Chuyện lạ: Tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhân viên giả chết để nghỉ việc ở Nhật và nhiều nước Phương Tây
"Điều đó thực sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi khuyến nghị mọi người, bất kể là sếp hay nhân viên, đừng bao giờ biến mất đột ngột như vậy chỉ vì bạn muốn nghỉ việc", chuyên viên tuyển dụng Dawn Fay của hãng Robert Half nói.
Tại Nhật Bản, văn hóa làm việc khắc nghiệt khiến rất nhiều nhân viên cảm thấy sợ hãi những người sếp của mình. Trước đây việc gắn bó cả đời với 1 doanh nghiệp đã thành biểu tượng của văn hóa công sở Nhật Bản nhưng ngày này, giới trẻ Nhật đang ngày càng chuyển việc nhiều để theo đuổi sự nghiệp của mình.
Như một hệ quả tất yếu, nhu cầu nghỉ việc trong xã hội Nhật ngày một tăng nhưng lại có rất nhiều nhân viên không dám đối mặt với sếp. Vậy là Senshi S, một công ty chuyên giúp người Nhật nghỉ việc ra đời. Startup này làm mọi thứ, từ thuê người đến nói lịch sự với sếp cho đến giả giấy chứng tử để giúp người Nhật nghỉ việc theo cách dễ dàng nhất họ muốn.
Anh Yuichiro Okazaki và Toshiyuki Niino là những người rất rành về nghỉ việc. Trong 18 tháng qua, 2 người đàn ông này đã giúp 1.500 trường hợp nghỉ việc tại Nhật. Họ là nhưng nhà sáng lập của Senshi S, chuyên giúp nhân viên Nhật nghỉ việc theo cách thoải mái nhất.
"Phần lớn họ sợ sếp của mình. Họ cho rằng sếp sẽ không cho họ nghỉ. Đây là một kiểu văn hóa tại Nhật khi bạn nghỉ làm thì có nghĩa bạn là người xấu. Bởi vậy nhiều người khi muốn thôi việc có cảm giác tội lỗi", anh Okazaki nói.
Chỉ với 50.000 Yên, tương đương 457 USD, Senshi S có thể gọi cho sếp thay bạn và đưa kiến nghị nghỉ việc. Một số trường hợp sếp quá khó tính và phải cần vài cuộc gọi mới kết thúc được hợp đồng. Thậm chí có những công ty không chấp nhận việc xin nghỉ thay như vậy và yêu cầu nhân viên trực tiếp đến nói chuyện.
Theo anh Okazaki, Nhật Bản hiện có khoảng 30 công ty cũng đang kinh doanh dịch vụ giống của anh. Sự thay đổi văn hóa làm việc từ trung thành cả đời sang theo đuổi đam mê, đi kèm với đó là tốc độ lão hóa nhanh khiến thị trường thiếu lao động đang làm nhu cầu nghỉ việc tăng cao ở Nhật.
"Tư tưởng của giới trẻ hiện nay đã khác nhưng văn hóa làm việc và các công ty vẫn không chịu thay đổi, hệ quả là họ cần đến những người như chúng tôi", anh Okazaki nói.
Những nhân viên giả chết
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc nghỉ làm cũng suôn sẻ. Sẽ thế nào nếu bạn muốn chấm dứt mọi hợp đồng ngay tức khắc mà chẳng muốn dây dưa nhiều? Trong báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), rất nhiều trường hợp lao động biến mất đã xảy ra mà doanh nghiệp không hiểu lý do vì sao.
Cô Chris Yoko, chủ một doanh nghiệp tại bang Virginia cho biết mình từng thuê một nhân viên làm việc nhận và trả lời thư điện tử cũng như điện thoại, nhưng anh này không đến làm. Họ buộc phải giao việc cho người khác.
Sau đó một người tự xưng là bạn anh này liên hệ công ty qua thư điện tử, cho biết anh ta đã qua đời do tai nạn xe hơi nên gia đình muốn xin đơn hoàn thuế. Dẫu vậy cô Yoko cảm thấy có gì đó không đúng nên đã mò tài khoản mạng xã hội Twitter của người đàn ông này.
Mọi chuyện vỡ lẽ khi anh ta chụp ảnh tự sướng với gia đình và chẳng có tai nạn nào cả.
Chuyện tương tự xảy ra với một nhân viên quản lý tầm trung tại Anh xin được giấu tên khi phỏng vấn với tờ BBC. Cô cho biết mình đã ký hợp đồng 3 tháng với 1 công ty nhưng bỏ việc ngay lập tức do tìm được công việc mới tốt hơn.
Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp thấp ở Nhật, Anh, Mỹ khiến người lao động dễ dàng tìm được công việc mới và biến mất trước khi đi làm cho doanh nghiệp cũ theo hợp đồng. Theo chuyên viên tuyển dụng Chris Gray của Manpower, khi một người muốn nghỉ việc và biến mất thì thường các công ty sẽ chẳng mất thời gian tìm họ làm gì mà sẽ kiếm người mới.
Biện pháp duy nhất cho những tình trạng này là doanh nghiệp cần tìm hiểu và làm quen nhiều hơn với những nhân viên họ sẽ định tuyển. Ngược lại, những người muốn ra đi không nói lời từ biệt cũng nên cân nhắc việc biến mất đột ngột này. Chẳng công ty nào muốn thuê một nhân viên có thể biến mất bất kỳ lúc nào, đó là chưa kể đến những nghi ngờ về lừa đảo hay các rắc rối khác.
"Điều đó thực sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi khuyến nghị mọi người, bất kể là sếp hay nhân viên, đừng bao giờ biến mất đột ngột như vậy chỉ vì bạn muốn nghỉ việc", chuyên viên tuyển dụng Dawn Fay của hãng Robert Half nói.