Có nên truy cứu trách nhiệm hình sự khi trẻ 14-16 tuổi phạm tội?

25/05/2017 09:47 AM | Xã hội

Bộ Luật Hình Sự (BLHS) đang được sử dụng hiện hành là BLHS năm 2015. Trong bộ luật này, quy định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự được giảm xuống so với các phiên bản luật trước xuống mức từ 14 – 16 tuổi.

Ngày thứ 3 của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, vấn đề này đã được nhắc đến.

Theo Đại biểu đến từ đoàn Đại biểu Bắc Kạn là bà Nguyễn Thị Thủy – người đồng thời hiện cũng là Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tỉnh Bắc Kạn thì đây là một điều luật cần được sửa đổi theo hướng nhân đạo hóa, nhất là khi những đứa trẻ nếu dính vào vòng lao lý và phải chịu trách nhiệm hình sự kia mới chỉ học lớp 8,9 trên ghê nhà trường, đa phần có hoàn cảnh gia đình đa phần đều rất éo le.

Nhắc lại về BLHS thì Bộ luật này đã phân chia tội phạm hình sự thành 4 loại là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Lịch sử lập pháp hình sự của Việt Nam từ năm 1945 cho đến trước khi BLHS năm 2015 được thông qua thì vẫn có quan điểm chỉ xử lý hình sự với các trẻ em ở độ tuổi 14 –dưới 16 nếu các em phạm vào tội rất nghiêm trọng, có hành vi cố ý thực hiện hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, sau nhiều sự vụ phạm tội táo tợn của trẻ vị thành niên, như vụ Lê Văn Luyện năm 2011, BLHS 2015 đã được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi xử lý các em cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng khi các em phạm vào 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bà Thủy thể hiện sự trăn trở của mình: “Lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 mà chúng ta đang thảo luận ngày hôm nay thực chất chỉ là độ tuổi của các cháu học sinh đang học lớp 8, 9 ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, những thay đổi của BLHS năm 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta theo hướng xử lý nghiêm với trẻ em”

Từ đây, vị Bí thư chi bộ Bắc Kạn góp ý 4 căn cứ vì sao điều luật truy cứu trách nhiệm hình sự với trẻ trong độ tuổi từ 14 – dưới 16 nên được bỏ đi:

Các vụ việc nằm ở lứa từ 14 – dưới 16 tuổi là rất hãn hữu

Thứ nhất chính là về các số liệu thống kê: Các vụ việc nghiêm trọng nhất của lứa tuổi vị thành niên đều năm ở độ tuổi 16 đến 18 tuổi, các vụ việc nằm ở lứa từ 14 – dưới 16 tuổi là rất hãn hữu. Bà Thủy nói:

“Căn cứ thực tiễn thì theo số liệu thống kê do Viện kiểm sát tối cao cung cấp, trong 3 năm từ 2014 đến 2016, trên phạm vi cả nước, chỉ có 122 em bị truy tố vì tội cố ý gây thương tích. Chia trung bình cho mỗi năm, ở mỗi địa phương thì chỉ có 1 em ở độ tuổi này gây thương tích đến mức phải xử lý hình sự. Trong 3 năm, cả nước chỉ có 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm và 2 em bị truy tố về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Với những vụ án do người chưa thành niên phạm tội, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua thì hầu như không thuộc độ tuổi này, mà lại thuộc độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Ví dụ như vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang,

Như vậy là giữa tổng kết thực tiễn, có rất ít các em từ độ tuổi 14 đến dưới 16 phạm và mang tội này. Trong khi đó, BLHS 2015 lại mở rộng phạm vi xử lý với các em thì chúng tôi cho rằng là vấn đề cần được cân nhắc thêm”

Hoàn cảnh gia đình của trẻ đều rất khó khăn

Căn cứ thứ hai là về nguyên nhân dẫn đến các vụ việc phạm tội của trẻ. Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các em phạm tội là các em chưa tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình. Cụ thể, trong các trường hợp phạm tội thì có tới 10% là trẻ mồ côi, 11% có bố mẹ ly hôn, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đặc biệt là có rất nhiều em ở vào hoàn cảnh cả bố lẫn mẹ đều nghiện ma túy hoặc có tiền án tiền sự.

“Do vậy, tôi rất đồng tình với các nhận định của các chuyên gia khi họ cho rằng, đứng trước tình hình trẻ em phạm tội, vấn đề không chỉ đơn giản là chúng ta xem xét trách nhiệm của các em mà điều quan trọng hơn đó là tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội với chính lớp người đang trưởng thành này” – Bà Thủy bộc bạch.

Chưa có khoảng cách giữa 'người lớn phạm tội và 'trẻ em phạm tội'

Vấn đề thứ ba, theo lời bà Thủy là dường như không hề có sự phân hóa rõ ràng giữa “phạm tội của người lớn” và “phạm tội của trẻ” trong các quy định trong BLHS 2015.

Điều này theo vị Đại biểu là không hợp lý bởi lẽ, độ tuổi từ 14 đến dưới 16 là độ tuổi diễn ra nhiều nhất sự thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, sự hiếu động, hành động bột phát là điều dễ thấy ở độ tuổi này.

Đồng thời, các em cũng có sự hiểu biết hạn chế về xã hội, hạn chế trong nhận thức pháp luật, dễ dẫn tới việc có những hành vi lệch chuẩn. Bà Thủy chia sẻ lại câu chuyện rằng thực tế là tại nhiều phiên tòa, nhiều em đã nói rằng: “Nếu như cháu biết đây là phạm tội, thì không bao giờ cháu làm”.

Kinh nghiệm từ thế giới: Hãy xử lý nhân đạo để trẻ có thể trở về với cuộc sống

Vấn đề thứ tư là kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

“Qua quá trình theo dõi quá trình hoàn thiện luật hình sự của các nước, chúng tôi nhận thấy đều đang đi theo xu hướng xử lý nhân đạo hơn với người chưa thành niên, phân hóa rõ chính sách giữa trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội” – bà Thủy chia sẻ.

Qua 4 căn cứ này, vị Đại biểu của Đoàn Đại biểu Bắc Kạn kết luận rằng xử lý với những người chưa thành niên thì pháp luật không nên dùng một thái độ quá ‘nóng’.

Tất nhiên, điều này cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em. Pháp luật vẫn sẽ là cán cân công lý xử phạt mọi điều sai trái.

Tuy nhiên, điều quan trọng với một điều luật hướng đến trẻ trong độ tuổi 14 –dưới 16 là chúng ta cần đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm ngày hôm nay và xử lý như thế nào là đúng mức, để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước” – bà Thủy nói những lời cuối.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM