Con gái 1 tuổi đã mắc ung thư, BS cảnh báo thường xuyên sử dụng chén bát bằng chất liệu này sớm muộn ung thư cũng tới
Bố mẹ Tiểu Quỳnh không ngờ thứ đồ vật gây ung thư cho con gái mình chính là những chiếc bát giả sứ quen thuộc.
Gần đây, nhiều trang tin nổi tiếng Trung Quốc đưa tin về trường hợp cô bé Tiểu Quỳnh (1 tuổi, Quý Dương, Trung Quốc) mắc bệnh ung thư máu . Đang chăm sóc con tại bệnh viện Quý Dương, chị Ngô (mẹ cháu bé) cho biết cả hai gia đình nội - ngoại đều không có tiền sử di truyền mắc ung thư máu. Sau khi tìm hiểu, bác sĩ cho biết nguyên nhân khiến Tiểu Quỳnh mắc bệnh rất có thể liên quan đến loại bát giả sứ kém chất lượng mà bé thường dùng khi ăn.
Cô bé Tiểu Quỳnh và mẹ tại bệnh viện. (Ảnh: Aboluowang).
Được biết, gia đình cô bé Tiểu Quỳnh thường xuyên sử dụng loại bát giả sứ bên ngoài màu đen, bên trong lòng bát màu đỏ. Trông ngoại hình rất đẹp, hơn nữa lại có giá chỉ khoảng 3 nhân dân tệ (khoảng 10 ngàn đồng), rơi không vỡ vì vậy rất tiết kiệm khi dùng.
Tuy nhiên càng dùng càng phát hiện nhiều thứ không ổn. Ví dụ có một lần, gia đình họ sử dụng bát giả sứ để ăn cháo. Ban đầu cháo màu trắng nhưng một lúc sau có màu hơi hồng. Phải đến khi cô bé Tiểu Quỳnh bị chẩn đoán mắc ung thư, họ mới biết rằng loại bát giả sứ kém chất lượng này được làm từ nhựa melamine, sử dụng trong nước nóng có thể giải phóng formaldehyde - chất gây ung thư cấp 1.
Bát giả sứ - đồ vật gây ung thư thường bị bỏ qua
Trước đây, chương trình "News for the Truth" của đài truyền hình vệ tinh Hồ Nam đã thực hiện các thí nghiệm để phát hiện mức độ formaldehyde có trong bát sứ giả. Trong thí nghiệm, các chuyên gia đã đổ nước nóng và dầu nóng vào 6 loại bát sứ giả, sau đó kiểm tra hàm lượng formaldehyde giải phóng.
Kết quả cho thấy sau khi đổ nước nóng, 2 trong số 6 chiếc bát sứ giả có mức thải formaldehyde lần lượt là 0,10mg/m³ và 0,12mg/m³. Sau khi đổ dầu nóng thì lượng formaldehyde lần lượt trong 2 chiếc bát là 0,38mg/m³ và 0,41mg/m³. Trong khi đó, tiêu chuẩn tối đa formaldehyde trong không khí mà Trung Quốc quy định chỉ là 0,08mg/m³. Vì vậy thật không ngoa khi nói rằng sử dụng bát giả sứ kém chất lượng tương đương với việc ăn phải "thuốc độc mãn tính".
Thử nghiệm thực hiện trong chương trình "News for the Truth" của đài truyền hình vệ tinh Hồ Nam
IARC - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc WHO cũng đã liệt kê formaldehyde vào danh sách các chất gây ung thư cấp 1. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra ung thư vòm họng, ung thư hạch bạch huyết, u não, bệnh bạch cầu...
Vì vậy, nếu bạn có loại bát này trong nhà, tuyệt đối không sử dụng để đựng canh, cơm nóng. Nếu vẫn muốn sử dụng bát giả sứ cho gia đình, chuyên gia khuyên bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Đảm bảo kiểm tra xem sản phẩm có đạt tiêu chuẩn đã kiểm định của cơ quan chức năng hay không.
- Đừng chọn loại giả sứ nhiều hoa văn vì sơn có thể chứa kim loại nặng.
- Không dùng đồ giả sứ để đựng dầu nóng, không cho vào lò vi sóng để làm nóng, tránh giải phóng formaldehyde do quá nóng.
- Không được để các loại axit mạnh như giấm vào các loại bát đĩa giả sứ.
Khi mua bát, nên chọn loại chất liệu nào là an toàn?
1. Bát nhựa
Chấm điểm: 1/5 điểm.
Nhược điểm: Dễ bị biến dạng, thậm chí nóng chảy khi gặp nhiệt độ cao.
Ưu điểm: Nhẹ, rẻ và không dễ vỡ
Lưu ý: Chỉ nên dùng đựng hoa quả sấy khô, không dùng đồ ăn có nhiệt độ cao và đồ ăn nhiều dầu mỡ. Tốt nhất nên chọn loại không màu, trong suốt hoặc màu trơn. Cần loại bỏ nếu bát nhựa có mùi lạ.
2. Bát thép không gỉ
Chấm điểm: 2/5 điểm
Ưu điểm: Không dễ vỡ, dễ vệ sinh, không dễ sinh vi khuẩn.
Nhược điểm: Cầm sẽ bị nóng tay, dễ mua phải thép không đạt tiêu chuẩn, khả năng chống ăn mòn kém và có thể chứa kim loại nặng.
Lưu ý: Khi dùng để đựng muối, xì dầu, dấm… trong thời gian dài nếu không sẽ bị phản ứng.
3. Bát sứ
Chấm điểm: 3/5
Ưu điểm: Sử dụng và vệ sinh thuận tiện hơn.
Nhược điểm: Dễ vỡ, cầm nặng
Lưu ý: Không giữ thức ăn có tính axit trong thời gian dài. Không chọn loại men sứ có hoa văn, tốt nhất là men đồng màu, càng đơn giản càng tốt.
4. Bát gỗ tre
Chấm điểm: 4/5
Ưu điểm: Chất liệu tự nhiên, kết cấu mịn và mềm.
Nhược điểm: Dễ sinh vi khuẩn, sơn trên bát có thể độc.
Lưu ý: Thường bảo quản bát ở nơi khô thoáng, lưu ý không đun trong lò vi sóng.
5. Bát thủy tinh
Chấm điểm: 5/5
Ưu điểm: Dễ vệ sinh, an toàn khi sử dụng.
Nhược điểm: Cách nhiệt kém và dễ vỡ.
Lưu ý: Nếu chọn bát có hoa văn thì dùng móng tay cạo lớp men, nếu cạo ra có thể là hàng kém chất lượng, có kim loại nặng vượt tiêu chuẩn và không nên mua. Khi dùng bát thủy tinh, không nên đổ nước quá nóng vì có thể làm vỡ.
(Nguồn: Sina, Aboluowang)