Cô gái từng sống 1 mình trên đảo hoang cách đây hơn nửa thế kỷ, được cả thế giới gọi là 'Robinson phiên bản nữ' bây giờ ra sao?

10/07/2020 22:01 PM | Sống

Câu chuyện lần này được kể bởi chính chủ sẽ giúp chúng ta hiểu thật tường tận sự việc xảy ra nhiều năm về trước.

Những năm 1960, báo chí khắp nơi trên thế giới đồng loạt đưa tin về cô gái 19 tuổi được tìm thấy sống một mình trên hòn đảo hoang xa xôi ở Great Barrier Reef, vùng biển Queensland, nước Úc.

Đó chính là Terrie Rigdway, người được thế giới gọi vui với cái tên "Robinson phiên bản nữ". Thậm chí, tin tức về cô còn hot đến nỗi hồi đó, trên một tờ báo Mỹ, họ còn rất nhanh dựng lên một cậu chuyện kể về Terrie với tiêu đề là: "Cô gái đồng tính hoang dã nước Úc", hay gọi cô là "Nữ thần mặc bikini".

Đó đến nay, hình ảnh Terri trong nhiều câu chuyện được đưa ra bàn tán là cô gái sống ở một túp lều gần biển, trên người chỉ mặc bộ bikini da beo.

"Để kiếm thức ăn, cô ấy rình bắt những con chim rừng, lặn tìm tôm cá và trồng rau ở những khoảng đất màu mỡ trên hòn đảo." 

Nhưng rồi cũng không ai tìm hiểu được sự thật vì chính chủ đã hoàn toàn biến mất, sau lần bị bắt gặp bất ngờ đó.

Bẵng đi thật lâu, gần đây, câu chuyện thật của Terrie Ridgway năm xưa mới được vén lên bức màn bí ẩn.

Nhờ cuộc nghiên cứu kéo dài 12 tháng của Tiến sĩ Deb Anderson từ Đại học Monash và Phó giáo sư Kerrie Foxwell-Norton từ Đại học Griffith về đề tài những người có sợi dây kết nối với môi trường biển tự nhiên, "Robinson phiên bản nữ" đã đồng ý xuất hiện trả lời hết mọi thắc mắc.

Chuyến đi tình cờ hay định mệnh an bài?

Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Terrie Ridgway đã xuất hiện và kể về những gì thực sự xảy ra khi đó.

Vào đầu những năm 60, cô gái trẻ này đã từ bỏ công việc đánh máy nhàm chán của mình ở Brisbane để đến sống ở đảo North West, cách bờ biển Gladstone 75 km, trung tâm Queensland.

"Tôi còn rất trẻ và thích phiêu lưu, vì vậy tôi chỉ lên đại một chuyến tàu và đi về phía bắc", cô chia sẻ.

Dừng chân tại một nơi hoàn toàn xa lạ, cô nàng làm quen với cuộc sống mới rồi nhanh chóng kiếm được một công việc phục vụ trên đảo Heron, khu nghỉ mát cũng là một trạm nghiên cứu sinh vật biển thuộc sở hữu của Đại học Queensland.

Vì sống trên đảo, cô bắt đầu học lặn và nhanh chóng trở nên vô cùng thành thục.

Niềm yêu thích với biển và những sinh vật sống dưới nước cứ thế lớn dần lên khi cô kết thân với đội ngũ nhà khoa học làm việc ở đó.

"Ngay lúc đeo mặt nạ và ống thở vào rồi hoàn toàn biến mất trong dòng nước, tôi đã biết đó là thứ dành cho mình rồi", cô kể về những ngày tháng tươi đẹp nhất đời.

"Giữa giờ được nghỉ làm ở quán bar, tôi sẽ theo chân các bạn mình để đi lặn và thu thập các mẫu cho công việc nghiên cứu của họ."

"Họ sẽ luôn để cửa sổ mở vì cứ 2 giờ sáng, ngay sau khi tôi tan ca làm thì sẽ ghé qua. Tôi lách người thật nhẹ nhàng vào trong, chỉ để đọc và tìm hiểu về những rặng san hô dưới biển."

Vậy là, niềm yêu thích tự bao giờ đã nhen nhóm rồi lớn thành đam mê trong cô gái Terrie.

"Cuối cùng tôi kết hôn với một tên cướp biển"

Không chịu đựng nổi những ca làm việc thật dài và chán chường ở quán bar, cũng nghĩ rằng việc hằng đêm chỉ được đọc về thế giới dưới đại dương đã đến lúc phải dừng lại, năm 1966, cô gái táo bạo lại quyết định thực hiện một chuyến phiêu lưu mới.

