Xây toilet trong nhà - cuộc cách mạng thay đổi cuộc sống của phụ nữ Ấn Độ
Có toilet trong nhà có lẽ đã là điều hiển nhiên ở thế kỉ 21, nhưng đối với phụ nữ Ấn Độ, đây vẫn là một điều họ luôn mong muốn từ rất lâu nay.
Hãy thử tưởng tượng mỗi một lần đi vệ sinh của bạn là một lần phải trèo đèo lội suối, đi vào rừng, lấp ló nơi bờ sông và đối mặt với hàng loạt các hiểm nguy đang rình rập xung quanh như rắn, rết, bọ cạp,... Nghĩ đến vậy thôi cũng đã đủ ớn lạnh, nhưng đây lại là mô tả chính xác nhất cho những lần đi "xả" trước đây của phụ nữ Ấn Độ.
Cho đến bốn năm về trước, Thủ tướng Narendra Modi đã khởi động chiến dịch "Clean India" (tạm dịch: Làm sạch Ấn Độ), với kinh phí cực khủng là 20 tỉ đô, nhằm xây dựng số lượng nhà vệ sinh lớn nhất trong lịch sử nhân loại - 110 triệu căn trước tháng 10/2019.
Tự sở hữu bồn xí đã trở thành một mục tiêu quan trọng đối với các phụ nữ Ấn Độ.
Hưởng ứng nhiệt liệt cho phong trào ủng hộ này là bà Meera Devi. Năm 2007, bà mẹ 3 con này đã đi vay tiền để xây một nhà vệ sinh dạng ngồi xổm lần đầu tiên xuất hiện tại làng Kachhpura, nằm ven sông Yamuna, thành phố Agra, bang Uttar Pradesh. Chính cái bồn xí này đã làm Devi trở nên nổi tiếng.
"Từ hồi tôi xây nhà vệ sinh, dân làng cứ ùn ùn kéo đến tham quan, hầu hết toàn là phụ nữ và bé gái" - bà mẹ 47 tuổi cho biết.
Từ đó đến nay, bà đã thuyết phục thành công thêm 2 nghìn dân làng nữa cùng tham gia chiến dịch "tự xây nhà xí" của mình. Nỗ lực này đã khiến Devi trở thành người rất được kính trọng trong cộng đồng nữ giới tại ngôi làng bà đang sinh sống.
Bà Devi, 47 tuổi, đã quyết định xây nhà vệ sinh riêng chủ yếu là cho các con mình sử dụng.
Giải thích cho sự cần thiết của cuộc cách mạng lần này, hãng tin Bloomberg cho biết ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng Ấn Độ mất khoảng 6,4% GDP, tức 166 tỉ USD/năm, chỉ vì chứng nhiễm trùng ruột cùng nhiều hậu quả sức khỏe khác do thiếu vệ sinh. Những công nhân mắc bệnh mãn tính có năng suất lao động thấp hơn, qua đời sớm hơn, để dành được ít tiền hơn và con cháu họ cũng vì thế mà có ít cơ hội được học đại học.