Chuyện về "Cô gái Tarzan" sống đơn độc trên đảo hoang, bị truyền thông phát hiện thì lập tức lẩn trốn không để lại dấu vết suốt 50 năm
Sau 50 năm sống ẩn thân không lộ diện, cuối cùng người phụ nữ ấy đã chịu xuất hiện để kể cho mọi người nghe câu chuyện cuộc đời mình.
Vào năm 1960, người ta bất ngờ tìm thấy một cô gái mặc duy nhất bộ bikini da báo sống lủi thủi một mình trên một hòn đảo hẻo lánh ở Great Barrier Reef, thuộc khu vực Biển San Hô, ngoài khơi bờ biển Queensland, phía Đông Bắc nước Úc.
Ngay lập tức, thông tin này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu. Các tờ báo lớn, nhỏ đua nhau đưa tin về cô gái này với những dòng tít hấp dẫn như "Cô gái Tarzan" hay "Robinson phiên bản nữ".
Thậm chí, một số tờ báo của Mỹ còn dựng lên một câu chuyện kể về cô gái với tiêu đề là: "Cô gái đồng tính hoang dã nước Úc" và gọi cô là "Nữ thần mặc bikini".
Hình ảnh "Cô gái Tarzan" xuất hiện trên nhiều tờ báo thời bấy giờ.
Cô gái ấy tên thật là Terrie Ridgway (năm đó mới 19 tuổi). Những câu chuyện trên các tờ báo miêu tả Terrie sống ở một túp lều gần bờ biển, trên người chỉ mặc bộ bikini da báo.
Báo cáo cho biết: "Để có thức ăn và tồn tại, cô ấy bắt những con gà hoang dã, lặn xuống biển tìm hải sản và trồng rau trên những bãi đất màu mỡ của hòn đảo".
Terrie được cho là đã trả lời một tờ báo rằng: "Tôi đến đây để tìm hiểu và nghiên cứu về cá. Đó là tất cả những gì tôi từng muốn làm".
Thế nhưng, sau đó, không ai biết được thêm thông tin gì nữa và cũng chẳng ai có cơ hội được tận mắt nhìn thấy cuộc sống của "Cô gái Tarzan" bởi sau khi bất ngờ nổi tiếng trên toàn thế giới, Terrie đã biến mất không để lại dấu vết!
Thời gian nhanh chóng trôi qua, khi hình ảnh của "Cô gái Tarzan" dần đi vào quên lãng thì gần đây, câu chuyện thật của Terrie năm xưa mới được vén bức màn bí ẩn.
Tất cả là nhờ cuộc nghiên cứu kéo dài 12 tháng của Tiến sĩ Deb Anderson (Đại học Monash) và Phó giáo sư Kerrie Foxwell-Norton (Đại học Griffith).
Terrie đã đồng ý lộ diện để kể lại tất cả câu chuyện đã xảy ra trong suốt cuộc đời mình. Vào ngày 11/7 vừa qua, tờ ABC News đã đăng tải toàn bộ câu chuyện của bà Terrie khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Một nữ nhân viên phục vụ đam mê sinh học biển
Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, bà Terrie đã kể lại những gì thực sự xảy ra khi bà từ bỏ công việc đánh máy nhàm chán của mình ở Brisbane vào đầu những năm 60 để đến sống một mình trên Đảo North West, cách bờ biển Gladstone ở trung tâm Queensland 75km.
"Khi đó tôi còn rất trẻ và rất thích phiêu lưu mạo hiểm, vì vậy tôi cứ bước lên một chuyến tàu và đi về hướng Bắc", bà nói.
Một chuyến đi bất định đã đưa Terrie đến hòn đảo Heron và làm nhân viên phục vụ cho một quán đồ uống. Hòn đảo này có một khu nghỉ mát cũng là nơi có trạm nghiên cứu biển thuộc sở hữu của Đại học Queensland.
Công việc trong quán đồ uống đưa đẩy Terrie kết bạn với một số nhà nghiên cứu làm việc trên đảo. Cũng nhờ đó, cô trở thành một thợ lặn tài ba và niềm đam mê với sinh vật biển ngày càng lớn.
Đảo Tây Bắc, ngoài khơi trung tâm Queensland, nơi Terrie tìm thấy hòn đảo thiên đường của mình.
“Lần đầu tiên đeo mặt nạ và ống thở, tôi đã biến mất trong làn nước. Đó thật sự là điều dành cho tôi”, Terrie kể. Giữa giờ nghỉ từ công việc phục vụ, Terrie thường theo chân các nhà nghiên cứu đi lặn và thu thập mẫu vật dưới đại dương sâu thẳm.
"Vào ban đêm, họ luôn hé cửa sổ tại trạm nghiên cứu. Sau khi kết thúc ca làm việc lúc 2h sáng, tôi trèo qua cửa sổ và đọc ngấu nghiến thông tin về rạn san hô".
Cuộc phiêu lưu trên đảo bắt đầu như thế nào?
Bị kiệt sức bởi sau ca làm việc ở sau quầy bar và những đêm dài học tập nghiên cứu về biển, Terrie quyết định nghỉ việc làm phục vụ vào năm 1966.
"Tôi chuyển đến Đảo Tây Bắc ở gần đó, tự dựng một căn lều nhỏ xinh đẹp gần bãi biển với thiết bị lặn và sách, sơn, pin 12v và cả đèn", cô nói.
"Đó thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Tôi thích lặn xuống nước và thích vẽ, tôi cố gắng vẽ tất cả những con cá trên rạn san hô.
Toàn bộ tiền lương mà tôi tiết kiệm trong thời gian đi làm trước đó đều đổ vào việc mua sách tham khảo để tôi có thể xác định những gì mình đang tận mắt nhìn thấy dưới biển.
Tôi làm một khu vườn nhỏ trồng rau và mỗi tuần một lần, tôi ăn một bữa thịt gà nhưng nó thực sự rất khó nuốt".
Kết hôn với một "tên cướp biển"
Khoảng thời gian bình dị ấy không kéo dài được bao lâu. 6 tháng sau, một nhà báo từ thị trấn ven biển Yeppoon, ở Shire of Livingstone, Queensland, đã nghe được những câu chuyện người dân truyền tai nhau về "Robinson phiên bản nữ" và tìm đến hòn đảo để gặp Terrie.
"Một buổi sáng, tôi vừa thức giấc thì thấy anh ta nghiêng người trong túi ngủ để chụp ảnh tôi", cô nói.
Câu chuyện sau đó đã kết thúc cuộc sống yên bình của cô gái trẻ trên đảo.
"Người ta đọc được câu chuyện trên báo và thi nhau đến thăm rồi còn muốn làm bạn với tôi.
Có hẳn một bao tải thư chờ tôi trên đảo Heron, bao gồm cả những lời cầu hôn từ khắp nơi trên thế giới.
Tôi quyết định rằng mình phải đi, không đời nào tôi ở lại đó, họ đã phá hủy cuộc sống yên bình của tôi", Terrie kể.
Nhanh chóng, Terrie chuẩn bị đầy đủ dụng cụ lặn với ống thở, quần áo và một vài cuốn sách, rồi nhảy lên một chiếc tàu lặn hai cột buồm dài 26m, tên Dante Deo, của các nhà khoa học Mỹ đang trên hành trình đi nghiên cứu về rạn san hô.
Terrie kể rằng: “Thuyền trưởng là một người Mỹ cao gần 1,9m, mắt xanh, có bộ râu và trông không khác gì một tên cướp biển.
Trong buổi chiều hoàng hôn ấy, tôi đã nhảy lên con thuyền với 'tên cướp biển', người mà tôi lấy làm chồng sau này".
Không bao giờ trở lại
Sau khi rời đảo Tây Bắc, Terrie dành nhiều năm làm việc cho các dự án nghiên cứu trên khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bao gồm cả con tàu Smithsonian và từng bị tai nạn đắm tàu nhiều lần nhưng vẫn may mắn sống sót..
Hiện bà đã ngoài 70 tuổi và sinh sống tại thị trấn Cooroy ở vùng Sunshine Coast trong suốt 30 năm qua.
“Robinson phiên bản nữ” hiện đã ở tuổi 70.
Sau cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm với “tên cướp biển”, Terrie đã ly thân chồng cách đây một thời gian. Terrie vẫn có niềm đam mê khám phá môi trường và động vật hoang dã nên hiện nay bà đang dành thời gian giải cứu loài cáo bay.
“Tôi lo lắng về tương lai của hành tinh này. Các rạn san hô đang gặp nguy hiểm, trong khi con người hiểu sai ý nghĩa của chúng đối với môi trường”.
Terrie chưa bao giờ trở lại đảo North West và có lẽ là không bao giờ nữa. Bà nói: “Tôi tưởng tượng sự thay đổi sẽ khiến trái tim tôi tan nát.
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều nơi hoang sơ trên thế giới đã bị tàn phá nghiêm trọng và chẳng còn chút gì gọi là hoang sơ nữa".
Dù thất vọng về tình trạng môi trường hiện nay nhưng Terrie cho biết bà cảm thấy vô cùng hài lòng với cuộc sống của mình.
Tiến sĩ Foxwell-Norton cho biết Học bổng có giá trị 60.000 đô la đến từ Thư viện John Oxley sẽ giúp đỡ ông nghiên cứu câu chuyện về cô gái đảo Queensland và những câu chuyện chưa được kể về bảo tồn môi trường nói chung và các rạn san hô biển nói riêng.
Những câu chuyện sẽ tạo thành một danh mục cho Thư viện Nhà nước và sau này có thể được viết thành sách.