10 đồ vật 'không tưởng' có thể in ra bằng công nghệ 3D
Giày, bánh pizza, súng, thậm chí là nhà ở đã có thể được in ra nhanh chóng, chính xác nhờ máy in 3D.
Ra mắt từ đầu thập kỷ 80, công nghệ in 3D nay đã ngày càng trở nên quen thuộc và dần được ứng dụng sâu hơn vào cuộc sống. Giống như các thiết bị công nghệ khác, chiếc máy in 3D đang ngày càng nhỏ hơn, rẻ hơn và tiện dụng hơn.
Ý tưởng dùng một cỗ máy "vạn năng" để tạo ra mọi thứ từ đôi giày để đi cho tới cả... bữa tối nghe cứ như khoa học viễn tưởng, nhưng thực chất đây chính là điều mà những chiếc máy in 3D với giá cả phải chăng có thể làm được.
Một số trang web như Thingiverse đã tạo ra một thư viện ý tưởng dành cho công nghệ in 3D, mở ra một con đường mới cho các ngành nghề như may mặc, sản xuất...
Dưới đây là một vài mặt hàng phổ biến mà có thể bạn không biết rằng máy in 3D có thể tạo ra.
Bánh Pizza
Kỹ sư cơ khí Anjan Contractor đã được NASA tặng thưởng 125.000 USD vì đã tạo ra được chiếc máy in có thể sản xuất bánh pizza. Ban đầu, chiếc máy ra đời nhằm mục tiêu cung cấp thức ăn cho phi hành gia trên các chuyến du hành dài ngày trong không gian.
Video clip dưới đây đã ghi lại quá trình một chiếc bánh Pizza được in ra, từ lúc trải bột cho đến lúc rải phô mai và thịt.
Trang điểm
Grace Choi, cựu sinh viên trường kinh doanh Harvard đã tạo ra chiếc máy tin 3D mini mang tên Mink để hỗ trợ trong việc trang điểm. Cỗ máy Mink được bán lẻ với giá 300 USD, ra mắt tại TechCrunch Disrupt - sự kiện công nghệ lớn tại San Francisco, có khả năng kết nối với máy tính, cho phép người dùng chọn những màu sắc khác nhau bằng cách chọn mã màu từ bất cứ hướng dẫn trang điểm nào trên mạng. Với sự trợ giúp của Microsoft Paint, người dùng có thể in ra những màu trang điểm như phấn mắt dễ dàng như in tài liệu từ máy tính vậy.
Đàn ghi ta
Nhờ chiếc máy in 3D Cubify, nhóm nghiên cứu tại ODD Guitars đã bắt đầu kinh doanh in đàn guitar cao cấp. Thân đàn được in bằng quy trình nung kết laser chọn lựa. Chiếc đàn trong hình lấy cảm hứng từ cây đàn ghi ta điện thân đặc của nhà phát minh Les Paul, có giá ban đầu là 3.500 USD, cái giá nghe có vẻ đắt nhưng vẫn còn rẻ hơn những chiếc ghi ta điện chính hiệu Gibson Les Paul trị giá 10.000 USD.
Hóa thạch khủng long
Các nhà nghiên cứu tại trường Charite Campus Mitte tại Berlin đã khám phá ra một cách tái tạo chính xác hóa thạch khủng long bằng công nghệ in 3D, nhờ kết hợp công nghệ này với dữ liệu chụp cắt lớp từ máy tính (một phương pháp kiểm tra các bộ phận cơ thể bằng cách quét tia X, tái hiện các lớp quét cắt ngang trên máy tính). Nhờ phương pháp này, các nhà nghiên cứu có thể tái tạo chính xác bản sao miếng hóa thạch mà không lo làm tổn hại hiện vật gốc.
Thịt
Modern Meadow đang thể hiện sức mạnh công nghệ nhờ phương pháp sản xuất thịt thân thiện với môi trường. Công ty cho biết phương pháp tạo thịt và da bằng công nghệ in 3D không cần phải giết mổ động vật, các nguyên liệu đầu vào như đất, nước, năng lượng, hóa chất cũng ít hơn.
Súng
Năm ngoái, Solid Concepts đã cho ra đời chiếc súng kim loại in 3D đầu tiên. Không giống như chiếc Liberator 3D được in trước đó, khẩu súng của Solid Concepts trông giống với một vũ khí thực sự hơn, có thể bắn được 50 viên đạn.
Nhà cửa
Ta thường liên tưởng công nghệ in 3D với những đồ dùng nhỏ nhắn mà không ngờ rằng công nghệ này đang được sử dụng để "in" ra những ngôi nhà ở với kích thước thật trên khắp thế giới. Ví dụ, công ty kỹ thuật thiết kế trang trí WinSun của Trung Quốc đã sử dụng một máy in 3D có khả năng in ra 10 căn nhà trong vòng 24 giờ từ nguyên liệu tái chế.
Trang sức
Studio thiết kế Nervous System đã tìm ra cách sản xuất trang sức vàng nhờ máy in 3D. Công ty sử dụng công nghệ nung kết lase kim loại trực tiếp để tạo ra những mô hình cần độ chính xác cao như trang sức.
Giày
Công ty in 3D Ignacio Garcia của Tây Ban Nha đã tạo ra chiếc giày Sneakerbot II được in bằng công nghệ 3D. Đôi giày được làm ra nhờ nguyên liệu của Filaflex, cấu tạo từ sợi cao su không thấm nước, có thể lấy lại hình dạng khi bị nhăn. Điều này có nghĩa ta có thể gấp và nhét đôi giày trong túi hoặc ví khi cần tiết kiệm không gian.
Sô cô la
Cũng giống như pizza và thịt, sô cô la là một trong những loại thức ăn có thể được sản xuất bằng máy in 3D. Hãng kẹo sô cô la Hershey cho biết công ty đang phát triển một loại máy in 3D để in sô cô la. Các công ty như Choc Edge ngày nay cũng đang tập trung theo hướng này và bán các loại máy in phục vụ mục đích in sô cô la.
>> Đến thời mỹ phẩm in từ máy in 3D: Liệu Chanel, MAC,...có 'khóc thét'?
Thùy An