Chuyên gia giao thông Pháp: 10,5 triệu dân tại Hà Nội là lợi thế để nâng cấp hệ thống giao thông công cộng
Tại buổi hội thảo về "Tác động môi trường của giao thông đô thị", ông Yann Maublanc (chuyên gia thuộc công ty tư vấn Espelia, Pháp) nhấn mạnh, tác động của giao thông tới chất lượng không khí cũng như chất thải nhà kính là thách thức chung với tất cả đô thị trên toàn cầu.
Nguyên tắc trong quy hoạch giao thông đô thị là ưu tiên phương tiện giao thông công cộng
Đặc biệt, đối với Hà Nội , thách thức này lớn hơn rất nhiều vì đây là thành phố đang phát triển về kinh tế, xã hội. Đồng thời, chất lượng không khí của Hà Nội cũng đang có sự xuống cấp và được cho là một trong những thành phố ô nhiễm không khí rất lớn.
Việt Nam hiện có khoảng 50 triệu xe máy đang lưu hành, tương đương khoảng 50% dân số. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng xe máy bán ra tại thị trường Việt Nam trong năm 2020 đạt khoảng 2,71 triệu chiếc.
Riêng đối với Hà Nội, khoảng 5,64 triệu phương tiện cơ giới được đăng ký, tỷ lệ phương tiện cơ giới so với dân số đạt 77,1%, với khoảng 5,04 triệu phương tiện là xe máy. Đó còn chưa kể các phương tiện giao thông không đăng ký, không rõ nguồn gốc...
Chuyên gia Yann Maublanc
Chuyên gia quy hoạch Pháp, ông Yann Maublanc nhận định, giao thông đường bộ là một trong những nguồn phát thải chính gây ra ô nhiễm không khí, với khoảng 27% bụi mịn, 56% khí thải ni tơ và 29% khí thải các bon. Trong đó, khí thải ni tơ và bụi mịn là những chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Số liệu báo cáo của Chi Cục bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội nêu rõ, nồng độ bụi mịn trong không khí cao gấp từ 2 – 3 lần mức cho phép. Ô nhiễm cũng có xu hướng trầm trọng hơn vào mùa đông (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau).
"Nguyên tắc trong quy hoạch giao thông đô thị luôn hướng tới việc ưu tiên phương tiện giao thông công cộng để giải quyết các vấn đề về giao thông", ông Yann cho hay. Cụ thể, việc vận chuyển 240 hành khách thường sử dụng trung bình 180 chiếc ô tô, xe máy nhưng chỉ cần 3 chiếc xe bus và 1 chuyến tàu điện.
Do vậy, việc sử dụng giao thông công cộng giúp giảm phát thải, giảm tắc đường, hạn chế tai nạn gây ra bởi ý thức của người dân. Song, hình thức di chuyển bằng phương tiện công cộng ở thành phố Hà Nội vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Toàn thành phố cs 125 tuyến xe bus, 2 tuyến tàu điện trên cao (metro) và 1 tuyến bus nhanh (BRT).
Lợi thế đối với hệ thống giao thông công cộng nhờ mật độ dân số cao
Theo ông Yann Maublanc, chất lượng phục vụ đang là điểm yếu của giao thông công cộng, cụ thể là sự thiếu hụt về thông tin hành trình, chất lượng trạm chờ xe bus tương đối kém, phương tiện cũ đã xuống cấp và tốc độ thương mại thấp do thiếu quy hoạch đường xá. Giao thông công cộng tại Hà Nội hiện chiếm khoảng 10% tổng lưu lượng vận tải hành khách, cho thấy còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.
Cũng tại đây, ông Vincent Szaleniec, chuyên gia giao thông Pháp đề xuất, Hà Nội có thể thực hiện một số biện pháp để giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị, bao gồm các mục tiêu cụ thể như tăng cường hệ thống giao thông công cộng, sử dụng các phương tiện cá nhân có trách nhiệm và khuyến khích đi bộ, đi xe đạp.
Liên quan đến hệ thống giao thông công cộng, ông Vincent Szaleniec khẳng định, Hà Nội đang sở hữu lợi thế rất lớn nhờ vào mật độ dân số cao. "Thành phố càng đông càng dễ triển khai giao thông công cộng".
Đối với nhận định này, chuyên gia Yann Maublanc cho biết ông đồng tình, tuy nhiên trở ngại chính để phát triển giao thông công cộng lại nằm ở hạ tầng giao thông đường bộ chưa phát triển, "tại khu vực trung tâm thì mật độ dân số rất cao, không bố trí thêm được gì, ở các khu mới có đường xá rộng nhưng cũng không có tuyến riêng cho xe bus".
Cuối cùng, ông Yann Maublanc đưa ra đề xuất: Hà Nội có thể lựa chọn mô hình quy hoạch TOD (phát triển đô thị dựa vào giao thông công cộng, lấy đầu mối giao thông công cộng làm điểm tập trung dân cư). Hiện nay, nhiều thành phố hiện đại trên toàn cầu cũng đang áp dụng mô hình này và đã thành công.