Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: “Nên bỏ khái niệm Kinh tế Tư nhân”
Theo ông Trần Anh Dũng, thay vào đó, nên sử dụng khái niệm: các hoạt động kinh tế CÓ dùng vốn ngân sách và các hoạt động kinh tế KHÔNG dùng vốn ngân sách.
Tại Hội thảo Đổi mới Doanh nghiệp diễn ra vào ngày 30/05 vừa qua, ông Trần Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên Phú, Đại diện Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam đã phát biểu và nhấn mạnh: “Phải loại bỏ khái niệm Kinh tế Tư nhân”.
Theo ông Dũng, cần phải thay đổi căn bản về tư duy phân biệt đối xử giữa hai hình thái Kinh tế Nhà nước với Kinh tế Tư nhân. Thay vào đó, nên sử dụng khái niệm: các hoạt động kinh tế CÓ dùng vốn ngân sách và các hoạt động kinh tế KHÔNG dùng vốn ngân sách.
Tại sao?
Đại diện Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam cho rằng, động lực và tiền đề cho sự phát triển của doanh nghiệp tóm gọn trong hai yếu tố: Thị trường và Nguồn nguyên liệu.
Nhưng sự tồn tại song song hai hình thái Kinh tế Nhà nước và Kinh tế Tư nhân với những cơ chế và khả năng rất khác nhau về tiếp cận thị trường và tiếp cận nguồn nguyên liệu đã và đang kìm hãm sự phát triển tự nhiên của DN tư nhân.
“Chính phủ sẽ không thể thực hiện tốt vai trò là Chính phủ kiến tạo, không thể thu hút được nguồn vốn tư nhân vào các chương trình hợp tác công tư, không thể huy động được sức mạnh tổng lực của toàn dân tham gia vào phát triển kinh tế đất nước nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì tình trạng con đẻ - con nuôi.” – Chủ tịch của công ty Năng lượng Thiên Phú phát biểu.
Sự thay đổi căn bản về tư duy quản lý kinh tế vỹ mô bắt đầu với sự thừa nhận hai hình thái của hoạt động kinh tế, các hoạt động kinh tế CÓ dùng vốn ngân sách và các hoạt động kinh tế KHÔNG dùng vốn ngân sách, sẽ là điểm khởi đầu kích hoạt cho sự thừa nhận và ủng hộ cho sự phát triển bình đẳng của tất cả các thành phần kinh tế.
Điều đó được thể hiện qua 03 khía cạnh sau:
Các Doanh nghiệp không sử dụng vốn ngân sách được đảm bảo không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bình đẳng khi tham gia thị trường, tiếp cận nguồn vốn, truy cập thông tin, thu hút nhân tài, hay huy động bất kỳ nguồn lực nào khác.
Lợi ích quan trọng mà cam kết này mang lại là số lượng các Doanh nghiệp cần sử dụng vốn ngân sách sẽ được thu hẹp đến mức tối đa vì có thể định hóa một cách cụ thể các loại hình hoạt động kinh tế nào cần thiết phải sử dụng vốn ngân sách. Ví dụ các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, viễn thông công ích, hay các hoạt động về bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tiến trình cổ phần hóa các DNNN sẽ được đẩy nhanh và giúp làm giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước, giảm bội chi ngân sách.
Các Doanh nghiệp không sử dụng vốn ngân sách được đảm bảo không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bình đẳng bởi hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách bao gồm, nhưng không giới hạn, là các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo hộ thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, v.v…
Lợi ích quan trọng mà cam kết này mang lại là sự tinh giản đến mức tối đa các cơ chế và chính sách về thuế, hải quan, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Qua đó, tăng cường sự minh bạch trong hoạt động lập pháp và hành pháp, qua đó tạo dựng được niềm tin và sự an tâm trong giới doanh nghiệp về tính ổn định và khả năng dự báo của chính sách, pháp luật.
Điều này sẽ giúp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đầu tư và mở rộng SXKD, không chỉ đối với các Doanh nghiệp trong nước mà còn có tác động mạnh mẽ tới khuyến khích, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Các Doanh nhân không thuộc khối DNNN sẽ được đảm bảo cơ hội tham gia đóng góp sực lực, trí tuệ trong bộ máy chính quyền.
Điều này cho phép Chính phủ thu hút được một lượng lớn nhân tài là các doanh nhân thành đạt tham gia đóng góp vào công tác quản lý và điều hành kinh tế đất nước.
“Hơn lúc nào hết, tăng cường khả năng thu hút nhân tài vào bộ máy chính quyền và huy động được nguồn lực toàn dân vào phát triển kinh tế đất nước có ý nghĩa sống còn với tương lai của nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những sức ép ngày càng tăng và phải đương đầu với tốc độ thay đổi chóng mặt của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu” – ông Dũng nói.