Chuyên gia Novaon chỉ ra 6 sai lầm phổ biến khiến doanh nghiệp “đốt tiền” chạy quảng cáo nhưng vẫn không hiệu quả

24/04/2019 10:14 AM | Kinh doanh

Trong đó nguyên nhân cơ bán nhất chính là sự thiếu nghiên cứu thị trường khiến doanh nghiệp chạy quảng cáo sai đối tượng, từ đó không đạt hiệu quả đề ra.

Thời đại cạnh tranh khốc liệt, cộng thêm sự lên ngôi của các kênh bán hàng online khiến đa phần doanh nghiệp đều sẵn lòng bỏ tiền để chạy quảng cáo, từ Facebook Ads, Google Ads...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều đơn vị không ngại đầu tư vào quảng cáo nhưng kết quả lại không được như kỳ vọng. Dựa trên kinh nghiệm làm việc với hơn 50.000 đối tượng khách hàng trong khoảng 13 năm qua, bà Hoàng Thảo, Giám đốc khối dịch vụ Novaon Ads chỉ ra 6 sai lầm phổ biến dưới đây liên quan đến quá trình chạy quảng cáo của doanh nghiệp.

1. Không nghiên cứu thị trường

Bước đầu tiên khi cần chạy quảng cáo là bước nghiên cứu thị trường nhưng đây lại là bước thường bị bỏ qua nhiều nhất. Khi bắt tay vào quảng cáo, nhiều doanh nghiệp sẽ thiết lập tài khoản, tối ưu luôn và ngồi chờ kết quả đổ về mà ko hiểu insight (tạm dịch: mong muốn ẩn sâu, PV) của khách hàng. Việc này dẫn đến toàn bộ quảng cáo nhắm không đúng tệp khách hàng mục tiêu và kết quả tất yếu là quảng cáo không hiệu quả.

2. Website thiết kế không đủ

Nhiều website không có nút để theo dõi tỷ lệ chuyển đổi cần thiết khi chạy quảng cáo. Ví dụ không có nút "Call", không có khung chat Facebook, ... Điều này ngăn cản khách hàng muốn tương tác với doanh nghiệp, đồng thời quảng cáo không thể gắn tracking để theo dõi và tối ưu chuyển đổi.

3. Không cập nhật thay đổi thuật toán của các nền tảng vào kênh

Hiện tại đa phần các kênh đều liên tục thay đổi thuật toán, có update để nhà quảng cáo gia tăng hiệu quả quảng cáo. Việc không cập nhật sẽ khiến doanh nghiệp tối ưu quảng cáo theo phương thức cũ, và tại một thời điểm nào đó khi phương thức cũ không còn phù hợp, doanh nghiệp sẽ không kịp xoay sở.

4. Bài toán triển khai chỉ phụ thuộc vào 1-2 kênh

Khi tài khoản quảng cáo trên kênh bị tạm ngưng, nhất là với những người kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào online, thì toàn bộ trang thái kinh doanh tại thời điểm đó sẽ lao đao hoặc bị trì trệ.

5. Chạy quảng cáo nhưng không tracking (theo dõi lượt chuyển đổi)

Chạy quảng cáo nhưng không tracking đồng nghĩa doanh nghiệp không có dữ liệu để tối ưu hoá chuyển đổi hoặc sẽ tracking sai. Việc tracking sai trên thực tế còn tệ hơn không tracking vì toàn bộ quyết định tối ưu hoá chuyển đổi sau đó cũng bị sai theo.

6. Chạy chuyển đổi ngắn hạn, chưa kết hợp các công cụ tự động để tối ưu

Ví dụ doanh nghiệp chạy Facebook Ads, có khách hàng inbox nhưng lại không có nhân sự chăm sóc, phân loại dữ liệu, không có CMR (giải pháp quản lý khách hàng tự động, PV) để duy trì khiến chi phí quảng cáo cho khách hàng mới ngày càng cao, không tận dụng upsales được khách hàng cũ.

"Đây là 6 thực trạng phổ biến tại Việt Nam, xuất phát từ việc chưa hiểu rõ, hiểu đúng, đủ quy trình tối ưu chuyển đổi", bà Hoàng Thảo nhấn mạnh.

"Để bắt đầu tối ưu chuyển đối, bước đầu tiên là các doanh nghiệp hãy nghiên cứu thị trường, tìm hiểu insight khách hàng, đồng thời chú tối ưu website trước khi bắt tay vào bất cứ công việc gì. Tối ưu website liên quan đến tốc độ load trang, mức độ thân thiện với phiên bản mobile và nội dung cụ thể của website".

Đặc biệt, chuyên gia Novaon cũng nhấn mạnh đến quy tắc 80/20 trong quá trình chạy quảng cáo. Nghĩa là doanh nghiệp nên dùng 80% ngân sách quảng cáo để duy trì các kênh cũ đang tạo ra chuyển đối tốt, còn 20% để thử nghiệm kênh mới, trải nghiêm tỷ lệ chuyển đổi trên kênh mới.

"Một content, một platform thời điểm này tạo ra chuyển đổi tốt nhưng có thể ngay từ tuần sau đã kém hiệu quả. Nếu không có phương án backup phía sau kịp thời thì doanh nghiệp rất dễ đi vào ngõ cụt", bà Thảo nhấn mạnh.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM