Cơn sốt đất từ Bắc chí Nam, Bộ Xây dựng chỉ rõ 5 nguyên nhân
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, có 5 nguyên nhân gây nên tình trạng sốt đất điên đảo từ trong Nam ngoài Bắc như thời gian qua.
5 nguyên nhân dẫn đến sốt đất
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến cơn sốt đất thời gian vừa qua là do việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch của các địa phương cũng chưa được công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, dẫn đến việc các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh có 5 nguyên nhân gây nên tình trạng sốt đất thời gian qua. |
Thứ hai, trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, trong khi lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức thấp, không hấp dẫn người gửi tiền.
Thứ ba, việc phát triển các dự án nhà ở, bất động sản gặp nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục về pháp lý, đất đai, đầu tư và xây dựng, dẫn tới nguồn cung nhà ở, bất động sản bị hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, bước vào quý I năm 2021, tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động. Tuy lượng giao dịch bất động sản - qua theo dõi của Bộ Xây dựng - chỉ bằng khoảng 70% so với quý IV-2020, song giá bất động sản có nhiều biến động; đặc biệt, giá bất động sản đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước trong thời gian qua.
Đặc biệt trong thời gian qua, giá đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở nhiều địa phương trên cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… với hiện tượng tăng giá cục bộ nhưng rất nhanh.
Thứ tư, việc đầu tư, phát triển các nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội cho các đối tượng người nghèo đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, dẫn đến là nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân hiện nay.
Ngoài ra, một số địa phương có chủ trương tăng giá đất theo lộ trình (khoảng 15-20%), đã tác động đến tâm lý của người mua và ảnh hưởng tới các giao dịch trên thị trường BĐS.
Đưa ra cảnh báo tới người dân và doanh nghiệp trước tình trạng sốt đất, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khuyến cáo, người dân, doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực bất động sản hết sức bình tĩnh, cảnh giác với những thông tin đồn thổi, tìm hiểu, xem xét kỹ các hồ sơ pháp lý của các dự án bất động sản và chỉ giao dịch bất động sản với những bất động sản có hồ sơ pháp lý rõ ràng, đúng quy định của pháp luật.
Lợi dụng ý kiến quan chức để thổi giá đất
Về cơn sốt đất này, lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đa phần các sản phẩm, loại hình bất động sản khác như chung cư, nghỉ dưỡng, mặt bán lẻ, văn phòng... trước tết đều trầm lắng thì ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án, thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. |
“Đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư. Ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án, thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm”, lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam nói.
Cũng theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn…. xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều cò đất thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất khắp nơi là khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng tăng 15-20%. Nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu. Đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào bất động sản tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh.
Đồng thời, lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất…
Quản chặt chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách phân lô bán nền
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để hỗ trợ, góp phần hạ nhiệt thị trường bất động sản, các địa phương cần tiếp tục tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi tại một số dự án, tại một số địa phương trong thời gian vừa qua. Có biện pháp chặt chẽ không để tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách phân lô đất, bán nền tại một số khu vực chưa được phép đầu tư. Quản lý và kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất, nhất là thông qua biện pháp quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch, môi giới kinh doanh bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các dự án ma, dự án không đủ hồ sơ pháp lý, điều kiện kinh doanh bất động sản.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục đầu tư, đặc biệt các thủ tục về giao đất, đầu tư xây dựng để các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do các doanh nghiệp thực hiện bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp trong thời gian tới quan tâm đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở phải bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm tính pháp lý và thực hiện việc kinh doanh, giao dịch kinh doanh bất động sản đúng quy định.