Chuyện cuối tuần: Giá là thứ bạn phải trả, nhưng giá trị mới là thứ mà bạn nhận được

04/06/2017 10:09 AM | Kinh doanh

Ben Graham từng nói: "Giá là thứ bạn phải trả, giá trị là thứ mà bạn nhận được. Cho dù là tất (socks) hay cổ phiếu (stocks), tôi vẫn thích mua hàng chất lượng khi nó được giảm giá".

"Cách an toàn nhất để tăng gấp đôi tiền của bạn là gấp nó vào và cho vào túi quần" - Kin Hubbard

Tuần này, mời các bạn thư giãn với câu chuyện Thằng Bờm và Phú Ông. Câu chuyện dân gian đã được lan truyền từ lâu. Câu chuyện kể về việc thằng Bờm có một chiếc quạt mo, mùa hè nóng nực đến, chú phe phẩy quạt và phú ông thấy vậy, gạ Bờm đổi lấy cái quạt.

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim Đồi Mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi vắt xôi Bờm cười

Thực ra, câu chuyện đơn thuần là một cuộc đổi chác. Tuy nhiên, chuyện đặc biệt bởi giá trị của các vật trao đổi. Thằng Bờm có mỗi cái quạt mo – còn các vật của Phú ông mang ra đổi lại là cả một gia tài.

Những đề nghị trao đổi chênh lệch giá trị đều không được Bờm đồng ý. Chỉ đến khi có vật ngang giá – vắt xôi – Bờm mới cười. Thực ra, nhiều người bảo Bờm đúng là bờm, quá khờ khạo đánh mất cơ hội “lãi” một khoản lớn từ vụ kinh doanh trao đổi với Phú ông. Song, cũng chưa hẳn là Bờm khờ khạo hay Phú ông giả vờ khờ khạo?

Trong kinh doanh, mua rẻ bán đắt, hay đổi ít lấy nhiều đều thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ giữa người bán người mua lại chấp nhận một cuộc trao đổi quá chênh lệch. Mọi thứ đều có cái giá của nó.

Bạn muốn dùng hàng hiệu, chắc chắn phải bỏ ra một khoản tiền lớn, vào những trung tâm thương mại lớn, chọn những nhãn mác đắt tiền để mua. Một người khác, sẽ bỏ ra một số tiền ít hơn, để mua những mặt hàng có cùng công dụng, nhưng do những hãng ít nổi tiếng hơn sản xuất. Và, cũng có người chỉ chấp nhận bỏ ra một số tiền nhỏ để sở hữu cũng những mẫu mã sản phẩm đó nhưng là hàng trôi nôi, không xuất xứ rõ ràng.

Cuộc giao dịch của Bờm rất rất sòng phẳng, làm đúng khả năng, hưởng đúng nhu cầu. Chỉ giả sử rằng Bờm tham lam đồng ý một trong những đề nghị đổi chác chênh lệch mà Phú ông đề xuất, liệu rằng Phú ông có chịu đổi hay không? Và lúc đó chắc chắn, việc thất tín sẽ diễn ra.

Do vậy, đừng oán trách nếu mình bỏ ra một số tiền nhỏ để mong nhận về một sản phẩm có giá trị lớn – và – khi một ai đó mời chào bạn một sản phẩm vố cùng hữu dụng, có giá trị lớn với một số tiền rất nhỏ - bạn hãy nghi ngờ.


Câu chuyện của một diễn giả nổi tiếng về tờ tiền 20 dollar cũng lại là một bài học đáng suy ngẫm về giá trị như thế.

Chuyện kể rằng, có một nhà diễn thuyết nổi tiếng nọ đã bắt đầu buổi nói chuyện của mình bằng cách đưa ra tờ giấy bạc trị giá 20 đô la ra. Trong gian phòng có 200 khán giả, anh ta cất tiếng hỏi:

- Ai muốn có tờ 20 đô la này?

Những bàn tay bắt đầu giơ lên. Ông tiếp tục nói:

- Tôi sẽ đưa tờ 20 đô la cho bạn nhưng đầu tiên, hãy để tôi làm việc này...

Anh ta vò nhàu tờ tiền rồi anh ta lại hỏi:

- Còn ai muốn tờ bạc này không?

Vẫn có những bàn tay đưa lên...

- Ồ, vâng, nó sẽ như thế nào nếu tôi làm thế này?

Nói rồi anh ta quẳng nó xuống sàn và giẫm giày lên, sau đó, anh ta nhặt tờ bạc trông đã nhàu nát và dơ bẩn và hỏi:

- Nào, ai còn muốn có tờ bạc này nữa?

Vẫn còn những bàn tay đưa lên...

- Những người bạn của tôi, tất cả các bạn phải học một bài học rất giá trị. Đối với những việc tôi làm với đồng tiền, bạn vẫn muốn có nó bởi vì nó không giảm giá trị. Nó vẫn có giá trị là 20 đô la.

Nhiều lần trong cuộc sống của chúng ta, bạn bị rơi ngã, bị "vò nhàu" và bị vẩn đục bởi những quyết định mà bạn đã làm. Có những lúc chúng ta cảm thấy hình như mình trở nên vô giá trị; nhưng không phải như vậy. Bạn sẽ không bao giờ mất đi giá trị của mình. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng là vô giá với những người yêu thương bạn. Bạn thật đặc biệt, đừng bao giờ quên điều đó!

Đối với các sản phẩm hàng hóa cũng vậy, khi bạn tự tin rằng sản phẩm của mình có giá trị, đừng bao giờ vì muốn bán hàng mà giảm giá, làm mất đi giá trị của sản phẩm.

Một trong những bài học lớn trong kinh doanh là việc cạnh tranh. Thực tế cho rằng, trong kinh doanh, nếu các đối thủ dùng phương thức giảm giá trị để cạnh tranh, thì tất yếu cả 2 sẽ diệt vong. Do vậy, hãy đầu tư chất lượng sản phẩm, dịch vụ, và dùng chính sản phẩm, dịch vụ của mình để thuyết phục khách hàng.

Theo Phương Chi

Cùng chuyên mục
XEM