Hà Nội kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 21.000 tỷ đồng cho 4 dự án giao thông
Đây đều là các dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội, không chỉ phát triển cho Hà Nội mà còn cả các tỉnh miền núi phía Bắc...
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/3, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề liên quan tới các dự án giao thông trọng điểm.
Cụ thể, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) cho 4 dự án lĩnh vực giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng.
Các dự án này bao gồm: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; và xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32.
Với kiến nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Hà Nội báo cáo Thủ tướng và có kết quả đồng ý 3 dự án, trong đó có các dự án liên vùng không chỉ phát triển cho Hà Nội mà còn các tỉnh miền núi phía Bắc.
Riêng về đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc, đây là dự án quy mô lớn, trước đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng cho phép thuê chuyên gia thẩm tra. Dự kiến, trong tuần tới Bộ sẽ trình Thủ tướng nội dung này.
Tại buổi làm việc, thành phố Hàn Nội cũng kiến nghị Chính phủ giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, khi triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị, như đối với vị trí ga C9 trong tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo). Kiến nghị chấp thuận vị trí nhà ga C9 theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ giao thành phố chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng thống nhất các yếu tố, điều kiện về kỹ thuật chạy tàu, yêu cầu của Luật Di sản văn hóa để xác định cụ thể phạm vi, các yêu cầu của lối lên, xuống và các yêu cầu về kỹ thuật khác để thiết kế, hạn chế ít nhất ảnh hưởng đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm…
Với kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Phương cho biết Bộ sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng ga C9 có ảnh hưởng đến di sản văn hóa hay không.
Về vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai, thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội ngày 28/3 - Ảnh: VGP
Ngoài ra, Hà Nội cũng kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025. Về kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết quan điểm của Bộ là có thể xem xét mức điều tiết trên 35% nhưng mức cụ thể phải cân đối chung với cả nước.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Anh Tuấn cho biết, tỷ lệ điều tiết ngân sách 2017-2021 của Hà Nội là 35%, giảm 7% so với các năm trước. Bộ Tài Chính sẽ phối hợp các Bộ tham mưu với Chính phủ về nội dung này để tăng chủ động điều tiết ngân sách của Thành phố.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ sớm ký ban hành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 để thành phố Hà Nội triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Trả lời kiến nghị này, Thủ tướng khẳng định sẽ sớm có Nghị định để thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.
Với các kiến nghị và đề xuất nêu trên của thành phố Hà Nôi, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển.