Chuyện chàng trai Sài Gòn mất một chân vẫn ngày ngày chăm sóc cụ già neo đơn nằm liệt giường
Đúng là ông trời không lấy đi của ai tất cả. Mất đi một chân, bù lại cho Lưu một trái tim ấm áp nhân hậu. Lưu vẫn luôn kiên cường đến lạ lùng, trong cảnh khốn cùng, đen tối nhất của cuộc đời. Chính cậu là "người hùng" tự cứu vớt lấy cuộc đời mình, giờ chính tấm lòng đó mong muốn cứu thêm nhiều người nữa.
"23 tuổi tôi bắt đầu ước mơ của bản thân. Ngay thời điểm ấy, tôi đã không may mắn bị tai nạn và mất đi chân trái".
Sài Gòn, ngày 12/9/2016.
Lưu Nguyễn (SN 1994) bất ngờ gặp nạn khi bị một chiếc ô tô 7 chỗ tông trúng. Lưu nằm giữa một vũng máu, bên cạnh là hàng trăm ánh mắt hiếu kỳ dõi theo nhưng không một ai có ý định đưa cậu đến bệnh viện. Lưu cố gắng trấn tĩnh bản thân từng chút một, dù cơn đau càng lúc càng tăng lên. 15 phút sau, vẫn không có ai đoái hoài đến Lưu. Cậu tự mình bắt taxi tới bệnh viện.
Lưu Nguyễn luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh, dù là đen tối nhất.
Đôi chân trái bị cán nát dưới gầm ô tô
Lưu nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch, mất máu cấp. Các bác sĩ yêu cầu tiến hành phẫu thuật gấp để cắt bỏ phần chân trái bị cán nát. Với một người trẻ mới bắt đầu sự nghiệp như Lưu, quyết định này không hề dễ dàng gì. Lưu không khóc. Cậu ủ rũ nằm trên giường bệnh, suy nghĩ vẩn vơ. Nếu không cưa chân, tính mạng cậu cũng không chắc được đảm bảo. Giữa tình thế cấp bách ở thời điểm đó, Lưu chấp nhận trước mắt mình sẽ mất đi một bên chân để có thể tiếp tục sống.
Với bố mẹ và những người xung quanh, Lưu luôn giữ một tâm thế hết sức lạc quan. Cậu không trách ông trời sao bất công với mình, chỉ là chuyện xảy ra coi như cái nghiệp phải chịu, có đau khổ cũng không thay đổi được gì, phải học cách chấp nhận và đối diện sự thật.
Bố mẹ Lưu đi từ nỗi bàng hoàng này đến cú sốc khác từ khi nghe tin con trai gặp nạn rồi buộc phải cắt bỏ chân trái. Rồi họ bỗng trở nên "phi thường", với sự dung dị, chất phác của người nhà quê, 2 bác âm thầm, lặng lẽ chăm lo cho Lưu từng miếng ăn, giấc ngủ, là chỗ dựa tinh thần trước khi Lưu thực hiện phẫu thuật.
Và chàng trai 23 tuổi đã can đảm bước vào trận chiến sống còn với một tâm lý nhẹ nhàng nhất.
Trên giường bệnh, Lưu luôn rạng ngời với nụ cười tươi.
Cuộc phẫu thuật thành công. Khi tỉnh lại, Lưu biết mình đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Cậu bắt đầu biết sợ. Sợ sau mỗi giấc ngủ nhìn xuống không còn thấy chân nữa. Sợ người đời gọi cậu là thằng què. Sợ ánh mắt tuyệt vọng của ba mẹ. Sợ mất công việc. Sợ tương lai không biết đi về đâu. Lưu từng nghĩ, đời mình coi như chấm hết...
"Có những lúc thay băng, mình lăn qua lăn lại vì đau quá. Mẹ phải giữ chặt tay để hộ lý có thể tiếp tục nhiệm vụ. Mình quằn quại trong đau đớn khi bị cây kim chọc thẳng vào mết mổ còn chưa kịp lành. Mình hét lớn, còn mẹ chạy vội ra ngoài khóc...".
Hằng ngày, Lưu vẫn phải chiến đấu với nỗi đau thể xác và sự dằn vặt về tinh thần. Đây là cuộc chiến không hồi kết, bởi nó miên man theo từng tầng suy nghĩ trong đầu Lưu. Cậu từng ủ rũ đến mức chán chường khi nghĩ về những ngày đen tối phía trước. Nhìn lại mình sau biến cố lớn, Lưu tự hỏi, ai sẽ thuê mướn một đứa què cụt như cậu.
Nhưng Lưu vẫn cười. Nụ cười là thứ luôn có sẵn trên gương mặt cậu, vui cũng cười, buồn cũng cười. Lưu cười trong bình tĩnh, cười trong đớn đau và giờ đây cậu phải học cách cười với số phận của chính mình. Mặc cho nhiều người khuyên nhủ, nếu muốn khóc thì cứ khóc cho thật đã đi, như vậy sẽ thấy nhẹ lòng hơn. Đừng cười trước mặt mọi người để rồi khi đêm về tự mình chơi vơi trong ngập tràn nước mắt. Lưu vẫn luôn giữ một tâm thế lạc quan nhất.
Chân giả giúp Lưu đi muôn nơi.
"Mình tự nhủ bản thân phải nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống đen tối để bố mẹ và gia đình không thấy mình phải buồn vì chuyện mất cái chân ấy. Trong 2 năm qua, mình đã cố gắng làm hết tất cả mọi chuyện để bản thân không là gánh nặng của bố mẹ và gia đình".
Cách đây hơn 1 năm, bạn bè và người thân quyên góp mua tặng Lưu đôi chân giả. Lưu đùa, cái chân đó sắp hết hạn rồi, nhiều khi đi đường bất thình ngã cắm đầu xuống đất là chuyện bình thường. Mỗi khi ra đường với cái chân trái mới, người ngoài nhìn vào không ai nghĩ cậu là một người tàn tật. Nhìn cậu bình thường như bất kỳ ai khác trong xã hội này.
"Thanh xuân của người ta thì dành để yêu ai đó, còn mình đơn giản chỉ dành cho những chuyến đi. Đôi khi có những ngày chỉ muốn gục ngã vì những khó khăn và sóng gió, nhưng mình tự biết phải lạc quan lên và lựa chọn cách sống tốt nhất. Mình rất thích câu nói: "Ánh sáng xuyên qua màn đêm, niềm tin đâm chồi từ nghịch cảnh là niềm tin mãnh liệt nhất". Mình xem đó là kim chỉ nam cho cuộc sống".
Ngày ngày chăm sóc cụ già neo đơn nằm liệt giường
Lưu từng nghĩ, mất chân vậy là nghiệp duyên tạo ra từ kiếp trước. Cậu từng có thời gian đắm chìm vào những tháng ngày cố gắng tự thoát ra nỗi đau về tinh thần. Tưởng chừng rất dễ dàng, nhưng không hề dễ đối với một người vốn mặc cảm như Lưu.
Dẫu biết rằng cuộc sống là cả một chặng đường dài, phải có vấp ngã, phải có chông gai, nhưng nhiều khi Lưu thấy nó xa vời quá.
Tình cờ trong một lần học nghề tại Vĩnh Phúc, Lưu có gặp và giúp đỡ cụ ông không có gia đình, người thân. Hình ảnh người đàn ông già, nghèo đói, cằn cỗi, không vợ, không con, nằm giữa không gian rác thải. Lưu nghĩ, không biết liệu mai này cậu có rơi vào hoàn cảnh xót xa như vậy không.
Căn nhà của cụ ông nhiều rác thải và bốc mùi hôi thối.
Lưu đã đến và dọn dẹp giúp đỡ cụ.
