Chuyện làm truyền thông ngành tài chính: Không còn "dọa khách" để bán bảo hiểm, đổi mới từ trong sản phẩm bằng thẻ ngân hàng theo... cung hoàng đạo

13/12/2023 10:00 AM | Kinh doanh

"Trước đây, nhiều người đi theo hướng làm gia tăng nỗi sợ để khách mua sản phẩm, đặc biệt là bảo hiểm, nhưng bây giờ không như vậy nữa", anh Nguyễn Thành Long - Đối tác Điều hành tại Xanh Marketing chia sẻ về một ngành được cho là "khó nhằn" với những người làm truyền thông.

Thay vì đi vào những ngành sôi động như tiêu dùng nhanh, Xanh Marketing, một công ty cung cấp dịch vụ marketing kỹ thuật số và sáng tạo, lựa chọn tập trung vào những lĩnh vực đòi hỏi kiến thức về ngành hàng phải cao. Ví dụ như tài chính - bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… hoặc chăm sóc sức khỏe – vấn đề được quan tâm nhiều hơn kể từ sau đại dịch.

"Đối với những ngành như tài chính, sức khỏe thì ngoài vấn đề luật định còn có các quy định khác nhau trong việc truyền thông cho sản phẩm. Người tiêu dùng cũng phải hiểu biết, cân nhắc trước khi ra quyết định. Ví dụ như mua một cây kem rất dễ, nhưng một sản phẩm bảo hiểm đâu có chọn được ngay", anh Nguyễn Thành Long - Đối tác Điều hành tại Xanh Marketing chia sẻ trong tập mới đây của series podcast Chapter0 do Rising Vietnam sản xuất.

Chuyện làm truyền thông ngành tài chính: Không còn "dọa khách" để bán bảo hiểm, đổi mới từ trong sản phẩm bằng thẻ ngân hàng theo cung hoàng đạo - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Thành Long - Đối tác Điều hành tại Xanh Marketing.

Khi được hỏi về những điều cần lưu ý khi làm truyền thông trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, anh Long nhấn mạnh đầu tiên là phải hiểu luật. Thứ hai, bảo hiểm là một trong những ngành dễ gặp các tình huống thông tin sai lệch, thậm chí là thông tin tiêu cực.

"Đó là lý do ngành tài chính nói chung bây giờ thường chọn cách nói chuyện tích cực, vui vẻ, mang năng lượng tốt đến với mọi người. Trước đây, nhiều người đi theo hướng làm gia tăng nỗi sợ để khách mua sản phẩm, đặc biệt là bảo hiểm, nhưng bây giờ không như vậy nữa.

Đấy là một xu hướng chung của ngành và xu hướng tiếp nhận của người dùng. Họ không thích những thứ mang tính tiêu cực khi tiếp nhận một sản phẩm về tài chính nữa", anh Long phân tích.

Lưu ý thứ 3 được đưa ra là mức độ tin cậy của thương hiệu. Bên cạnh những lợi ích mà khách nhận được thì làm sao để họ tin vào thương hiệu là điều khó. Anh Long chỉ ra rằng đây chính là lý do các thương hiệu tài chính thường tổ chức những hoạt động như giải chạy, hoặc chia sẻ nội dung mang tính chất giáo dục hữu ích.

Cuối cùng, anh Long nhấn mạnh tính đổi mới trong việc truyền thông cho sản phẩm tài chính.

"Có những ngân hàng đã đổi mới từ trong sản phẩm, ví dụ như thẻ ngân hàng được thiết kế rất bắt mắt, làm theo cung hoàng đạo hoặc nickname… Cho nên cũng cần thay đổi cách nhìn trong tiếp thị, truyền thông.

Lưu ý đầu tiên về luật là để giữ cho mình tỉnh táo. Còn lưu ý cuối về việc cập nhật xu hướng là để mình có thể chiếm ưu thế trong việc tiếp cận, đặc biệt là những người tiêu dùng trẻ thuộc thế hệ mới. Những sản phẩm về tài chính hơi khác trong mắt họ", vị chuyên gia marketing đánh giá.

Chia sẻ cụ thể hơn về góc nhìn của người trẻ đối với các sản phẩm tài chính, anh Long chỉ ra rằng ở thị trường nước ngoài, mọi người khá hiểu biết về một số sản phẩm bảo hiểm, nhưng ở Việt Nam không như vậy.

"Dưới góc độ người dùng, mọi người còn quá ít sự sẵn sàng, hiểu biết và tin tưởng để có thể lựa chọn sản phẩm tài chính. Từ đó dẫn đến sự xuất hiện các sản phẩm mang tính chất thâm nhập thị trường, chẳng hạn như thẻ credit chuyên để mua sắm trên Shopee, hay dịch vụ mua trước trả sau. Các sản phẩm này là tiền đề để mọi người tìm hiểu tiếp những thứ khác", anh cho biết.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM