Chuyên gia kinh tế chỉ ra hiện tượng bất thường trong tăng trưởng kinh tế quý II/2017

20/07/2017 07:21 AM | Kinh tế vĩ mô

Tốc độ tăng trưởng của quý II/2017 cao hơn quý I những 1 điểm phần trăm. Đây là một hiện tượng đột biến bởi từ năm 2001- 2016, chỉ có duy nhất năm 2009 diễn ra điều tương tự, nhưng đó là năm đặc biệt do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu của Market Intello vừa cho biết nếu so sánh tốc độ tăng trưởng của quý II/2017 với quý I/2017 sẽ thấy quý sau cao hơn quý trước 1,02 điểm phần trăm.

Theo Market Intello, thông thường GDP Việt Nam có mức tăng trưởng thấp trong quý I, sau đó tăng tốc dần vào các quý sau. Dù vậy, con số hơn 1 điểm phần trăm này đang thể hiện mức độ tăng khác thường.

Trong quá khứ, từ năm 2001 trở lại đây chỉ có duy nhất một lần diễn ra điều này. Đó là năm 2009, tăng trưởng quý I/2009 chỉ đạt 3,14% do khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, sang quý II của năm đó, kinh tế phục hồi lại, đạt mức 4,41%.

“Nếu chúng ta loại trừ trường hợp đặc biệt năm 2009, trong quá khứ từ năm 2001 – 2016, mức tăng quý sau hơn quý trước trên 1 điểm phần trăm chỉ diễn ra sáu lần và đều rơi vào quý III”, nhóm chuyên gia Market Intello cho hay.

Nhóm này cũng cho biết GDP 6 tháng đạt được kết quả khả quan như vậy cũng nhờ vào khu vực dịch vụ (tăng 6,85% so với cùng kỳ năm 2016). So sánh với quá khứ, mức tăng trưởng này có xu hướng quay lại thời kỳ 2006 – 2008, giai đoạn Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong gần hai thập kỷ qua. Đây cũng là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2017.

Bởi lẽ, số liệu thống kê từ năm 2000 đến nay cho thấy dịch vụ là khu vực có mức tăng trưởng tương đối ổn định nếu so với các khu vực khác. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa thì khu vực công nghiệp – xây dựng và nông nghiệp cần phải lấy được đà tăng trưởng.

Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP sẽ được nâng ở mức kỷ lục?

Mặc dù nhìn nhận để đạt được mức tăng trưởng 6,7% cả năm 2017 là khó khăn nhưng Chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện mục tiêu này bằng hàng loạt các biện pháp được đưa ra. Chỉ thị số 24 yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một minh chứng điển hình.

Đáng chú ý nhất trong các giải pháp là nâng tỷ trọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP lên mức kỷ lục 34-35%. Nếu như kế hoạch này được thực hiện thì đây sẽ tỷ trọng cao nhất kể từ năm 2010.

Để đạt được mức đầu tư toàn xã hội cao như vậy, Chính phủ tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hạ lãi suất và xử lý nợ xấu để thúc đẩy tín dụng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài…

Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái kích thích tăng trưởng tín dụng như thuyết phục được Chính phủ và Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu; hạ các mức lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, hạ mức trần cho vay ngắn hạn trong một số ngành ưu tiên thêm 0,5 điểm %.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Market Intello cho rằng khả năng thúc đẩy khu vực tư nhân mở rộng đầu tư cũng có thể vẫn sẽ gặp trở ngại nếu như Chính phủ không thuyết phục được doanh nghiệp và nhà đầu tư rằng các giải pháp kích thích tăng trưởng tín dụng hiện nay sẽ không dẫn đến lạm phát tăng cao hoặc bất ổn vĩ mô trong tương lai.

“Như kinh nghiệm tăng trưởng nóng của nền kinh tế giai đoạn 2006-2008 cho thấy một khi “con hổ” lạm phát một khi đã xổng chuồng thì rất khó có thể nhốt lại mà không khiến cho nền kinh tế phải trả giá”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Đối với nhóm giải pháp tăng cường khai thác khoáng sản, đặc biệt là dầu thô, các chuyên gia của Market Intello thể hiện lo ngại về việc giá dầu đang trong xu thế giảm sẽ là thách thức lớn.

Những người này cho rằng trong bối cảnh sức cầu trong nước yếu, Việt Nam có lẽ nên mở rộng thị trường xuất khẩu, coi đó là lối ra để duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện mới chỉ có khối FDI đang tận dụng thị trường này, hiện tốc độ tăng 6 tháng của khu vực FDI về xuất khẩu là 21%, trong khi đó mức tăng chung của cả nước chỉ đạt 18,9%.

Tóm lại, hiện những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ mới là ngắn hạn, cơ bản trông vào chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc có thể đạt được mục tiêu năm 2017 cũng như duy trì trong dài hạn hay không là câu hỏi mở.

“Điều này phụ thuộc nhiều vào việc liệu Việt Nam có thể cải thiện được mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng hiện nay hay không vì đây mới là nhân tố chính quyết định Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong tương lai”, nhóm chuyên gia của Market Intello nhấn mạnh.

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM