Chuyên gia bày cách giải bài toán nghẽn dòng tiền của DN BĐS: “Dân cực nhiều tiền! Giá nhà hợp lý, họ sẽ mua thôi!”

27/12/2022 08:39 AM | Kinh doanh

TS. Cấn Văn Lực nhận định đây là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cơ cấu lại, và phải chấp nhận giảm giá bán. “Giá bán tăng tương đối nhanh thời gian vừa qua, giờ phải chấp nhận giảm giá bán về mức độ hợp lý hơn, để giải tỏa được nghĩa vụ tài chính trước mắt, người dân mua được thì anh chị mới có dòng tiền. Như vậy, ‘cả làng’ đều vui”, TS. Lực nói.

Chuyên gia bày cách giải bài toán nghẽn dòng tiền của DN BĐS: “Dân cực nhiều tiền! Giá nhà hợp lý, họ sẽ mua thôi!” - Ảnh 1.

Trước câu chuyện khó khăn hiện tại của thị trường bất động sản Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, thị trường hiện nay khác hoàn toàn so với giai đoạn 2011 – 2013, đồng thời sẽ phục hồi nhanh hơn, nhờ lực cầu rất lớn.

“Nếu chúng ta tháo gỡ về mặt pháp lý thôi, hàng nghìn dự án có thể bắt tay triển khai được ngay”, TS. Lực cho biết.

“Chúng tôi cùng với tổ công tác rà soát lại, thì TPHCM còn 1.000 dự án đang ách tắc vì vấn đề pháp lý; Hà Nội cũng có chừng 300 - 400 dự án; riêng condotel có 239 dự án toàn quốc đang ách tắc bởi pháp lý, giá trị khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD đang tắc”.

Liên quan đến chuyện giải cứu thị trường bất động sản, TS. Lực cho biết rất khó dùng tiền ngân sách để giải cứu, trong bối cảnh rất nhiều ngành nghề đang trông chờ “bầu sữa” này, ví như nhiều doanh nghiệp da giày, dệt may ở TPHCM đang gặp tình trạng phải giảm giờ làm hoặc cho công nhân nghỉ việc.

“Chính phủ, theo tôi, sẽ hỗ trợ cơ bản về mặt chính sách. Tháo gỡ chính sách quan trọng hơn nhiều so với chuyện hỗ trợ bằng tiền”, TS. Lực nói.

Ông cũng đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp, nên nhìn nhận đây là cơ hội để cơ cấu lại sản phẩm cũng như giá thành.

Doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá bán. Giá bán tăng tương đối nhanh thời gian vừa qua, giờ phải chấp nhận giảm giá bán về mức độ hợp lý hơn, để giải tỏa được nghĩa vụ tài chính trước mắt, người dân mua được thì anh chị mới có dòng tiền. Như vậy, ‘cả làng’ đều vui”, ông Lực nói.

Doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá bán để giải tỏa được nghĩa vụ tài chính trước mắt, người dân mua được thì anh chị mới có dòng tiền. Như vậy, ‘cả làng’ đều vui
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Về giá nhà, tính riêng thị trường TPHCM, đầu năm 2016, chỉ có 550 dự án chung cư xung quanh thị trường TPHCM, với mức giá 22 triệu đồng/m2. Đến năm 2022, tính cả thị trường TPHCM, Bình Dương, ra ngoài cả vành đai 2, tổng có 740 dự án, mức giá trung bình 50 triệu đồng/m2, theo thông tin từ ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam Batdongsan.com.vn.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản vẫn đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp. Cụ thể, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giá giao dịch tăng cao.

Nguồn cung khan hiếm, giá cao đã khiến tỷ lệ hấp thụ ở thị trường căn hộ sơ cấp giảm mạnh. Tại thị trường TPHCM, ông Tuấn cho biết tỷ lệ hấp thụ tại thị trường căn hộ sơ cấp trong Quý 4 chỉ ở mức 25% - 30%, thấp kỷ lục.

“Chúng ta phải nhìn thị trường đang ở điểm nào để đưa ra chính sách hợp lý hơn. Đương nhiên, doanh nghiệp cũng cần căn hộ cao cấp để có lợi nhuận tốt hơn, bởi nhà giá rẻ lợi nhuận thấp hơn. Nhưng chúng ta muốn phát triển hay tắc nghẽn như bây giờ?”, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản đặt câu hỏi.

“Dân cực nhiều tiền! Giá nhà hợp lý, họ sẽ mua thôi!”, ông Đính nói thêm.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM