện dụng trên một thiết bị công nghệ hoàn toàn mới. Blackberry hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng Passport sẽ là tấm hộ chiếu đến với thành công của thương hiệu này.
Kể từ khi John Chen trở thành người cầm cương Blackberry, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng 50% so với thời điểm trước kia. Nhưng điều đó không có nghĩa là công cuộc tái chiếm ngai vàng của Blackberry sẽ dễ dàng. Câu hỏi John Chen có mang ngai vàng trở lại cho Dâu đen vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng nếu kỳ tích được lập lại một lần nữa, danh xưng Turnaround Artist chắc chắn không dành cho ai khác ngoài John Chen.
>> Cuộc đời của 'Sói già phố Wall'
Hải Hà