Chuyện chưa kể về CEO của Razer: Một game thủ gạo cội, bỏ cả nghề luật sư để chạy theo tiếng gọi đam mê

31/08/2019 08:38 AM | Kinh doanh

Và bây giờ, Razer đã trở thành một đế chế hùng mạnh cũng như là một trong những lựa chọn hàng đầu của giới game thủ.

Nhắc đến phụ kiện, phần cứng gaming thì không thể không kể đến cái tên Razer - công ty với gần 20 năm tuổi đời và là lựa chọn uy tín của hàng triệu game thủ trên toàn thế giới. Đến nay, Razer đã thực sự trở thành một đế chế hùng mạnh, với hệ sinh thái sản phẩm cực đa dạng: Từ chuột, bàn phím máy tính, cho đến cả smartphone và hệ thống ví ảo dành cho những người dùng không sử dụng thẻ tín dụng nữa.

Thế nhưng, ít ai biết được Min-Liang Tan, CEO thương hiệu khổng lồ này, đã từng từ bỏ công việc một công việc cực ổn định để chạy theo đam mê với game của mình. Là một game thủ chân chính, anh Tan dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với gamer trẻ tuổi - đối tượng khách hàng chính của Razer. Đó là còn chưa kể đến vốn hiểu biết về video game của vị CEO này rất ấn tượng: Từ những hot trend gần đây như Apax Legends, cho đến cả những tựa game kinh điển như Ultima IV hay Civilization.

Mức độ hardcore của Tan còn ấn tượng đến mức dù đã ở độ tuổi ngoài tứ tuần, anh vẫn dành hàng giờ đồng hồ mỗi đêm để chơi điện tử. Cũng giống như những gamer khác, anh cực ghét việc phải dậy sớm vào mỗi sáng. Đồng nghiệp của anh thậm chí còn tiết lộ: “Ngoài chơi game ra thì cậu ấy chẳng có sở thích nào khác cả”.

Nhưng cũng chính phong cách sống này đã giúp Tan thấu hiểu nhóm đối tượng khách hàng của mình một cách dễ dàng. Anh cho biết: “Giới trẻ thường rất khó đoán và khó tiếp cận. Điều quan trọng là bạn phải sống giống như họ mới được”.

Tuy nhiên, để có được thành quả như ngày hôm nay, Tan cũng đã phải đánh đổi không ít trong quá khứ. Ba người anh chị em của Tan đều là những bác sĩ, luật sư tài năng, và cũng không bất ngờ khi bố mẹ anh mong muốn anh sẽ tiếp bước họ. Tan thậm chí từng phải chịu những trận mắng gay gắt vì cả ngày chỉ biết cắm mặt vào chiếc máy tính của mình để chơi game.

Chiều bố mẹ, Tan trở thành một luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Thế nhưng ngọn lửa đam mê game trong anh chưa bao giờ tắt. Đến năm 1998, khi mà game online bắt đầu nở rộ trên thế giới, Tan đã có chuyến bay định mệnh đến Hàn Quốc để tham dự một sự kiện esport, và hồi sinh niềm đam mê của mình.

Chuyện chưa kể về CEO của Razer: Một game thủ gạo cội, bỏ cả nghề luật sư để chạy theo tiếng gọi đam mê - Ảnh 1.

Min-Liang Tan từng bỏ việc luật sư để thành lập Razer, và phần còn lại, đã trở thành lịch sử.

Để tiết kiệm chi phí tại nơi đất khách quê người, Tan đã không ở khách sạn và quyết định “đóng đô” ở những tiệm Internet Cafe (hiểu nôm na giống như những quán net ở Việt Nam vậy). Tại đây, anh có cơ hội quan sát giới game thủ kĩ hơn, cách họ chơi game, và cách họ sử dụng máy tính. Sau đó, Tan nhận ra những phụ kiện chuột, bàn phím khác nhau cũng sẽ đem đến những trải nghiệm khác nhau cho người dùng.