"Tôi chuyển đến sống ở một hòn đảo phía Tây Bắc gần đó, trong một cái lều nhỏ xinh đẹp." Hành trang của cô gái trẻ vỏn vẹn chỉ là ống lặn, đống sách, bút vẽ, một chiếc đèn và cục pin 12Vol.

Giờ thì cô gái được lặn thỏa thích. Cả ngày, Terri chỉ việc đi lặn và đọc sách.

Tất cả tiền tiết kiệm trước đây cô dùng cho việc mua tài liệu, để có thể tìm hiểu và phân biệt được các loài san hô nhìn thấy mỗi lần ngụp lặn xuống dòng biển sâu.

"Tôi tự làm vườn rồi trồng rau, thỉnh thoảng thì săn một con gà rừng nếu cần ăn thịt, nhưng thịt của chúng rất dai."

Sống như thế được nửa năm thì một buổi sáng nọ, khi đang ngủ trong lều, Terrie bỗng giật mình tỉnh dậy phát hiện ra có một người lạ mặt với ống kính trên tay vội vã chụp ảnh cô.

Và sự việc sau ấy diễn ra như thế nào thì ai cũng biết, cái tên "Robinson phiên bản nữ" cũng từ đó mà ra.

 Cô gái từng sống 1 mình trên đảo hoang cách đây hơn nửa thế kỷ, được cả thế giới gọi là Robinson phiên bản nữ bây giờ ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều ngày tiếp theo đó, có rất nhiều người đàn ông gửi thư và quà đến đảo Heron mong muốn làm bạn trai cô gái xinh đẹp. Không ít người khi biết tin cũng cố lặn lội tìm đến tận nơi để trò chuyện và tìm hiểu.

Terrie biết rằng, mình không còn cách nào khác cứu vãn được nữa, cuộc sống mà cô mong muốn đã bị hủy hoại ngay giây phút cô tỉnh dậy vì tiếng "tách" phát ra từ một chiếc máy ảnh nào đó.

Cuối cùng, cô gái trẻ quyết định đi theo một chiếc thuyền gỗ 2 buồm của đội nghiên cứu san hô có tên Deo Danto, không quên mang theo ống lặn và sách, nói lời tạm biệt với hòn đảo hoang xinh đẹp và kết thúc chuỗi ngày hạnh phúc được sống trong thế giới riêng của chính mình.

"Thuyền trưởng cao gần 1m9, đầy râu, trông bặm trợn chả khác gì một tên cướp biển, đó cũng là người sau này tôi lấy làm chồng."

"Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quay lại đó"

Sau khi rời hòn đảo xa xôi phía Tây Bắc và trở về với cuộc sống thường nhật vì muốn tránh xa ống kính của các nhà báo, cô Ridgway vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê với thế giới dưới nước.

Cô dành nhiều năm làm việc cho các dự án nghiên cứu trên khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bao gồm cả làm việc cho Smithsonian, một học viện nghiên cứu và bảo tàng viện của chính phủ Hoa Kỳ.

Trong các chuyến đi khám phá của mình, không ít lần cô bị tai nạn đắm tàu nhưng may mắn sống sót.

Hiện tại Terrie Ridgway đã ở tuổi 70 và đang sinh sống tại Cooroy, Sunshine Coast đến nay đã được 30 năm. Cô đã ly dị người chồng "cướp biển" sau 20 năm chung sống còn niềm đam mê với đại dương và sinh vật biển vẫn còn nguyên.

"Tôi chưa lần nào quay lại đó và có lẽ cũng không, vì tôi sợ sẽ đau lòng nếu nhìn thấy hòn đảo thay đổi quá nhiều. 

Cuộc đời tôi đã chứng kiến không ít những nơi đẹp và hoang dã vô cùng, nhưng rồi sau đó vẻ đẹp đó cũng nhanh chóng mất đi."

 Cô gái từng sống 1 mình trên đảo hoang cách đây hơn nửa thế kỷ, được cả thế giới gọi là Robinson phiên bản nữ bây giờ ra sao? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Foxwell-Norton cho biết Học bổng có giá trị 60000 đô la đến từ Thư viện John Oxley sẽ giúp đỡ ông nghiên cứu câu chuyện về cô gái đảo Queensland và những câu chuyện chưa được kể về bảo tồn môi trường nói chung và các rạn san hô biển nói riêng.

Những câu chuyện sẽ tạo thành một danh mục cho Thư viện Nhà nước và sau này có thể được viết thành sách.

MAMMAMA

Cùng chuyên mục
XEM