Cơn khủng hoảng tồi tệ và chết chóc nhất đang giáng xuống một đất nước, chỉ vì 2 chữ: Lòng tham
Lòng tham từ tầng lớp thượng lưu đã khiến họ tích trữ rất nhiều hàng hóa và nhu yếu phẩm. Để rồi, có những người mẹ phải cho con ăn bằng nước pha đường.
Ammouneh Haydar đang ngồi trong căn hộ của mình. Suốt 1 tháng trời, cô không đặt chân ra ngoài. Mặt trời buông xuống, chiếc đèn huỳnh quang mờ ảo trở thành nguồn sáng duy nhất. Nhưng cũng chỉ vài phút nữa thôi, đợt cắt điện kéo dài 22h sẽ đưa tất cả chìm vào bóng tối.
Người phụ nữ 32 tuổi tiếp tục sống trong căn hộ nhỏ bé của mình tại ngôi làng Tleil gần biên giới Syria thêm 10 ngày nữa. Chồng cô, Ibrahim Urfali, đã chết trong vụ nổ bồn nhiên liệu hồi giữa tháng 8. Cô đang tuân thủ một quy định của người Hồi giáo tại Lebanon, tự cách ly không gặp đàn ông trong vòng 40 ngày sau đó.
Trong không gian tĩnh lặng phảng phất nỗi buồn, những giọt nước mắt của cô chảy dài. Đứa con trai 6 tuổi kéo mặt của mẹ lại gần và hôn lên đó, một nỗ lực tuyệt vọng để xoa dịu nỗi đau của người mẹ đáng thương.
Haydar gượng cười. Nhưng nỗi đau cô trải qua là một phần của cơn khủng hoảng đang đày đọa đất nước cô đang sinh sống: Lebanon.
Giống như đa số người Lebanon, những thiệt hại về vật chất mà cô phải nhận đã nhân lên nhiều lần kể từ khi cơn khủng hoảng tài chính xảy ra cách đây 2 năm. Khoản thu nhập vốn ít ỏi của họ tụt xuống con số 0. Haydar thiếu thốn đủ đường, không biết làm sao để lấp đầy cái bụng cho 4 đứa trẻ của mình.
Nghịch lý một nỗi, truyền hình địa phương ghi lại hình ảnh hàng đống sữa công thức cho trẻ sơ sinh được dự trữ vào cuối tháng 8. Haydar thì chẳng thể kiếm được thứ gì cho cậu con trai 7 tháng tuổi, phải cho con ăn bằng nước pha với đường.
Cơn khủng hoảng tài chính tại Lebanon trở nên khủng khiếp hơn bởi 2 chữ lòng tham, của tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Những người bình thường như Haydar đang phải trả những cái giá quá đắt, thậm chí là bằng cả mạng sống của chồng cô.
Tử thần đến từ lòng tham
Đợt suy thoái kinh tế tại Lebanon đến từ việc ngân sách công cạn kiệt, bị nâng lên cao trào thái độ được Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) gọi là "quản lý kém có chủ đích" từ tầng lớp thượng lưu. Nhưng lòng tham tích trữ nhu yếu phẩm mới thực sự là đòn chí mạng với nền kinh tế của họ.
Thủ tướng Najib Mikati tháng trước nói rằng thương nhân và những kẻ "đồi bại" của đất nước đang nắm giữ tới 74% nhu yếu phẩm - bao gồm nhiên liệu, thuốc men, thực phẩm và sữa trẻ em - trong năm qua. Trị giá ước tính rơi vào khoảng 7,4 đến 10 tỉ USD.
Dữ liệu cho thấy hàng hóa cứu trợ đến với Lebanon trong nửa đầu năm 2021 đã tăng lên, nhưng nhiều gia đình phải vất vả để kiếm được đồ ăn cho con của họ. Bệnh nhân ung thư thì không có thuốc, trong khi dầu diesel cạn kiệt khiến hàng trăm doanh nghiệp rơi vào bế tắc.
Và rồi vụ nổ khiến chồng của Haydar tử vong đã làm nổi bật hậu quả đáng sợ của nạn tích trữ này.
Ngày 14/8, quân đội Lebanon tịch thu một bồn đầy nhiên liệu từ một kẻ buôn lậu tại Tleil, cách thủ đô Beirut 110km. Vài giờ sau đó, quân đội đã cố gắng phân phát dầu cho một số người đang tuyệt vọng tìm kiếm nhiên liệu để chạy máy phát điện cho gia đình. Ibrahim Urfali, chồng của Haydar, là một trong những người tìm đến.
Bồn nhiên liệu phát nổ, khiến 31 người tử vong và 79 người bị thương.
Haydar nhớ lại, Urfali bị bỏng toàn thân tới hơn 95%. Anh cùng vài người khác được đưa tới bệnh viện gần đó, nhưng các loại thuốc cần để cứu mạng họ đã hết. Một số người được đưa ra nước ngoài để điều trị - một dấu hiệu khác cho thấy tình hình tài chính sụp đổ của Lebanon, nơi vốn được xem là "kinh đô dược phẩm" vùng Trung Đông.
Nỗ lực đưa Urfali ra nước ngoài không thành. Anh ra đi mãi mãi.
Một nạn nhân trong vụ nổ bồn nhiên liệu hồi tháng 8
Vài ngày sau cái chết của Urfali, Bộ Y tế Lebanon tiết lộ đã phát hiện hơn 6.800 ống tiêm albumin - loại thuốc quan trọng để điều trị cho người bị bỏng - được tìm thấy trong một nhà kho ở Beirut bên cạnh hàng đống dược phẩm khác. Phát hiện này nằm trong chiến dịch truy quét của Bộ Y tế đến hơn 10 nhà kho được cho là thuộc về các doanh nghiệp nhập khẩu và nhà thuốc. Cùng với đó, hàng đống sữa công thức cho trẻ em đã bị tích trữ.
"Chúng tôi tìm thấy mọi loại thuốc và sữa trẻ em ở đó," - một chuyên viên của Bộ Y tế Lebanon cho biết. Số dược phẩm và sữa sau đó đã được phân phối cho các bệnh viện và người cần. Các chủ nhà kho đều đã bị bắt giữ, trong khi bằng chứng được chuyển lên tòa án.
Cứu trợ, buôn lậu, hàng vẫn thiếu
Năm 2020, ngay giữa đợt khủng hoảng tài chính tàn khốc nhất, chính phủ Lebanon bắt đầu cứu trợ những mặt hàng thiết yếu để ứng phó với siêu lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Nhiều chuyến hàng được nhập khẩu về tưởng như sẽ là phao cứu sinh, nhưng rồi lại phản tác dụng.
Truyền thông địa phương liên tục lên án nạn buôn lậu nhiên liệu đến Syria. Các thương nhân mua được nhiên liệu được trợ giá trong nước, rồi tìm cách vượt biên để bán ra nước ngoài theo giá thị trường thế giới và thu được lợi nhuận. Bởi giá trị đồng Lira của Lebanon giảm đi, biên độ lợi nhuận theo đó tăng lên chóng mặt. Trong vòng 2 năm, đồng Lira mất 90% giá trị, trong khi thị trường thế giới gần như không đổi.
Xăng được bán bên vệ đường, thay vì trong các trạm nhiên liệu
"Bằng việc tích trữ, họ sẽ chờ đến khi giá tăng lên để bán và thu lời. Chỉ có rất ít hàng hóa thực sự đến tay người dân," - Zouhair Berro, giám đốc Tổ chức Bảo vệ Người tiêu dùng Lebanon cho biết. Ngân hàng trung ương thì khẳng định họ đã cảnh báo chính phủ Lebanon về việc lợi dụng trục lợi từ hàng cứu trợ hồi tháng 6, nhưng không có tác dụng.
Khi cơn khủng hoảng nhiên liệu leo thang hồi tháng 7, ngân hàng trung ương của Lebanon đã chi khoảng 800 triệu đô để nhập khẩu nhiên liệu, dự tính đủ để duy trì đất nước trong 3 tháng. Nhưng vào tháng 8, quân đội truy quét và phát hiện ra hàng chục triệu lít xăng dầu bị tích trữ để tuồn ra nước ngoài.
Tháng 6, ngân hàng trung ương ngưng xuất tiền để nhập khẩu sữa công thức và dược phẩm, vì không thể đáp ứng nổi sự sụt giảm của nguồn dự trữ và cũng không thể giải thích nổi sự thiếu ăn khớp giữa câu chuyện nhập khẩu và sự thiếu hụt hàng hóa trên thị trường.
Dữ liệu từ tổ chức theo dõi thị trường Euromonitor International thì cho thấy lượng sữa công thức nhập khẩu tăng lên vào nửa đầu năm, trong khi người cần vẫn không có.
