Chuyện công sở cuối năm: Những việc cần làm để chào đón năm mới không phải ai cũng biết

29/12/2017 13:36 PM | Sống

Cuối năm, chắc chắn dân công sở ấp ủ rất nhiều điều cần làm. Có vẻ đây là thời điểm thuận lợi để đề xuất tăng lương, thăng chức hay tìm kiếm một công việc lý tưởng hơn.

Những ngày cuối năm, mỗi người đều ôm rất nhiều kế hoạch để chuẩn bị thật tốt cho một năm mới bắt đầu. Chính vì vậy, nhiều người lại không biết nên bắt đầu từ đâu và làm những gì.

1. Làm bảng tổng kết năm

Dù bận đến đâu, bạn cũng nên dành thời gian để nhìn nhận lại bản thân, liệt kê ra những gì đã làm được và chưa làm được, cụ thể:

– Tự hỏi đáp các vấn đề xảy ra liên quan đến công việc trong năm qua (bằng thực tế, thành tích và các số liệu cụ thể).

– Phân tích nguyên nhân đạt được thành tích (tính cả sự hợp tác của tập thể, chứ không tự quy hết công trạng cho mình).

– Phân tích những vấn đề và sai lầm khiến mục tiêu công việc chưa hoàn thành (hãy ghi thật chi tiết, đầy đủ và có cả đối sách cho sau này.)

– Những mong đợi phát triển tương lai (nên liệt kê bằng hành động cụ thể, không nói suông)

– Kế hoạch và sắp xếp cho công việc của năm mới (cần thực tế, chia từng hạng mục và giai đoạn rõ ràng, phải có thêm tính sáng tạo)

2. Lên kế hoạch cho công việc càng chi tiết càng tốt

Bất cứ ai cũng luôn quan niệm khi một năm mới bắt đầu thì những việc làm đầu năm cũng phải cẩn trọng. Vì thế, cho dù năm vừa qua công việc và cuộc sống của bạn thuận lợi hay trắc trở thì để chuẩn bị cho một năm mới tốt lành, hãy nên có kế hoach rõ ràng và hợp lí. sau đó có thể lập bảng kế hoạch cho năm mới:

– Con số mục tiêu: Thời gian, số lượng công việc, số tiền lương, tài sản…

– Hành động cụ thể: Làm sao chấp hành nghiêm túc kế hoạch đề ra, phương pháp thực hiện từng việc, tình huống có thể phát sinh và giải pháp.

– Kế hoạch học tập: Bản thân còn thiếu gì, khóa học ngắn hạn và dài hạn, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm…

– Xây dựng các mối quan hệ: Học cách giao tiếp, tạo vòng tròn các mối quan hệ xã hội, nghệ thuật cư xử với cấp trên, đồng nghiệp và những người có liên quan trong cuộc sống.

3. Tận dụng thời cơ để bổ sung kiến thức

Dù bạn ở bất cứ vị trí nào, làm công việc gì thì bạn vẫn phải luôn không ngừng học hỏi. Bạn nên tìm hiểu, xem xét bản thân còn thiếu điều gì, chọn nơi đào tạo phù hợp để đăng ký khóa học khi năm mới bắt đầu. 

4. Trao đổi và xã giao nhiều hơn

Hãy dành thời gian để cởi mở hơn với cấp trên, đồng nghiệp và các bộ phận khác để tiếp thu nhìn nhận của mọi người về công việc cũng như cách cư xử của bạn trong năm qua. Tư duy của những người xung quanh rất có thể sẽ trở thành bài học kinh nghiệm và giúp bạn nhìn rõ được ưu lẫn khuyết điểm của mình, từ đó có hướng cải thiện và phát huy.

5. Suy nghĩ đúng đắn về nhảy việc

Nhiều người ấp ủ nhảy việc vào cuối năm vì đây không phải là thời kì nở rộ của tuyển dụng nhưng có thể lại là một lựa chọn đúng đắn của những người khôn ngoan. Tuy nhiên, nhảy việc cuối năm có thể coi là một sự mạo hiểm, "được ăn cả, ngã về không". Hãy suy nghĩ thật kĩ và quyết định chậm rãi, đừng để Tết này tự dưng trở thành kẻ thất nghiệp nhé!

Ninh Linh

Cùng chuyên mục
XEM