"Mình đã khóc khi nhìn thấy ông và chợt nghĩ ngay về bản thân mình: cô đơn, mất một chân, nằm một chỗ với đống phân nước tiểu ấy. Hai đêm rồi mình nằm buồn và khóc, suy nghĩ đến bản thân, cảm giác giống như lúc vừa bị cưa chân được đẩy ra khỏi phòng mổ và nằm khóc một mình. Tối tăm không biết đi đâu, về đâu và làm gì sống như thế nào. Nhiều lúc muốn nói với mẹ: Mẹ ơi, con mệt mỏi quá, con kiệt sức rồi, con muốn về nhà. Nhưng lúc đó mình yếu đuối quá. Thương ông, mình quyết định chăm sóc ông được đến lúc nào hay lúc đó".
Lưu kể, nhà ông cụ gần nhà cô giáo nơi Lưu đang theo học nghề, thấy tội nghiệp cho một kiếp người về già chịu cảnh neo đơn, ngày ngày Lưu lui tới chăm sóc cụ. Sáng, cậu mua đồ ăn mang sang cho ông, rồi dọn nước tiểu và phân của lũ mèo. Trưa và tối, Lưu mua cháo, mua cơm đưa sang cho ông rồi thắp nhang cho cụ bà trước đi ra về.
Chỉ còn 20 ngày nữa, Lưu sẽ kết thúc khóa học nghề phun xăm và điêu khắc chân mày. Cậu sẽ rời xa Vĩnh Phúc và chưa thể vạch ra một kế hoạch "dài hạn" chăm sóc cụ ông.
Lưu bế ông đi tắm giặt.
"Duyên đến đâu mình giúp đến đấy, không nói trước được điều gì. Vì ông bị lẫn nên nhiều khi nóng giận, chửi mắng người ở xóm nên không ai giúp ông. Ông cũng không chịu vào viện dưỡng lão, chỉ nằm im một chỗ rồi đợi người khác cho đồ ăn. Hiện mình cũng đã có một chỗ gửi gắm ông sau này. Đồ ăn uống là tiền mọi người quyên góp, mình sẽ gửi lại cho bà gần nhà. Còn dọn dẹp, vệ sinh chắc không có ai. Ông sẽ phải tự cố gắng từng ngày".
Hiện tại nhà cụ ông không có đường dây điện, nhà vệ sinh bị hư 4 năm nay không sử dụng được. Mọi việc tiểu tiện cụ ông vệ sinh ngay tại chỗ nên căn nhà bốc mùi khó chịu. Không ngại ngần, một mình Lưu dọn sạch sẽ, mong ông có nơi ở chất lượng hơn. Lưu tắm cho ông, sắm cho ông vài bộ quần áo mới, thêm bộ chăn ga gối đệm chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.
Căn nhà sạch sẽ, thoáng mát và ông cũng đã có bộ chăn mới cho mùa đông tới.
Cụ ông neo đơn may mắn được Lưu biết đến và giúp đỡ.
"Cuộc sống là chuỗi ngày của mỗi con người tự hoàn thiện mình, mỗi ngày là một bài học vô giá ta nhận được từ cuộc sống. Quá trình hoàn thiện mình chính là gạt bỏ đi từng cái xấu và vun đắp thêm từng cái tốt dù rất nhỏ, giúp được một ai đó mình cảm thấy rất hạnh phúc và ý nghĩa. Mình chỉ mong sao bản thân thật khoẻ mạnh và mỗi ngày được cười tươi để động viên mọi người. Mình hy vọng có thể tự làm ra tiền từ chính đôi tay này, không nhờ vào bố mẹ nữa và giúp đỡ nhiều người hơn".
Đúng là ông trời không lấy đi của ai tất cả. Mất đi một chân, bù lại cho Lưu một trái tim ấm áp nhân hậu. Lưu vẫn luôn kiên cường đến lạ lùng, trong cảnh khốn cùng, đen tối nhất của cuộc đời. Chính cậu là "người hùng" tự cứu vớt lấy cuộc đời mình, giờ chính tấm lòng đó mong muốn cứu thêm nhiều người nữa.
Chân giả giúp Long có thể đi nhiều nơi và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.