Thảm cảnh trong bệnh viện
Tại bệnh viện đại học Rafik Hariri (RHUH) - một trong những bệnh viện công lớn nhất Lebanon, tình hình đang hết sức u ám. Bệnh nhân và người nhà với vẻ ngoài chán nản đang ngồi ở sảnh chờ. Tại bệnh viện này, đến giấy vệ sinh cũng không có, đôi lúc phải dùng khẩu trang để thay thế.
Với những người ở đây, có vẻ như họ không chỉ phải đối mặt với cuộc chiến thiếu thuốc men và nhu yếu phẩm, mà còn phải vượt qua cảm giác tuyệt vọng như một ngày tận thế.
Tharwat, người phụ nữ 50 tuổi ngồi bên bệ cửa sổ, mắt nhìn xa xăm. Bà bị chẩn đoán bị thoái hóa tinh bột - dạng ung thư cần phải hóa trị. Nhưng vấn đề là không có thuốc.
"Tôi thực sự không hiểu sao mình không thể tìm được thuốc," - Tharwat tuyệt vọng. Em gái bà ngồi cạnh, khóc nức nở. "Tôi vẫn yêu cuộc sống này. Tôi có một tiệm làm đẹp, có khách quen. Tại sao lại như thế này chứ?"
Tharwat ngồi bên cửa sổ trong bệnh viện, không có thuốc để chữa cho chính mình
Bác sĩ Issam Shehadeh từ khoa ung thư của RHUH cho biết: "Điều kinh khủng nhất là tôi có những bệnh nhân ung thư có thể chữa trị nhưng không làm được, vì thiếu thuốc."
Không khí trong nhà thuốc dưới tầng hầm bệnh viện cũng không kém... nhà xác là bao. Những chiếc tủ thuốc hầu như đều trống rỗng. Thuốc hóa trị, thuốc huyết áp, thuốc cho thai phụ, tất cả đều không còn. Nhiều bệnh nhân thậm chí phải chết vì bệnh viện thiếu đi một loại thuốc vốn rất rẻ tiền và thông dụng.
Thậm chí, các bệnh nhân thuộc tầng lớp trung lưu cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Carine Abou Saab, một bệnh nhân ung thư gan đã phải trải qua đợt trị liệu không trọn vẹn vì thiếu thuốc. Cô cố gắng tìm mua số thuốc thiếu, nhưng phần lớn trong đó có số seri sai. Nghĩa là hoặc đó là thuốc giả, hoặc đã bị xuất khẩu sang Syria rồi nhập khẩu trở lại để bán tại chợ đen với mức giá cắt cổ.
Những tủ thuốc trống rỗng, không còn bất kỳ thứ gì
Trong khi Abou Saab được chữa trị, con gái 3 tuổi của cô - Maria lại bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Cô tìm cách có được số thuốc con gái cần, nhưng với cơn khủng hoảng mà Lebanon đang trải qua, cô muốn con được chữa ở Bồ Đào Nha - nơi Maria được sinh ra. Nghĩa là cô bé có quốc tịch ở đó.
"Chúng tôi như bị mắc kẹt. Chỉ cần tình trạng của con khá hơn, tôi sẽ đưa cháu đi," - Abou Saab khẳng định.
Nhói lòng vì con phải uống nước đường thay sữa
Cách nhà Haydar chưa đầy 1km là một căn biệt thự bỏ hoang với những bức tường ám khói đen. Căn nhà ấy thuộc về một tay buôn lậu - chính là người sở hữu bồn nhiên liệu đã phát nổ hồi tháng 8.
Căn biệt thự ám khói đen
Một nhóm người tức giận và đốt ngôi nhà này để trả thù. Và đó chỉ là một trong số nhiều vụ trả đũa đang xảy ra ở Lebanon, nơi sự tuyệt vọng đã lây lan quá rộng, đến mức việc tìm ra kẻ chịu trách nhiệm cũng chẳng để làm gì.
"Tất cả bọn họ đang bóc lột chúng tôi," - Haydar phẫn nộ, trong lúc đang cho đứa trẻ 7 tháng tuổi ăn.
"So với những đứa lớn hơn, lần này rất khác. Nỗi đau đã khiến tôi không thể tiết sữa được nữa. Tôi cần sữa bột. Nhưng ở đâu ra?"
"Chẳng thể nói nên lời cảm giác phải cho con ăn nước đường," - Haydar nghẹn ngào. "Mọi chuyện khó khăn quá rồi."
Nguồn: CNN