Đây chính là nguồn cảm hứng chính để Tan cùng với Robert Krakoff, đồng đội online của Tan trong tựa game bắn súng online Quake, sáng lập nên Razer. Với mục tiêu sản xuất phụ kiện chuyên dụng cho game thủ, Razer bắt đầu với chuột máy tính, sau đó mở rộng ra tai nghe, bàn phím, laptop, và mới đây nhất là smartphone - những dòng điện thoại chuyên dùng để chơi game.

Chuyện chưa kể về CEO của Razer: Một game thủ gạo cội, bỏ cả nghề luật sư để chạy theo tiếng gọi đam mê - Ảnh 2.

Sản phẩm của Razer hiện đã trở nên đa dạng hơn, không chỉ giới hạn ở phụ kiện game thủ nữa.

Các sản phẩm của Razer cũng chiếm được niềm tin của rất nhiều khách hàng nhờ khả năng vượt trội của mình. Khi nhìn vào phần mô tả của những sản phẩm này, như dòng chuột Viper chẳng hạn, bạn sẽ ngỡ như mình đang đọc mô tả của một dòng siêu xe nào đấy vậy, với hàng loạt cụm từ ấn tượng như “tốc độ phản hồi cao nhất thị trường hiện nay” hay “đỗ trễ cực thấp”. Hay dòng bàn phím Huntsman Elite cũng vậy, với chỉ số APM cao ngất ngưởng. (APM là chỉ số thể hiện số lượng lệnh hoặc thao tác mà gamer có thể thực hiện trên bàn phím trong vòng 1 phút).

Không chỉ dừng lại ở đó, Razer còn là gương mặt tài trợ quen thuộc cho cộng đồng esport trên toàn thế giới. Công ty này đã tài trợ cho 18 đội tuyển esport, bao gồm cả những tên tuổi đình đám như Evil Geniuses, Alliance hay Top Esports của Trung Quốc. Một số fan còn cuồng Razer đến mức xăm luôn logo rắn 3 đầu của hãng, hay thậm chí là hình ảnh khuôn mặt Tan, lên cơ thể.

Chuyện chưa kể về CEO của Razer: Một game thủ gạo cội, bỏ cả nghề luật sư để chạy theo tiếng gọi đam mê - Ảnh 3.

Razer không hề thiếu những khách hàng cuồng nhiệt và trung thành.

Hiện tại, ngoài phụ kiện, phần cứng ra, Razer còn tập trung phát triển thêm cả mảng dịch vụ, với Razer Gold - nền tảng tín dụng ảo hiện đã sở hữu đến 19 triệu tài khoản, giúp người chơi có thể dễ dàng mua game và thuê bao Twitch.

Ngoài ra, Razer cũng đầu tư cho cả Razer Pay, ứng dụng thanh toán trực tuyến qua mã QR, với tham vọng soán ngôi những ứng dụng đối thủ khác như Alipay hay WeChat Pay. Nền tảng này đã đi vào hoạt động tại Malaysia vào năm 2018 và mới ra mắt tại Singapore trong đầu năm nay.

Với uy tín và chất lượng của mình, Tan khẳng định các sản phẩm của Razer sẽ luôn nằm trong phân khúc cao cấp, đồng nghĩa với việc mức giá của chúng sẽ không hề dễ chịu chút nào: “Chúng tôi luôn tập trung vào những gamer “xịn” nhất. Khi thành lập Razer, tôi không hề nghĩ đến tiền bạc hay lợi nhuận. Tôi là 1 game thủ, điều đó đồng nghĩa với việc khi sản xuất phụ kiện cho những game thủ khác, tôi đang sản xuất cho chính mình. Thế nên, tôi muốn những sản phẩm này phải là đỉnh nhất, với chất liệu đỉnh nhất, và công nghệ đỉnh nhất”.

Theo DG

Cùng chuyên mục
XEM