Có lẽ đã đến lúc chúng ta không nên nói 'xin lỗi' nữa

15/09/2017 16:53 PM | Sống

Tưởng rằng có thể cứu vớt được vấn đề khi đã làm sai, thế nhưng chỉ một câu nói xin lỗi đôi khi chẳng giải quyết được vấn đề mà còn làm mọi thứ tệ hại hơn.

Sau khi làm tổn thương ai đó hoặc làm điều gì sai, nói lời xin lỗi có vẻ là một giải pháp hợp tình hợp lý, nhưng hóa ra đó lại không phải là giải phát tốt nhất. Trên thực tế, lời xin lỗi có thể đổ thêm dầu vào lửa. Đó là khẳng định từ một nghiên cứu được thực hiện nhờ sự phối hợp của Đại học Dartmouth và Đại học Texas.

Để đánh giá tác động của những lời xin lỗi, các nhà nghiên cứu đã tiếp xúc với hàng ngàn người để đặt ra các câu hỏi cho họ và yêu cầu họ tham gia vào các thử nghiệm. Khi được yêu cầu viết ra “một cách hay để nói ‘Không’, 39% số người tham gia đều thêm vào một lời xin lỗi trong bức thư ngắn của mình với niềm tin là họ có thể làm tình hình sáng sủa hơn. Tuy nhiên, khi họ bị đặt vào vị trí là người nhận những lời xin lỗi này, họ nói rằng mình cảm thấy bị tổn thương hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, những lời xin lỗi có thể làm người ta nổi giận và khiến họ tìm cách trả đũa. Trong một thử nghiệm khác, họ sắp đặt những tình huống cự tuyệt trực tiếp để tìm hiểu cảm giác thực sự của những người bị từ chối.

“Người ta thường không muốn thú nhận rằng họ bị tổn thương, vì thế trong một số nghiên cứu, chúng tôi đã xem xét mức độ mong muốn trả đũa của những người bị tổn thương,” tiến sĩ Gili Freedman – tác giả của nghiên cứu – giải thích.

Trong thử nghiệm này, khi bị từ chối với một lời xin lỗi, những người bị từ chối đều muốn trả đũa: Nhiều người bơm thêm tương ớt vào món ăn của người vừa từ chối mình khi họ được “mật báo” là người này không thích ăn cay.

Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Dù thật lòng hay không, khi người ta nhận được lời xin lỗi, họ thường cảm thấy họ phải tha thứ cho người nói lời xin lỗi ngay cả khi họ chưa sẵn sàng làm việc đó. Sau khi yêu cầu những người tham gia xem các video có cảnh các nhân vật bị cự tuyệt: khi một người nhận được một lời xin lỗi kèm với sự từ chối, hầu hết người xem đều cảm thấy người đó bị buộc phải tha thứ, cho dù họ không thực sự muốn làm thế.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy dù có mục đích tốt, nhưng rõ ràng chúng ta đang đi sai đường,” Freedman cho biết.

Vì thế lần sau nếu bạn đang chuẩn bị đưa ra một lời xin lỗi và tin rằng nó sẽ giúp mọi chuyện dễ dàng hơn – tốt nhất là hãy cân nhắc thật kỹ.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM